Nữ sát thủ Elizabeth Báthory - từ đời thực đến tiểu thuyết kinh dị

Thứ Tư, 12/09/2018, 17:56 [GMT+7]
In bài này
.

Nữ Bá tước người Hungary Elizabeth Báthory (1560-1614), từng được lịch sử nhân loại xếp là một trong những quái nhân khét tiếng nhất mọi thời đại. Sách Kỷ lục Guinness, ghi đây là “Nữ thủ phạm sát hại nhiều người nhất thế giới”.

Bá tước phu nhân E. Báthory lúc sinh thời (tranh vẽ đầu thế kỷ XVII).
Bá tước phu nhân E. Báthory lúc sinh thời (tranh vẽ đầu thế kỷ XVII).

Với tên khai sinh đầy đủ là Elizabeth Báthory de Ecsed, năm 15 tuổi E. Báthory trở thành vợ của Bá tước Ferenc Nádasdy (1555-1604), một nhà quý tộc Hungary nổi tiếng dũng mãnh đã tử nạn trong một cuộc giao tranh với binh đội Ottoman thiện chiến, khiến Elizabeth trở nên góa bụa vào đầu năm 1604. Những tội ác ghê tởm được nữ bá tước phu nhân thực hiện sau cái chết của chồng, diễn ra đều đặn tại tòa lâu đài Cachtice của gia đình ở Thượng Hungary (thuộc miền Tây Slovakia hiện nay).

Tòa lâu đài Cachtice vốn kín cổng cao tường là hiện trường của những vụ án mạng triền miên.
Tòa lâu đài Cachtice vốn kín cổng cao tường là hiện trường của những vụ án mạng triền miên.

Tin rằng làn da cơ thể sẽ “trắng mượt như trứng gà bóc” - một khi được “gột rửa” qua dòng máu tinh khiết tươi trẻ của các cô gái, từ đó Elizabeth Báthory rắp tâm áp dụng phương cách mới, nhằm giúp bà luôn giữ được “vẻ đẹp và sự trẻ trung trường tồn”. Trong vòng 6 năm kế tiếp, nữ quái nhân E. Báthory đã tổ chức bắt cóc hơn 600 cô gái trẻ trong vùng, cưỡng bức hành hạ họ hết sức quái đản cho đến chết.

Tin đồn về mụ góa phụ khát máu ở lâu đài Cachtice nhanh chóng loan ra không chỉ trong xứ Slovakia, mà khắp cả đế chế Áo - Hung rộng lớn. Nhưng giới chức hữu trách không “vội” ra tay ngăn chặn tội ác tày trời của tên sát thủ hàng loạt E. Báthory(?!). Nguyên do chủ yếu là bởi xuất xứ thượng lưu quý tộc của nữ quái nhân, dù sao đi nữa thì E. Báthory vẫn đường đường chính chính là thành viên của một trong những dòng họ danh giá nhất đế chế Áo - Hung, có họ hàng thân thích với nhiều nhân vật chấp chính đương quyền; chưa kể người chồng quả cảm F. Nádasdy của thủ phạm mới tử trận chưa được bao lâu.

Đến tận cuối năm 1610 trước đòi hỏi của công luận, Hoàng đế Matthias (1557-1619) mới chính thức lệnh cho viên quan Đại thần Thurzó Gyorgy (1567-1616), cũng là vị Bá tước anh họ của E. Báthory tới Slovakia điều tra thực hư. 

Chẳng gặp mấy khó khăn, vị thượng quan đã cùng lính cải trang do 2 nhân chứng dẫn đường phục bắt quả tang. Ngay lập tức kẻ tội đồ E. Báthory bị tạm giam kề hiện trường tòa lâu đài Cachtice. Một phiên tòa cấp tốc được mở ra, tiến hành xét xử thủ phạm E. Báthory và những kẻ đồng phạm, nhưng bị cáo chính E. Báthory lại vắng mặt không rõ lý do(?!).

Kết cục hầu hết những cộng sự thân cận tiếp tay cho hành vi sát nhân của góa phụ E. Báthory, với gốc tích đều thuộc các giai tầng xã hội “hạ đẳng - thấp hèn” hơn, nên bị viên quan tòa T. Gyorgy tuyên phạt bằng cách đưa thẳng lên… đoạn đầu đài(!). Riêng nữ quái nhân E. Báthory lĩnh mức án “quản thúc nghiêm ngặt tại gia”, rồi lìa đời gần 4 năm sau vào ngày 21-8-1614 tại lâu đài Cachtice.

Lịch sử ghi nhận nhằm đạt được sự “trường sinh bất tử”, nữ quái nhân E. Báthory đã sát hại rồi uống và tắm trong máu của 650 thiếu nữ trinh trắng vô tội. Trớ trêu thay mãi hơn 2 thế kỷ sau, tên sát thủ hàng loạt E. Báthory lại trở thành hình mẫu tạo nên nhân vật hư cấu biến thành Bá tước “ma cà rồng” Dracula trong cuốn tiểu thuyết kinh dị cùng tên, của nhà văn người Iceland Bram Stoker (1847-1912) ấn hành lần đầu trong tháng 5-1897 luôn được xếp vào dạng đề tài “ăn khách” cho đến tận ngày nay.

THU HƯỜNG

;
.