Hai lần cháy nhà, ra đời đồ chơi Lego

Thứ Sáu, 17/08/2018, 09:50 [GMT+7]
In bài này
.

Có thể nói, hầu hết trẻ em trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã quen thuộc với loại đồ chơi là những khối nhựa đủ màu sắc, có thể lắp ráp thành nhiều thứ như nhà cửa, máy bay, xe hơi, thuyền bè, người máy… Đồ chơi đó được gọi là LEGO. Sau 85 năm kể từ ngày xuất hiện, Công ty LEGO trở thành một trong những nhà sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới, nhưng ít ai biết người phát minh ra LEGO là một thợ mộc người Đan Mạch và LEGO ra đời sau 2 lần… cháy nhà!

Ole Kirk Christiansen, người phát minh ra đồ chơi LEGO.
Ole Kirk Christiansen, người phát minh ra đồ chơi LEGO.

SỰ RA ĐỜI TỪ 2 VỤ CHÁY

Năm 1914, Filskovand chỉ là một ngôi làng nghèo nàn ở thị trấn Billund thuộc bán đảo Jutland, phía tây Đan Mạch và Ole Kirk Christiansen cũng chỉ là một anh chàng thợ mộc 23 tuổi, làm thuê cho một xưởng mộc chuyên sản xuất những cái thang, ghế đẩu cùng những cái bàn đơn giản, rẻ tiền. 

Năm 1916, sau khi lấy vợ, Christiansen quyết định mở một xưởng mộc cho riêng mình. Đến năm 1924, việc kinh doanh đang lúc phát đạt thì Johannes Kirk Christiansen, con trai lớn của ông vô tình để cái giỏ đựng dăm bào cạnh lò sưởi khiến nó bốc cháy rồi lan ra. Toàn bộ nhà xưởng của gia đình Christiansen phút chốc hóa thành tro bụi. Johannes nhớ lại: “Hồi ấy chưa có mạng lưới chữa cháy hiện đại như bây giờ, xưởng mộc của cha tôi lại chứa đầy những vật liệu dễ cháy nên cả gia đình chỉ biết đứng nhìn ngọn lửa tàn phá”.

Không nản chí, Ole Kirk cùng các con bắt tay dựng lại xưởng mới nhưng 5 năm sau - năm 1929 - Đan Mạch bị cuốn vào cuộc đại suy thoái khiến việc sản xuất, kinh doanh của Ole Kirk gần như giậm chân tại chỗ. Họa vô đơn chí, năm 1932 vợ ông là bà Kristine Sorensen qua đời, để lại cho ông 4 đứa con. Không tiền trả lương, Ole Kirk phải sa thải phần lớn thợ thầy trong xưởng. Karl, con trai thứ của ông kể: “Xưởng mộc của chúng tôi không có máy móc, tất cả đều làm bằng tay nên năng suất rất thấp, không cạnh tranh nổi với những nơi khác. Trước viễn cảnh chết đói, cha tôi quyết định chuyển sang làm đồ chơi, bởi những thứ ấy có thể làm nhanh, dễ bán vì rẻ tiền!”.

Và thế là vài tháng sau đó, xưởng mộc Billund Carpentry Shop & Lumberyard của cha con Ole Kirk Christiansen bắt đầu cho ra lò những chiếc xe du lịch, xe bus, máy bay, tàu thuyền cùng một số con vật quen thuộc như chó, ngựa, vịt, cừu…, làm từ gỗ bạch dương, sơn nhiều màu sặc sỡ. Một trong những mặt hàng bán chạy nhất của Ole Kirk lúc ấy là chú vịt có thể há mỏ ra được. Đến năm 1935, xưởng mộc Billund Carpentry Shop & Lumberyard đã có tổng cộng 42 loại đồ chơi khác nhau, tất cả đều được đăng ký độc quyền kiểu dáng và thay vì chỉ có một dãy nhà duy nhất, công nhân thao tác bằng tay thì lúc này, Ole Kirk đã có máy bào, máy khoan, máy cưa, máy tiện. Johannes, con trai trưởng của ông nói: “Sản phẩm của chúng tôi bán đi 27 quốc gia trên thế giới. Nhiều khách hàng liên tục hối thúc chúng tôi giao hàng sớm hơn thời hạn”.

Thế nhưng một lần nữa, định mệnh lại chơi khăm cha con nhà Ole Kirk Christiansen. Năm 1942, Đức Quốc xã xâm chiếm Đan Mạch và xưởng mộc Billund Carpentry Shop & Lumberyard lần thứ 2 cháy rụi vì đạn pháo. Khi chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc, mặc dù vốn liếng mà Ole Kirk dành dụm được đủ để ông làm lại cơ nghiệp nhưng nguồn nguyên liệu là gỗ bạch dương lại không còn nhiều. Một số hãng sản xuất đồ chơi khác bắt đầu chuyển sang dùng nguyên liệu nhựa. Johannes nói: “Đó là xu thế tất yếu nhưng làm ra thứ đồ chơi gì mới là vấn đề. Nó phải lạ và cũng như đồ chơi bằng gỗ, nó phải rẻ”.

Một ngôi nhà được lắp ráp bằng những “viên gạch” LEGO.
Một ngôi nhà được lắp ráp bằng những “viên gạch” LEGO.

“VIÊN GẠCH” LEGO

Năm 1946, Ole Kirk nhập về những chiếc máy ép nhựa đầu tiên. Và sau vài ngày suy nghĩ, ông phác thảo ra một thứ đồ chơi. Đó là những “viên gạch” bằng nhựa hình chữ nhật, đủ màu sắc, có thể ráp nối với nhau bằng những mẩu nhỏ hình tròn nằm trên một mặt của “viên gạch”. Ole Kirk gọi nó là “gạch kết dính tự động”. Nó dựa trên nguyên tắc loại gạch lát vỉa hè do Công ty Kiddicraft sản xuất, kết dính với nhau mà không cần đến xi măng, thường được gọi là gạch “con sâu”. Khi những mẻ “gạch đồ chơi” đầu tiên ra đời, Ole Kirk triệu tập toàn bộ công nhân lại, đề nghị họ chọn cho nó một cái tên. Cuối cùng, tất cả thống nhất đặt tên cho thứ đồ chơi mới mẻ này là LEGO - phát xuất từ tiếng Đan Mạch “Leg Godt” - nghĩa là “chơi tốt”. Điều trùng hợp thú vị là theo tiếng La tinh, LEGO có nghĩa là “đặt lại với nhau”.

Năm 1951, năm năm sau ngày LEGO ra đời, với sự cải tiến về mẫu mã theo từng chủ đề của Godtfred, con trai thứ ba của Ole Kirk, LEGO trở thành loại đồ chơi bán chạy nhất châu Âu, châu Mỹ. Với một bộ LEGO, người ta có thể xây dựng cả một thành phố có nhà cửa, cây cối, xe cộ, con người, sông hồ… chỉ bằng cách ráp chúng lại với nhau. Mark Owen, một nhà giáo dục nổi tiếng ở Anh hồi ấy đã nói: “Được thiết kế trên nguyên tắc lắp ráp, và điều đó có nghĩa là bất kỳ “viên gạch” nào ở bất kỳ bộ đồ chơi nào, cũng đều có thể liên kết với nhau, LEGO đã thúc đẩy tư duy sáng tạo của con trẻ, tạo ra sự gắn bó khi chúng cùng nhau lắp ráp một chủ đề…”. Và không chỉ trẻ con, ngay cả giới thanh thiếu niên, say mê LEGO cũng không phải là ít.

Nhưng một lần nữa, một trận hỏa hoạn lại thiêu rụi phần lớn nhà xưởng, máy móc của gia đình Ole Kirk. Tuy nhiên, với tiếng tăm và lợi nhuận đã đạt được, Ole Kirk tái lập sự nghiệp một cách dễ dàng. Năm 1958, LEGO được cấp bằng sáng chế về “hệ thống khớp nối giữa những viên gạch”. Thời điểm ấy, LEGO có 28 bộ đồ chơi với những chủ đề khác nhau, trong đó bộ ít nhất có 20 “viên gạch”, bộ nhiều nhất có 480 “viên gạch”.

Cũng trong năm 1958, Ole Kirk Christiansen qua đời, để lại việc điều hành Công ty LEGO cho Godtfred cùng 3 con trai của ông là Johannes, Karl và Gerhardt. Năm 1968, LEGO mở công viên đồ chơi đầu tiên ở quê nhà Billund, Đan Mạch. Năm 1996, LEGO mở ở Windsor, Anh quốc rồi tại  California, Mỹ năm 1999. Công viên thứ tư khai trương năm 2002 tại Gunzburg, Cộng hòa Liên bang Đức, chưa kể tại nhiều quốc gia đã xuất hiện học viện LEGO, phòng giáo dục LEGO để thúc đẩy nghiên cứu trong học tập. 

Tính đến cuối năm 2017, đồ chơi LEGO đã có mặt tại 130 quốc gia với gần 90 tỷ khối nhựa hình chữ nhật đã được bán với nhiều thể loại, từ loại dành cho đứa trẻ mới biết đi đến loại dành cho thanh thiếu niên. Trên mạng Internet, LEGO còn có trò chơi mô hình cho những ai say mê máy tính. Johannes, con trai trưởng của Ole Kirk nói: “Nếu không có những vụ cháy, chưa chắc chúng tôi đã có động lực để làm nên một LEGO như bây giờ…”.

VŨ CAO
(Theo Famous Inventors)

;
.