Cuộc đời của nhà báo chiến trường Martha Gellhorn

Thứ Năm, 09/08/2018, 17:55 [GMT+7]
In bài này
.

Martha Gellhorn là nhà báo nữ tiên phong vượt qua những định kiến của xã hội để trở thành một trong những phóng viên chiến tranh vĩ đại nhất thế kỷ 20. Trong suốt sự nghiệp báo chí gần 60 năm của mình, bà đã viết về vô số những cuộc chiến tranh xung đột trên khắp thế giới. Nhờ có sự cống hiến phi thường ấy, bà được ghi nhận giải thưởng báo chí đặt theo chính tên bà là Giải thưởng Martha Gellhorn.

Bà Martha Gellhorn và nhà văn Hemingway.
Bà Martha Gellhorn và nhà văn Hemingway.

Gellhorn sinh ra trong một gia đình có học thức và giàu có ở St. Louis. Cha bà là một bác sĩ phụ khoa người Do Thái, còn mẹ bà là một nhân vật nổi danh trong lĩnh vực đấu tranh vì nữ quyền. Cả hai người đều có tư tưởng tự do về chính trị, giới tính và giáo dục, những điều có ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành tính cách của Gellhorn.

Gellhorn tốt nghiệp trường John Burroughs năm 1926 ở St. Louis, sau đó bà ghi danh theo học tại Bryn Mawr College ở Philadelphia. Tuy nhiên, bà đã tạm ngừng học để dành thời gian theo đuổi sự nghiệp báo chí. Trong khoảng thời gian tiếp theo, bà làm phóng viên cho tờ Times Union ở Albany. Những địa điểm lấy tin của bà là các câu lạc bộ, đồn cảnh sát và thường xuyên nhất là nhà xác.

Việc là nữ phóng viên duy nhất trong đội ngũ nhân viên ở phòng tin tức ồn ào, xô bồ luôn khiến bà không thoải mái, thêm vào đó bà thường xuyên phải chống lại sự quấy rối của biên tập viên. Nhưng đỉnh điểm là khi chính biên tập viên đó bắt bà từ bỏ một bài báo mà bà rất muốn làm. Đó là bài viết về một người phụ nữ mất quyền nuôi con đầy bất công vì nghề bồi bàn của mình. Đấy là lúc Martha nhận ra bà cần lên tiếng bênh vực cho những người yếu thế.

Martha muốn trở thành một nhà văn nghiêm túc, có tiếng nói và được coi trọng, nhưng trong vài năm sau đó, những bài báo bà có được là những bài dành cho mục thời trang hoặc góc nhìn phụ nữ trên các tờ tạp chí. Mãi cho đến khi bà làm việc cho Cơ quan cứu trợ liên bang, về cảnh dân chúng chết đói, không nhà cửa do cuộc Đại suy thoái thì tài năng của bà mới được tỏa sáng. Tất cả những điều này được bà lấy làm tài liệu cho cuốn sách nổi tiếng “The Trouble I’ve Seen”, cuốn sách đã đưa tên tuổi bà thành hiện tượng văn học vào năm 1936.

Không lâu sau đó, bà gặp được tình yêu của đời mình: Ernest Hemingway tại một quán bar ở Key West. Ngay khi biết được ông sẽ tới Madrid để viết bài về cuộc nội chiến Tây Ban Nha, bà quyết định mình cũng sẽ phải đến đó. Dù tại thời điểm đó bà không hề có bất kỳ nhiệm vụ chính thức nào ở đó nhưng chỉ vài tháng sau vào mùa xuân năm 1937, bà đã một mình vượt biên giới Pháp sang Tây Ban Nha. Lúc đó bà chỉ mang theo một cái ba lô, 50 USD nhét trong giày và một lá thư ủy nhiệm giả mạo được bà xin từ một người bạn biên tập viên ở New York.

Tại thời điểm ấy, Madrid đã bị tấn công đến tháng thứ 5, mùi thuốc súng luôn thường trực trong không khí, những thân người bị thương la liệt trong các bệnh viện dã chiến, phụ nữ phải vật lộn phía hậu phương, trẻ em đến trường qua những con đường máu nhưng những người dân nơi đây vẫn đang sống một cách dũng cảm.

Bà chỉ đơn giản ghi chép lại những gì mình quan sát được theo quan điểm của chính mình bằng văn phong giản dị. Những bài báo viết về quãng thời gian tại Madrid của Martha không những khẳng định tiếng nói và phong cách của bà mà còn thay đổi hoàn toàn cách người ta nhìn và viết về những cuộc chiến. Martha tập trung vào con người thay vì tập trung vào những chủ đề thông thường trong các cuộc chiến như binh lính, tướng lĩnh, vũ khí và đạn dược.

Sau đó bà trở thành người vợ thứ 3 của nhà văn nổi tiếng Ernest Hemingway, nhưng cuộc hôn nhân không suôn sẻ và cuối cùng đi đến kết cục tan vỡ vào năm 1944 vì Hemingway cho rằng bà luôn coi trọng công việc. Tuy nhiên sau khi ly hôn, hai người vẫn là bạn và luôn dành cho nhau những lời nói tốt đẹp nhất. Nhà văn nổi tiếng của nước Mỹ luôn lấy làm tự hào khi đã từng chiếm được trái tim của bóng hồng trên chiến trường.

Sau khi chia tay với Hemingway, Marthar Gellhorn miệt mài theo đuổi sự nghiệp báo chí trong vài thập niên nữa. Bà tiếp tục viết và đến những nơi đang xảy ra giao tranh cho đến khi mắt của bà bị mù.

Năm 1990, khi bà không thể nhập cảnh vào Panama, dưới vỏ bọc một nhà phê bình cho tờ Daily Telegraph, bà đã nhờ người bạn biên tập viên viết cho mình một lá thư giả để bà có thể có mặt tại đó với tư cách phóng viên đặc biệt. Một sự trùng hợp thú vị đó là bức thư ấy cũng giống y như bức thư bà đã từng xin 50 năm trước để đến Tây Ban Nha. Tại thời điểm này bà đã 81 tuổi nhưng dường như đam mê được viết trong bà vẫn chưa từng bị dập tắt.

Bà chỉ hoàn toàn dừng viết khi thực sự bị mù, và cơ thể đã yếu, bà dừng đến nơi có các cuộc xung đột xảy ra khi cơ thể không còn chịu đựng được nữa. Sau nhiều năm làm việc không ngừng nghỉ, bà bị chuẩn đoán ung thư gan, ung thư buồng trứng và nhiều bệnh khác. Như một cách để kết thúc sự đau đớn, bà chọn cách tự kết thúc cuộc đời của mình vào năm 89 tuổi.

THÙY TRANG 

;
.