"Pháo đài tai họa" bí ẩn của St. Petersburg

Chủ Nhật, 22/07/2018, 17:06 [GMT+7]
In bài này
.

Cách không xa thành phố cảng nổi tiếng Kronstadt, bạn có thể thấy những bức tường kiên cố của một hòn đảo nhân tạo, được gọi là pháo đài Hoàng đế Alexander hay “Pháo đài tai họa”.

“Pháo đài tai họa” là hòn đảo 4 bề toàn nước, biệt lập với thế giới bên ngoài.
“Pháo đài tai họa” là hòn đảo 4 bề toàn nước, biệt lập với thế giới bên ngoài.

Tọa lạc ở phía Nam của đảo Kotlin, nơi đây từng là một trong những kiến trúc phòng vệ quan trọng của TP. Kronstadt. Pháo đài bị bỏ hoang này nổi tiếng với những sự kiện diễn ra khoảng 100 năm trước, khi nó là nơi đặt một trung tâm thí nghiệm bí ẩn.

Năm 1838, Hoàng đế Nga Nicholas I quyết định xây dựng pháo đài Hoàng đế Alexander nhằm duy trì phòng vệ ở cửa ngõ phía Nam của St. Petersburg, cùng với sự trợ giúp của hệ thống pháo binh. Vào cuối thế kỷ 19, các thiết bị trong pháo đài trở nên quá cũ kỹ. Vì lý do này, nơi đây và một số pháo đài khác đã bị rút khỏi cấu trúc phòng vệ cho Kronstadt. Từ đó, một loạt sự kiện đã xảy ra khiến pháo đài Hoàng đế Alexander phải mang biệt danh đáng sợ: “Pháo đài tai họa”.

Tại Trung Quốc đại lục và Hong Kong vào năm 1894 bùng phát một dịch bệnh nguy hiểm. Bệnh dịch lan nhanh tới các khu đô thị đông dân trên khắp thế giới. Tổng số người chết khi đó lên tới gần 100.000 người.

Năm 1896, bệnh dịch lây lan tới vùng Caspian. Và các nhà cầm quyền cần phải tìm kiếm ra “thuốc giải độc”. Bị tách biệt khỏi thế giới bên ngoài, pháo đài Hoàng đế Alexander là nơi lý tưởng để thiết lập một phòng thí nghiệm cho những loại thuốc ngăn chặn bệnh dịch. Năm 1897, pháo đài được chuyển giao cho Viện Dược phẩm Thí nghiệm quản lý. Bên trong nó, các nhà khoa học bí mật thiết lập một trung tâm thí nghiệm có tên “Komochum” nhằm bào chế thuốc trị bệnh dịch. Người đứng đầu và cấp tài chính cho phòng thí nghiệm này là Hoàng tử Oldenburgskiy.

Hình ảnh động vật làm thí nghiệm tại “Pháo đài tai họa”.
Hình ảnh động vật làm thí nghiệm tại “Pháo đài tai họa”.

Trong quá trình diễn ra các thí nghiệm, một số bác sĩ đã tử vong. Cư dân Kronstadt thậm chí còn sợ hít phải gió thổi từ phía pháo đài Hoàng đế. Chính thời gian này, biệt danh “Pháo đài tai họa” bắt đầu xuất hiện.

Việc cư dân bên ngoài tiếp cận với pháo đài bị hạn chế nghiêm ngặt. Truyền thông với bên ngoài chỉ được duy trì qua một chiếc thuyền hơi nước nhỏ. Để liên lạc với St. Petersburg, người ta sử dụng điện tín và một đường điện thoại dùng để gửi tin nhắn tới Kronstadt.

Nhìn từ bên ngoài, “Pháo đài tai họa” có 2 tầng, nhưng bên trong, thực ra có 3 tầng nhà. Tòa nhà được chia làm 2 khu, mỗi bên có cầu thang riêng, một cái bằng đá, một cái bằng thép. Phía bên phải của tòa nhà được cho là nơi lây nhiễm và nguy hiểm với con người. Phần bên trái thì không có bất cứ mối đe dọa nào. Nhưng bất chấp quy trình kiểm soát nghiêm ngặt và sự cẩn trọng cao, bệnh dịch đã 2 lần xảy ra bên trong pháo đài.

Tại “Pháo đài tai họa”, các thí nghiệm được tiến hành trên những loài như dê, bò, ngựa, thỏ, khỉ, lạc đà và hươu. Trong pháo đài còn có trạm điện, phòng hỏa thiêu chất thải và xác chết. Công việc tại “Pháo đài tai họa” chỉ dừng lại khi cuộc đại chiến thế giới thứ nhất bùng nổ. Hầu hết các nhà khoa học bị đưa vào danh sách dự bị quân đội, sau đó gia nhập quân ngũ. Năm 1917, sau cuộc cách mạng Tháng Hai, người đứng đầu dự án, Oldebursky, bị miễn nhiệm. Toàn bộ những thành quả của các nhà khoa học tại “Pháo đài tai họa” được chuyển sang viện nghiên cứu bệnh học đầu tiên của Nga, có tên là “Microbe”.

Sau năm 1917, pháo đài được Hải quân Nga chính thức sở hữu, nơi đây biến thành kho bãi và xưởng sửa chữa. Từ năm 1983, pháo đài bị bỏ hoang. Đến năm 2005, pháo đài mới được chính quyền sửa sang, tuy nhiên, phải từ năm 2007, các nhà đầu tư đổ vào đây số tiền lên tới hàng triệu USD thì pháo đài mới được khôi phục thành một địa điểm tham quan. Du khách tới đây chứng kiến những cấu trúc lạ, máy móc, căn hầm bí ẩn. Ngoài ra, pháo đài còn là địa điểm quay phim tài liệu hay các serie phim truyền hình.

THU HẰNG

;
.