Nghị định số 158/2024 của Chính phủ quy định về hoạt động vận tải đường bộ (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025) đang đặt ra thách thức cho các DN vận tải quy mô nhỏ, đặc biệt là những đơn vị chỉ quản lý dưới 5 xe.
![]() |
Các đơn vị có quy mô nhỏ, đặc biệt từ 1-2 xe, nếu thuê người trực tiếp điều hành vận tải sẽ không đủ kinh phí vận hành. Trong ảnh: Xe chạy tuyến cố định tại Bến xe khách Vũng Tàu. |
Không kham nổi chi phí thuê người điều hành
Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, anh Nguyễn Văn Tài, chủ một DN vận tải hành khách theo hợp đồng tại TP.Vũng Tàu, đang quản lý 4 xe 16 chỗ, bày tỏ: “Gia đình tôi làm vận tải này đã hơn chục năm nay. Trước đây, tôi vừa là người lái xe chính, vừa tự quản lý, điều hành hoạt động. Mọi thứ vẫn ổn định, đủ trang trải cuộc sống gia đình và có chút tích lũy. Nhưng Nghị định số 158 yêu cầu phải có người điều hành có bằng cấp hoặc kinh nghiệm 3 năm trở lên khiến tôi thực sự lo lắng”.
Theo quy định, do không thuộc đối tượng vận tải hành khách tuyến cố định, xe buýt hay taxi, anh Tài không bắt buộc phải có chứng chỉ sơ cấp hay bằng trung cấp vận tải. Tuy nhiên, anh lại vướng phải yêu cầu về kinh nghiệm 3 năm làm việc tại đơn vị kinh doanh vận tải. “Tôi là chủ DN, tự mình điều hành thì tính là gì? Thuê một người có kinh nghiệm 3 năm với quy mô của chúng tôi thì chi phí đội lên quá nhiều, gần như không có lãi. Mà tìm người chịu làm chỉ để “đứng tên” thì lại không yên tâm về trách nhiệm và quản lý thực tế”, anh Tài giãi bày.
Thực tế, mô hình kinh doanh vận tải nhỏ lẻ, với số lượng xe ít, thường do chính các thành viên trong gia đình đảm nhiệm vai trò quản lý và điều hành. Họ có kinh nghiệm thực tế, am hiểu công việc nhưng lại thiếu các chứng chỉ, bằng cấp theo yêu cầu. Việc đột ngột áp đặt quy định này khiến họ rơi vào thế bị động, không kịp chuẩn bị.
Tương tự, anh Nguyễn Thanh Lâm, chủ hộ kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi ở TP.Vũng Tàu cho biết, anh và 2 người nhà mỗi người có một chiếc xe 5 chỗ để chạy taxi nên xin đăng ký hộ kinh doanh vận tải. “Cả hộ có 3 chiếc xe, gọi là kinh doanh gia đình, rảnh lúc nào chạy lúc đó, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Thông thường, lương của người điều hành vận tải ở mỗi DN từ 10-15 triệu đồng/tháng, với hộ kinh doanh nhỏ, việc tuyển dụng rất khó khăn”, anh Lâm nói.
Những lo lắng của các anh không phải là cá biệt. Với số lượng lớn các DN vận tải siêu nhỏ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, quy định này có thể gây ra những khó khăn không nhỏ. Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần xem xét, điều chỉnh để tạo điều kiện cho các DN nhỏ lẻ có thể tồn tại và phát triển, đồng thời vẫn đảm bảo được các yêu cầu cơ bản về an toàn giao thông.
Một người điều hành có thể làm cho nhiều đơn vị vận tải?
Đại diện Hiệp hội Vận tải tỉnh nhìn nhận, với các đơn vị có quy mô nhỏ, đặc biệt từ 1-2 xe, nếu thuê người trực tiếp điều hành vận tải sẽ không đủ chi phí vận hành. Trong khi đó, không phải loại hình vận tải nào, chủ DN, chủ hộ kinh doanh cũng được kiêm nhiệm người trực tiếp điều hành vận tải. Đây là áp lực lớn đối với đơn vị quy mô nhỏ.
Một số chuyên gia vận tải nhận định, việc người điều hành vận tải cùng làm việc cho nhiều DN sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và nguy cơ mất an toàn giao thông cao. “Nhiệm vụ của người điều hành vận tải rất quan trọng, trực tiếp điều hành, giám sát hoạt động của bộ phận ATGT, điều phối lái xe, phương tiện trong mỗi chuyến đi. Nếu một người điều hành vận tải cho nhiều DN khó có thể toàn tâm, toàn ý. Nếu quy định cho phép các đơn vị quy mô nhỏ, chỉ hoạt động vận tải cố định vào một số khung giờ, thì có thể sử dụng chung người điều hành để tiết kiệm chi phí”, một chuyên gia vận tải nhìn nhận.
Nghị định 158/2024 quy định người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải là người của đơn vị kinh doanh vận tải được giao làm nhiệm vụ điều hành vận tải và tham gia thực hiện nhiệm vụ của bộ phận quản lý an toàn của đơn vị.
Đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định, xe buýt, xe taxi và các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa sử dụng xe ô tô kéo rơ moóc, xe ô tô đầu kéo kéo theo sơ mi rơ moóc, người điều hành phải có trình độ chuyên môn về vận tải (có chứng chỉ sơ cấp chuyên ngành vận tải hoặc có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành vận tải hoặc đường bộ trở lên).
Với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa (không thuộc các đối tượng trên, đơn cử như kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng) nếu không đáp ứng yêu cầu trên thì phải có kinh nghiệm làm việc tại đơn vị kinh doanh vận tải tối thiểu từ 3 năm trở lên; hoặc là chủ hộ kinh doanh vận tải; hoặc là người đại diện pháp luật của đơn vị kinh doanh vận tải.
|
Hiện nay, nhờ ứng dụng công nghệ trong quản lý hoạt động vận tải, người điều hành vận tải dễ dàng điều phối, nắm bắt hoạt động của phương tiện, lái xe thông qua phần mềm quản trị, hệ thống camera giám sát cũng như dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình. Do đó, việc một người điều hành vận tải làm việc ở hai hay nhiều DN vận tải hoàn toàn có thể. Quan trọng nhất là hiệu quả công việc, làm có thực chất hay không.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, các đơn vị vận tải được sử dụng cùng một người trực tiếp điều hành vận tải, tuy nhiên phải tuân thủ quy định về số giờ lao động của Luật Lao động (không quá 8 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần). Mặt khác, thời gian làm việc của người trực tiếp điều hành vận tải ở nhiều DN phải phù hợp với thời gian hoạt động kinh doanh của từng đơn vị vận tải. Quy định này giúp các đơn vị vận tải quy mô nhỏ có thể tuyển dụng người điều hành vận tải phù hợp với phương án hoạt động mà vẫn đảm bảo cân đối được tài chính.
Bài, ảnh: CHƯƠNG NGUYỄN