Cầu nối đưa chính sách, pháp luật đến với người dân

Thứ Ba, 19/03/2024, 17:43 [GMT+7]
In bài này
.

Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là lực lượng nòng cốt thực hiện hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), là cầu nối đưa chủ trương, chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Vì vậy, UBND huyện Xuyên Mộc đã và đang xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ này.

Công an huyện Xuyên Mộc phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho học sinh trên địa bàn.
Công an huyện Xuyên Mộc phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho học sinh trên địa bàn.

Giúp công việc trôi chảy

Là báo cáo viên pháp luật cấp huyện, ông Nguyễn Trí Phước, chuyên viên Phòng Tư pháp huyện Xuyên Mộc cho biết, để các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, góp phần ổn định an ninh chính trị, phát triển kinh tế-xã hội thì công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng. Tùy từng đối tượng, báo cáo viên sẽ chọn cách tuyên truyền phù hợp, dễ hiểu. Việc tuyên truyền phải kết hợp lấy dẫn chứng, giải quyết vấn đề cụ thể.

Chẳng hạn, nông dân sẽ quan tâm đến việc tách, hợp thửa đất, giải quyết mâu thuẫn xóm làng… Vì vậy, năm qua, huyện xuyên Mộc đã tập trung tuyên truyền cho chi hội trưởng, chủ nhiệm CLB pháp luật hội nông dân các ấp, khu phố về các văn bản luật có liên quan đến nông dân như: một số điểm mới trong Quyết định số 44 của UBND tỉnh ban hành ngày 19/9/2023, quy định về điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh; công tác hòa giải và kỹ năng hòa giải tại cơ sở; các tình huống thường gặp trong công tác hòa giải ở cơ sở; các quy định liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân…

Từ đó, cán bộ, hội viên hội hông dân cấp cơ sở bổ sung thêm kiến thức về pháp luật, phục vụ cho công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân chấp hành tốt các chính sách pháp luật của Nhà nước.

Đối với các bộ từ cấp xã đến huyện, việc nâng cao kiến thức pháp luật sẽ giúp họ xử lý công việc trôi chảy, đúng quy định. Ông Lê Hoài Nam, Phó trưởng Phòng TN-MT huyện Xuyên Mộc (báo cáo viên cấp huyện) cho biết, thời gian qua, huyện luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật như: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 và các nghị định thi hành; Quy trình lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho lãnh đạo UBND xã, thị trấn, cán bộ, công chức phụ trách công tác tham mưu xử lý vi phạm hành chính của cơ quan chuyên môn thuộc huyện, xã, thị trấn…

“Để cán bộ cơ sở nắm, triển khai thống nhất, đồng bộ công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nâng cao năng lực, kỹ năng tham mưu thì công tác tuyên truyền rất quan trọng. Đồng thời, từng bước hạn chế những thiếu sót, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức có liên quan”, ông Nam nhấn mạnh.

Năm 2023, đội ngũ báo cáo viên cấp huyện và tuyên truyền viên các xã, thị trấn đã tuyên truyền PBGDPL được 794 lần, với hơn 50 ngàn lượt người tham dự.

 

Nâng cao năng lực báo cáo viên

Theo Hội đồng PBGDPL huyện Xuyên Mộc, huyện có 23 báo cáo viên pháp luật cấp huyện được công nhận theo Thông tư số 10 của Bộ Tư pháp; 104 tuyên truyền viên pháp luật thuộc các xã, thị trấn hiện, chủ yếu là công chức tư pháp-hộ tịch, địa chính-xây dựng, văn hóa-thông tin, hội phụ nữ, MTTQ, hội nông dân, công an, ban chỉ huy quân sự xã... Đa số đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đều tham gia bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật mới về kỹ năng nghiệp vụ.

Tuy nhiên, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật thực tế tham gia hoạt động PBGDPL còn hạn chế, đa số đều hoạt động kiêm nhiệm nên chưa dành nhiều thời gian đầu tư cho việc nghiên cứu các văn bản mới cũng như trau dồi kỹ năng PBGDPL.

Bà Trần Thị Hà, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Xuyên Mộc-cơ quan thường trực Hội đồng PBGDPL huyện cho biết, Hội đồng PBGDPL huyện Xuyên Mộc đã đề ra các giải pháp thực hiện như: thường xuyên rà soát, củng cố đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; mở lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, cập nhật kiến thức pháp luật mới; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng được phổ biến và kịp thời nâng cao chấp hành và hiểu biết pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên.

Việc củng cố, phát triển đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là yêu cầu cấp thiết, đưa pháp luật đi vào cuộc sống, truyền tải pháp luật đến với cán bộ và Nhân dân, góp phần thiết thực vào việc nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn huyện Xuyên Mộc. 

Bài, ảnh: TRÍ NHÂN-NGUYỄN THẮNG

 
;
.