Cuối năm, cảnh giác chiêu trò lừa đảo

Chủ Nhật, 24/12/2023, 16:52 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian gần đây, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã sập bẫy đối tượng lừa đảo. Trước thực trạng này, cơ quan công an khuyến cáo người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, liên tục cập nhật về nhận diện những hình thức lừa đảo mới được cơ quan chức năng cảnh báo nhằm tránh bị lừa.

Công an tỉnh tập huấn nhận diện các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng tại Trường Đại học Bà Rịa-Vũng Tàu.
Công an tỉnh tập huấn nhận diện các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng tại Trường Đại học Bà Rịa-Vũng Tàu.

Đủ kiểu lừa đảo

Ngày 14/12, Công an TX.Phú Mỹ tiếp nhận đơn trình báo bị “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của ông N.X.V., chủ cơ sở thu mua phế liệu tại xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc. Ông V. cho biết, sáng 14/12 một người đàn ông đến cơ sở ông đặt vấn đề hợp tác thu mua phế liệu. Đối tượng giới thiệu về lô hàng phế liệu lớn gồm nhôm, đồng, sắt, thép ở TX.Phú Mỹ cần thanh lý giá rẻ.

Ông V. kể: “Người này nói có một chiếc xe chất đầy hàng ở cảng Phú Mỹ nên cần thuê thêm một xe chở hàng nữa. Để tạo lòng tin, đối tượng đi chung với tôi đến tận cổng công ty và dặn tôi chờ bên ngoài để báo giá, ký hóa đơn xuất hàng”.

Công an tỉnh tuyên truyền pháp luật trong đó có tội phạm lừa đảo trực tuyến cho người dân xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ.
Công an tỉnh tuyên truyền pháp luật trong đó có tội phạm lừa đảo trực tuyến cho người dân xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ.

Đến trưa, đối tượng thuê một xe tải và cùng ông V. đến một công ty trên địa bàn phường Hắc Dịch (TX.Phú Mỹ) để “mua hàng phế liệu” và dặn ông V. ngồi trước cổng công ty chờ hàng ra. Một lúc sau, đối tượng báo giá lô hàng trị giá 370 triệu đồng nhưng đã có sẵn 150 triệu đồng nên kêu ông V. góp thêm 220 triệu đồng. Không dừng lại, người này còn giới thiệu thêm một lô hàng có giá rất hời, chỉ khoảng 98 triệu đồng. Tin lời, ông V. chuyển khoản cho đối tượng ngay sau đó. Hai lần chuyển tiền, ông V. bị đối tượng lừa mất 318 triệu đồng. Ngồi chờ lâu không thấy xe hàng rời công ty và đối tượng cũng mất liên lạc, ông V. biết bị lừa nên đến cơ quan công an trình báo.

Trước đó, ngày 4/12, ông H.T. là giám đốc một công ty vật liệu xây dựng ở TP.Vũng Tàu nhận được yêu cầu đặt hàng của một người tên “Đức” qua điện thoại. Người này tự xưng là nhân viên của Công ty sản xuất đá Thạch Anh tại KCN Mỹ Xuân B1 - Đại Dương (TX.Phú Mỹ) và đặt mua số vật liệu tổng giá trị gần 170 triệu đồng. Thấy có địa chỉ cụ thể, ông T. điều 2 xe đầu kéo chở hàng đến kho công ty. Khi đưa hàng xuống, thủ kho công ty nói với các tài xế rằng đã thanh toán đủ tiền cho đơn vị cung ứng nên tài xế điều khiển xe rời kho.

Trưa cùng ngày, ông T. không nhận được tiền nên gọi điện cho “Đức” thì mất liên lạc. Biết bị lừa đảo, nạn nhân đến cơ quan công an trình báo sự việc. Đồn Công an KCN Tân Thành (Công an TX.Phú Mỹ) đã đến làm việc, xác minh vụ việc.

Đại diện Công ty sản xuất đá Thạch Anh cho biết có mua một đơn hàng thông qua người tên “Đức”. Đến trưa cùng ngày, khi nhận đủ số hàng như thỏa thuận, công ty đã chuyển khoản số tiền hơn 120 triệu đồng. Sau đó, công ty cũng không liên lạc được với người tên “Đức”.

Ngoài kiểu lừa đảo nêu trên, những ngày cuối năm, tình trạng lừa đảo trực tuyến cũng “bùng nổ”. Ông Nguyễn T.D. (nhà ở đường 30/4, phường 11, TP.Vũng Tàu) cho biết, khoảng 13 giờ 30 phút ngày 1/12, ông đang ngủ trưa thì nhận được cuộc gọi từ đầu số 07899958.. Người đầu dây bên kia xưng là Dũng đang công tác tại công an thành phố (không nói rõ thành phố nào). “Người này nói cơ quan công an đang giải quyết vụ án tranh chấp tài sản liên quan tới tôi do tòa án chuyển qua nên đề nghị tôi cung cấp thông tin cá nhân. Thấy vô lý tôi hỏi lại, nếu tòa án chuyển hồ sơ qua công an thì các anh phải có thông tin rồi chứ. Đầu dây bên kia quát nạt và cho biết yêu cầu cung cấp để kiểm chứng. Sau đó, người này yêu cầu tôi cung cấp một số thông tin như tài khoản ngân hàng, số CCCD... Tôi thấy có dấu hiệu của các đối tượng lừa đảo nên cúp máy”, ông T.D. nói.

Tương tự, từ tháng 8 đến tháng 11/2023, các đối tượng lừa đảo lập trang Facebook “IXORA Hồ Tràm” giả mạo Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm, tăng tương tác để nhận tín nhiệm trên mạng xã hội (với khoảng 36.000 lượt like và follow) sau đó nhận tiền chuyển khoản đặt phòng trước rồi chiếm đoạt. Số tiền bị chiếm đoạt của mỗi bị hại dao động từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng/người. Ngoài Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm, một số DN kinh doanh dịch vụ khách sạn khác trên địa bàn tỉnh cũng bị tình trạng tương tự.

Người dân cần cảnh giác

Lãnh đạo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) cho biết, thời gian cuối năm, nhất là thời điểm gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các đối tượng lừa đảo xuất hiện nhiều hơn nên người dân cần nâng cao cảnh giác. Các loại lừa đảo phổ biến hiện nay như: giả danh cán bộ công an, tòa án, viện KSND; lừa đảo đầu tư chứng khoán; giả mạo các ứng dụng trực tuyến chứa mã độc, lừa người dân cài đặt để đánh cắp thông tin ngân hàng, chiếm đoạt tiền; giả mạo nhân viên ngân hàng đề nghị nạn nhân tạo tài khoản mới, mở thẻ tín dụng để được hưởng hạn mức ưu đãi nhằm thực hiện hành vi phạm tội... Đặc biệt, lợi dụng lỗ hổng trên một số trang mạng điện tử có đuôi .gov.vn hay .com.vn, các đối tượng còn cài đặt ứng dụng (app) khiến nạn nhân tưởng đây là trang mạng chính thống của cơ quan Nhà nước.

Ngoài việc tăng cường lực lượng thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm nhằm bảo đảm an ninh trật tự, cơ quan công an cảnh báo người dân cẩn trọng với những thủ đoạn lừa đảo nêu trên; tuyệt đối không giao dịch, chuyển khoản với những đối tượng chưa rõ lai lịch cũng như cần xác minh cụ thể cá nhân, DN hợp tác trước khi chuyển hàng hoặc giao dịch, đặt cọc tiền. Trường hợp người dân phát hiện nghi vấn về những đối tượng có hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” cần báo ngay đến cơ quan công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Bên cạnh đó, cuối năm là thời điểm diễn ra hàng loạt chương trình giảm giá, khuyến mại nhằm kích cầu mua sắm. Do đó, đối tượng lừa đảo dựng lên những kịch bản như rao bán hàng kém chất lượng với giá rẻ, gửi tặng quà hay tổ chức chương trình trúng thưởng dành cho khách hàng để lừa đảo. 

Đại tá Bùi Văn Thảo, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, trong các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thủ đoạn đối tượng tạo lập các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Viber...) mạo danh thương hiệu của các công ty lữ hành, khách sạn, khu resort trên địa bàn tỉnh để nhận tiền đặt cọc giữ phòng, sau đó chiếm đoạt số tiền này. Thời gian tới, tội phạm lừa đảo bằng phương thức thủ đoạn trên sẽ có thể tiếp diễn, nhất là trong các dịp lễ, tết khi nhu cầu du lịch của người dân tăng cao, hậu quả của loại tội phạm trên sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch của địa phương.

Công an tỉnh khuyến cáo, người dân cần kiểm tra kỹ thông tin, lựa chọn những công ty du lịch lữ hành có đủ tư cách pháp nhân và uy tín (có thông tin rõ ràng trên các trang web do nhà nước quản lý), liên hệ xác minh kiểm tra trước khi chuyển tiền cọc. Người dân nên liên hệ với các trang, tài khoản mạng xã hội đã được kiểm duyệt, có uy tín, tìm hiểu rõ thông tin người nhận tiền cọc, không giao dịch với những cá nhân không rõ ràng về thông tin danh tính, địa chỉ. Đồng thời, cần cảnh giác với các trang quảng cáo giảm giá phòng khách sạn bất thường trong các dịp nghỉ lễ, nhất là những mời chào mua gói du lịch với giá rẻ hơn 30%- 50% so với giá thị trường.

“Khi phát hiện có những biểu hiện, dấu hiệu nghi ngờ các đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với thủ đoạn trên, người dân cần dừng ngay việc chuyển tiền cho các đối tượng, đồng thời trình báo cho cơ quan công an sớm nhất có thể”, Đại tá Bùi Văn Thảo nhấn mạnh.

Bài, ảnh: TRÍ NHÂN - TRẦN TIẾN

;
.