Triển khai chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù

Thứ Năm, 12/10/2023, 19:47 [GMT+7]
In bài này
.

Chiều 12/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì hội nghị trực tuyến giữa Bộ Công an và Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Quyết định có hiệu lực từ ngày 10/10. Hội nghị được truyền trực tiếp tại các đầu cầu trên cả nước.

Theo đó, đối tượng vay vốn gồm: Người chấp hành xong án phạt tù (bao gồm: người chấp hành xong thời hạn chấp hành án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù quy định tại Luật Thi hành án hình sự và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá quy định tại Luật Đặc xá); cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

Điều kiện vay vốn gồm: Người chấp hành xong án phạt tù (có nhu cầu vay vốn; có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội); cơ sở sản xuất kinh doanh (được thành lập và hoạt động hợp pháp; sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù; có phương án vay vốn).

Người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng và không phải thực hiện bảo đảm tiền vay; đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm được vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án. Vay vốn trên 100 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật và Ngân hàng Chính sách xã hội về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ vay vốn.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách nêu trên. Công an các địa phương phối hợp với sở, ban, ngành, cơ quan liên quan tại địa phương tham mưu HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong quá trình giám sát vốn vay và thu hồi nợ; chỉ đạo công an cấp xã định kỳ vào ngày 5 hàng tháng lập và cung cấp danh sách người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND cấp tỉnh, huyện hàng năm xem xét bố trí vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay. Đồng thời chỉ đạo sở, ban, ngành,  đơn vị liên quan trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cấp ngân sách địa phương hàng năm ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay; chỉ đạo UBND cấp xã  xác nhận về đối tượng và điều kiện thụ hưởng chính sách theo quy định; phối hợp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Ngân hàng Chính sách xã hội tuyên truyền chính sách, tổ chức, giám sát triển khai thực hiện.

TRÍ NHÂN

 
;
.