Giả danh công an lừa đảo tiền tỷ

Thứ Ba, 15/09/2020, 19:12 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian gần đây Công an TP. Vũng Tàu liên tục tiếp nhận 3 đơn tố cáo của các nạn nhân bị đối tượng tội phạm giả danh công an gọi điện thoại đe dọa, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp. Tổng số tiền những nạn nhân này bị chiếm đoạt hơn 1,4 tỷ đồng. 

Phiếu chuyển tiền của nạn nhân cho bọn tội phạm lừa đảo.
Phiếu chuyển tiền của nạn nhân cho bọn tội phạm lừa đảo.

Ngày 10/9, Đội Cảnh sát kinh tế (CSKT) Công an TP. Vũng Tàu tiếp nhận đơn tố giác của bà Th. (64 tuổi, trú tại khu tập thể 5 tầng, phường 7, TP. Vũng Tàu) về việc bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại. Theo trình bày của bà Th., ngày 28/8, bà nhận được cuộc gọi từ thuê bao +84919001090 tự xưng là nhân viên nhà mạng, thông báo bà có liên quan đến vụ án buôn bán ma túy và chuyển máy, yêu cầu bà nói chuyện với một người khác tự xưng là Phạm Văn Dũng, Công an TP. Hà Nội, sử dụng số điện thoại +882692196422. Đối tượng Dũng thông báo bà Th. có liên quan đến đường dây tội phạm buôn bán ma túy, rửa tiền, đồng thời yêu cầu bà Th. cung cấp thông tin cá nhân và không được thông báo cho bất kỳ ai biết chuyện. 

Sau đó, một đối tượng khác tự xưng là Nguyễn Hải Trâm, Kiểm sát viên TP. Hà Nội, liên lạc với bà Th. qua số điện thoại +84439349091. Người này yêu cầu bà Th. mở tài khoản tại ngân hàng Techcombank, chuyển toàn bộ số tiền 750 triệu đồng vào tài khoản trên và đăng ký dịch vụ Internet banking, sau đó cung cấp thông tin cho Trâm qua ứng dụng zalo. Do lo lắng vì sợ sẽ bị “xử lý nghiêm” nếu không thực hiện theo yêu cầu, nên bà Th. đã âm thầm làm theo và bị chiếm đoạt toàn bộ số tiền 750 triệu đồng.  Kiểm tra ứng dụng Smartbanking trên điện thoại, bà Th. phát hiện số tiền trên đã bị chuyển làm nhiều lần tới số tài khoản: 0590122297006 thuộc ngân hàng MB, chủ tài khoản đứng tên NGUYEN VAN HINH.

Tiếp đó, vào ngày 11/9, Đội CSKT Công an TP. Vũng Tàu tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của bà T. (58 tuổi, trú tại phường 8, TP. Vũng Tàu). Sáng ngày 27/8, bà T. nhận được tin nhắn qua zalo từ tài khoản tên Phạm Văn Dũng tự xưng là cán bộ công an, công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP. Hà Nội. Cũng như trường hợp của bà Th., đối tượng này nói rằng bà T. có liên quan đến 1 đường dây ma túy, yêu cầu bà T. chuyển hết tiền có trong tài khoản vào 1 tài khoản ngân hàng Sacombank để kiểm tra tính hợp pháp của số tiền trên. Tin tưởng khi thấy đối tượng xưng là “công an”, bà T. đã nhanh chóng làm theo và chuyển 210 triệu đồng vào tài khoản trên. Ngày 31/8, bà T. ra ngân hàng kiểm tra thì phát hiện tài khoản mới lập đã chuyển cho tài khoản NGUYEN VAN HINH, số tài khoản: 0590122297006, thuộc ngân hàng MB số tiền 209 triệu đồng. Bà T vội gọi điện thoại cho đối tượng để hỏi, tuy nhiên đã không thể liên lạc được.

Tương tự, vào ngày 27/8  bà Th. (60 tuổi, trú tại phường 11, TP. Vũng Tàu) nhận được cuộc gọi từ số 0692196422, tự xưng là Phạm Văn Dũng đang công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP. Hà Nội. Cũng với thủ đoạn tương tự như 2 trường hợp trên, bà Th. đã bị chúng chiếm đoạt 450 triệu đồng. 

Theo Công an TP.Vũng Tàu, cả 3 vụ việc nêu trên không mới, được bọn tội phạm sử dụng nhiều trong những năm gần đây. Thủ đoạn của chúng là thiết lập tổng đài VoIP, giả lập số điện thoại tiếp nhận thông tin tố cáo tội phạm của Bộ Công an. Sau đó phân vai giả danh công an, viện kiểm sát gọi điện đe dọa các bị hại “liên quan đến các vụ án đặc biệt nghiêm trọng” như rửa tiền, buôn bán ma túy... Mục đích để yêu cầu bị hại lập tài khoản mới, đăng ký Internet banking, chuyển tiền vào tài khoản mới và cài ứng dụng giả mạo của Bộ Công an do chúng giả lập. Ngay sau khi cài xong, tiền sẽ bị chuyển sang tài khoản khác mà chính các bị hại không hề hay biết toàn bộ tiền trong tài khoản của mình đã bị chiếm đoạt.

Hiện cơ quan CSĐT Công an TP. Vũng Tàu đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” để tiếp tục điều tra, xử lý. Công an TP. Vũng Tàu cũng khuyến cáo người dân cần nắm rõ phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, qua mạng của bọn tội phạm, chủ động nhắc nhở, tuyên truyền cho người thân trong gia đình, nhất là phụ nữ, người lớn tuổi. Vì đây là những người dễ có tâm lý yếu, hay lo lắng, sợ hãi hoặc nhận thức pháp luật còn hạn chế, dễ bị bọn tội phạm lợi dụng, lừa đảo.

Bài, ảnh: AN BÌNH

 
;
.