Nguy hiểm khi thả diều gần lưới điện

Thứ Ba, 19/05/2020, 21:24 [GMT+7]
In bài này
.

Thả diều trong hành lang an toàn lưới điện là hành vi bị cấm. Tuy nhiên, ít người biết đến điều này và vi phạm diễn ra khá phổ biến.

 

Nhiều con diều bị mắc vào đường điện trung thế tại ngã 4 đường Võ Văn Kiệt và đường Nguyễn Văn Cừ (TP.Bà Rịa).
Nhiều con diều bị mắc vào đường điện trung thế tại ngã 4 đường Võ Văn Kiệt và đường Nguyễn Văn Cừ (TP.Bà Rịa).

Chiều cuối tuần qua, tại những khu đất trống trên đường 2/9, 30/4 (TP.Vũng Tàu), Võ Văn Kiệt - Trần Phú (TP.Bà Rịa), chúng tôi thấy rất nhiều trẻ em cùng người lớn đang thả diều gần các đường dây điện trung thế, cao thế. Có những con diều bị vướng vào dây điện. Trẻ em lấy đá, lấy dép chọi liên tục. Em Hồ Xuân Long, nhà trong hẻm 888, đường 30/4 (Phường 11, TP.Vũng Tàu) cho biết, buổi chiều, em thường được cha chở ra đây thả diều. Không chỉ có Long,  nhiều đứa trẻ khác ở khu vực này cũng coi thả diều vào mỗi buổi chiều là niềm vui lớn nhất trong ngày. Tuy nhiên, chỗ các em thả diều là rất đáng lo ngại về mức độ an toàn. Bởi lẽ, đường dây điện rất dễ xảy ra chập cháy điện, thậm chí phóng điện gây chết người.

Ông Nguyễn Đức Minh, Trưởng Phòng An toàn, Công ty Điện lực BR-VT cho biết, từ đầu năm đến nay, dù trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra tai nạn điện liên quan đến việc thả diều. Tuy nhiên, tình trạng chơi thả diều dưới đường dây điện là có và điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn điện. “Công ty Điện lực BR-VT  đã gửi thông báo đến địa phương, phát tờ rơi để phổ biến cho người dân không được thả diều gần nơi có đường dây điện, trạm điện; nhắc nhở phụ huynh không để con em thả diều ở các khu vực có đường dây điện. Trong trường hợp diều bay vướng vào đường dây điện, người dân tuyệt đối không được trèo lên cột điện, dùng sào gỡ mà cần báo cho đơn vị quản lý, vận hành dùng các thiết bị chuyên dụng để xử lý, tránh nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn điện đáng tiếc”, ông Minh nói.

Ông Minh cho biết thêm, hành vi thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện sẽ bị xử phạt từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Ngoài ra, còn phải bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố theo đúng quy định. Riêng các trường hợp gây ra sự cố nghiêm trọng như: Hỏa hoạn, tai nạn do điện giật, sự cố mất điện trên diện rộng sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Quy định này đã được nêu rõ tại Nghị định số 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Theo ông Hoàng Vũ Thảnh, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân, tránh xảy ra các sự cố về phóng điện do diều bay, vướng vào đường dây đang có điện, UBND TP. Vũng Tàu đã giao cho UBND các phường, xã tăng cường tuyên truyền phòng chống cháy nổ, ngăn chặn vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trong mùa khô 2020. Đặc biệt chú trọng tuyên truyền một số hành vi bị nghiêm cấm tại Nghị định 14/2014/NĐ-CP, ngày 26/2/2014, của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện. Theo đó, UBND TP.Vũng Tàu nghiêm cấm người dân, nhất là học sinh tham gia thả diều gần lưới điện, vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp. Chủ tịch UBND các phường, xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu để xảy ra các sự cố liên quan đến các hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp.

Bài, ảnh: SƠN KHÊ

;
.