Hiểu nhầm tai hại về bảo hiểm xe máy

Chủ Nhật, 17/05/2020, 19:30 [GMT+7]
In bài này
.

Khi bị lực lượng CSGT dừng xe xử phạt vì không có bảo hiểm, nhiều người băn khoăn tại sao lại như vậy vì trước đó họ đã mua gói phí bảo hiểm tự nguyện.

CSGT tỉnh kiểm tra giấy tờ và xử phạt người đi xe máy trên Quốc lộ 51.
CSGT tỉnh kiểm tra giấy tờ và xử phạt người đi xe máy trên Quốc lộ 51.

Bà Nguyễn Thị Thơm, phường 5, TP. Vũng Tàu thắc mắc, vừa qua, khi chạy xe máy trên đường 30/4, bà Thơm bị CSGT ra hiệu dừng xe, kiểm tra giấy tờ và bị phạt vì lỗi không có bảo hiểm. Bà Thơm cho biết, trước đó, bà có mua bảo hiểm tự nguyện với giá 20.000 đồng/năm.

Trên thực tế, bảo hiểm xe máy 20.000 đồng/2 người/năm là bảo hiểm tự nguyện. Bảo hiểm này để đề phòng khi người điều khiển xe xảy ra tai nạn chứ không phải bảo hiểm trách nhiệm dân sự (bảo hiểm bắt buộc). Và bảo hiểm tự nguyện thì không cần phải xuất trình khi CSGT kiểm tra.

Theo Thông tư 22/2016/TT-BTC, bảo hiểm xe máy có 2 loại là bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện. Bảo hiểm xe máy bắt buộc hướng đến việc giúp cho người mua bảo hiểm bồi thường thiệt hại cho bên thứ ba. Trong các trường hợp xảy ra rủi ro, tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm, người điều khiển xe mô tô, xe máy có bằng lái hợp pháp sẽ không phải đền bù cho người bị va chạm và cho người ngồi trực tiếp trên xe.

Bảo hiểm tự nguyện.
Bảo hiểm tự nguyện.
Bảo hiểm bắt buộc.
Bảo hiểm bắt buộc.

Bên cạnh việc bồi thường cho chủ xe, một phần của số tiền bảo hiểm sẽ được sử dụng để hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông. Trong trường hợp không xác định được xe gây tai nạn hoặc tai nạn không thuộc phạm vi bảo hiểm cũng sẽ được hỗ trợ bồi thường nhân đạo cho nạn nhân số tiền lên đến 20 triệu đồng/người.

Hiện nay, mức phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của phương tiện được quy định tại Thông tư 22/2016/TT-BTC. Mức phí bảo hiểm xe máy (Phí chưa bao gồm 10% VAT) như sau: Xe máy: 55.000 đồng (dưới 50cc) và 60.000 đồng (trên 50cc).

Ngoài việc tham gia hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, chủ phương tiện có thể thỏa thuận với doanh nghiệp bảo hiểm để tham gia hợp đồng bảo hiểm tự nguyện. Phí tối thiểu đối với bảo hiểm tự nguyện là 10.000 đồng/người/năm, xe máy được chở tối đa 2 người nên có giá 20.000 đồng/2 người/năm. Loại bảo hiểm này là tự nguyện nên người dân có quyền sử dụng hoặc không sử dụng. Bảo hiểm nhằm mục đích đề phòng trường hợp người điều khiển xe xảy ra tai nạn, rủi ro. Theo quy định, ngoài phần bồi thường từ bảo hiểm bắt buộc, người tham gia giao thông sẽ được nhận thêm một khoản bồi thường từ bảo hiểm tự nguyện.

Vì vậy, khi bị lực lượng CSGT ra hiệu dừng xe gắn máy 2 bánh, chủ phương tiện không phải xuất trình bảo hiểm tự nguyện nhưng bảo hiểm bắt buộc thì phải xuất trình. Trường hợp người tham gia giao thông không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn hiệu lực thì bị phạt tiền 100.000-200.000 đồng, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông. Cụ thể, tại điểm a, khoản 2, mục 4 của Nghị định 100, mức phạt đối với hành vi không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới không có hoặc không mang theo sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng (trước đây bị phạt từ 80.000 - 120.000 đồng).

Bài, ảnh: SA HUỲNH

;
.