Không để phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Chủ Nhật, 16/02/2020, 20:35 [GMT+7]
In bài này
.

Năm 2020, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các cấp triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 và các quy định pháp luật khác có liên quan. Theo đó, ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực Nhà nước, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ, cũng như chất lượng hoạt động của bộ máy Nhà nước nhằm không để phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Người dân làm thủ tục yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Bộ phận một cửa Sở Tư pháp.  Ảnh: TRÚC GIANG
Người dân làm thủ tục yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Bộ phận một cửa Sở Tư pháp. Ảnh: TRÚC GIANG

CẢ NĂM CHỈ PHÁT SINH 1 TRƯỜNG HỢP YÊU CẦU BỒI THƯỜNG

Trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh chỉ phát sinh 1 trường hợp yêu cầu bồi thường của Nhà nước kết hợp với giải quyết vụ án hành chính tại cơ quan tố tụng. Cụ thể, theo Bản án số 04/2019/HC-PT ngày 31/5/2019 của TAND tỉnh xét xử vụ kiện UBND xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức ra quyết định trong lĩnh vực xây dựng gây thiệt hại cho công dân, với yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản của ông Nguyễn Kim Loan (ngụ xã Xuân Sơn). Bản án tuyên hủy Thông báo số 03/TB-UBND ngày 16/1/2017 của Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn về việc yêu cầu tạm ngừng xây dựng đối với ông Nguyễn Kim Loan; buộc Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn bồi thường thiệt hại tài sản cho ông Nguyễn Kim Loan với số tiền gần 157 triệu đồng. Theo đó, UBND xã Xuân Sơn đã thực hiện việc chi trả tiền bồi thường cho ông Nguyễn Kim Loan.  

Về hoạt động quản lý hành chính và thi hành án, trong năm 2019 không phát sinh yêu cầu bồi thường của Nhà nước. Đạt được kết quả trên là nhờ trong năm qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện công tác bồi thường của Nhà nước trên địa bàn tỉnh, giao Giám đốc Sở Tư pháp ban hành kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn kế hoạch này. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung, điểm mới của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đến cán bộ, công chức và người dân thông qua các hội nghị, sinh hoạt ngày pháp luật, đăng trên website, biên soạn tờ gấp, đăng bài trên bản tin để các cá nhân, tổ chức, DN trên địa bàn được tiếp cận với các nội dung mới của pháp luật về bồi thường của Nhà nước.

Cùng với công tác theo dõi, đôn đốc, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong công tác bồi thường của Nhà nước, trong năm 2019, Sở Tư pháp đã thành lập đoàn kiểm tra trực tiếp tại UBND 8 huyện, thị xã, thành phố và 14 xã, phường, thị trấn. Qua đó, kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ về bồi thường của Nhà nước cho các địa phương. Công tác báo cáo, thống kê, phối hợp thực hiện khá đầy đủ và nhịp nhàng…

SỚM XÂY DỰNG “QUY CHẾ PHỐI HỢP THỰC HIỆN CÔNG TÁC  BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC”

Mặc dù công tác bồi thường của Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã được các cơ quan, địa phương chủ động tham mưu, không phát sinh khiếu nại, tố cáo nhưng cũng còn một số vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ. 

Theo ông Phạm Hồng Phúc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, quy định pháp luật chuyên ngành vẫn chưa thực sự ổn định, còn sửa đổi, bổ sung nhiều; công chức làm công tác tham mưu trong từng lĩnh vực, ngành cũng thay đổi theo thời gian đã ít nhiều ảnh hưởng đến công việc chung. Bên cạnh đó, công tác lưu trữ hồ sơ của các ngành chưa thực sự bảo đảm theo quy định; thời gian tiếp nhận, thụ lý, giải quyết yêu cầu bồi thường của Nhà nước rút ngắn nên dễ bị lúng túng, kéo dài thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Mặt khác, chưa có cơ chế, chính sách thu hút, bảo vệ đội ngũ công chức làm công tác bồi thường của Nhà nước, trong khi công tác này thực sự phức tạp, nhạy cảm.

Để giải quyết các vướng mắc trên, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tư pháp sớm xây dựng “Quy chế phối hợp thực hiện công tác bồi thường của Nhà nước” giữa Bộ Tư pháp, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an làm cơ sở chỉ đạo phối hợp thực hiện công tác bồi thường của Nhà nước ở địa phương được thuận lợi, nhanh chóng, đúng luật. “Bộ Tư pháp thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ công chức chuyên trách công tác bồi thường của Nhà nước ở địa phương. Đồng thời, có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đội ngũ công chức trực tiếp làm công tác bồi thường của Nhà nước để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới”, ông Phạm Hồng Phúc đề xuất.

SA HUỲNH

 
;
.