Đến giữa năm 2020: Hoàn tất di dời lồng bè nuôi thủy sản ngoài quy hoạch

Thứ Sáu, 07/02/2020, 20:53 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, việc phát triển ồ ạt, vượt xa quy hoạch nuôi thủy sản bằng lồng bè trên các sông trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái cũng như môi trường nuôi, khiến nhiều hộ nuôi bị thiệt hại về kinh tế. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu sắp xếp lại các cơ sở nuôi thủy sản lồng bè vào vùng quy hoạch, cơ sở nào không chấp hành sẽ bị cưỡng chế di dời.

Các cơ sở nuôi thủy sản lồng bè trên địa bàn tỉnh đang được sắp xếp vào vùng quy hoạch, cơ sở nào  không chấp hành sẽ bị cưỡng chế di dời. Trong ảnh: Một cơ sở nuôi cá bớp bằng lồng bè trên sông Chà Và.  Ảnh: TRÚC GIANG
Các cơ sở nuôi thủy sản lồng bè trên địa bàn tỉnh đang được sắp xếp vào vùng quy hoạch, cơ sở nào không chấp hành sẽ bị cưỡng chế di dời. Trong ảnh: Một cơ sở nuôi cá bớp bằng lồng bè trên sông Chà Và. Ảnh: TRÚC GIANG

Toàn tỉnh hiện có hơn 400 cơ sở nuôi thủy sản bằng lồng bè trên sông với 11.361 lồng nuôi, phân bổ nhiều ở các khu vực: sông Chà Và, sông Dinh (TP.Vũng Tàu), sông Mỏ Nhát (TX.Phú Mỹ), sông Cửa Lấp (huyện Long Điền). Trong đó, nhiều hộ nuôi thủy sản lồng bè tự phát, ngoài quy hoạch, không được cơ quan thẩm quyền cấp phép nên phát sinh nhiều hệ lụy về môi sinh - môi trường, không bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, nhiều hộ nuôi thiệt hại về kinh tế do vật nuôi (hàu, cá, tôm) bị chết vì nguồn nước ô nhiễm.

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo sắp xếp lồng bè và cưỡng chế, giải tỏa nuôi trồng thủy sản tỉnh cho biết, trong giai đoạn 1 (năm 2019), TP.Vũng Tàu, TX.Phú Mỹ và huyện Long Điền đã kiểm tra, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với 187 cơ sở nuôi thủy sản lồng bè trái phép, nằm ngoài vùng quy hoạch; chấm dứt hoạt động nuôi thủy sản trái phép của 40 cơ sở. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã cấp giấy xác nhận nuôi thủy sản lồng bè cho 186 cơ sở.

Tại cuộc họp triển khai công tác giải tỏa các lồng bè nuôi thủy sản trái phép trên bàn tỉnh vào ngày 6/2, ông Trần Văn Cường đã yêu cầu các địa phương có hộ dân đang nuôi thủy sản lồng bè khẩn trương hoàn thiện kế hoạch chi tiết thực hiện cưỡng chế các bè nuôi trồng thủy sản trái phép ngoài quy hoạch và có đề xuất cụ thể các chính sách hỗ trợ cho người nuôi cá lồng bè di dời vào vùng quy hoạch. Đối với tình trạng tổ chức, cá nhân chiếm giữ mặt nước, gây cản trở cho quá trình di dời và sắp xếp các bè nuôi thủy sản vào khu quy hoạch, UBND các địa phương phải xử lý nghiêm.

Ông Hoàng Vũ Thảnh, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu cho biết, thành phố Vũng Tàu là địa phương có số lượng lồng bè nuôi thủy sản chiếm khoảng 2/3 số lồng bè trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2019, UBND TP.Vũng Tàu đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với 154 hộ nuôi trồng thủy sản ngoài quy hoạch với 2.141 lồng bè trên địa bàn, gồm: 12 hộ nuôi cá, hàu; 81 hộ nuôi hàu; 5 hộ nuôi tôm; 55 hộ nuôi cá, tôm. Ngoài ra, còn xử lý 13 nhà nổi không nuôi thủy sản của ngư dân làm nghề chài lưới trên sông. “Hiện nay, hầu hết các cơ sở nuôi thủy sản ngoài quy hoạch chưa chấp hành việc tự di dời hay tháo dỡ bè nuôi theo quy định. Vì vậy, đối với những trường hợp đã lập biên bản, có quyết định buộc khắc phục hậu quả nhưng không thực hiện thì tới đây sẽ tiến hành cưỡng chế”, ông Hoàng Vũ Thảnh nhấn mạnh.

Hiện tại, các địa phương đang hoàn thiện phương án cưỡng chế các lồng bè nuôi thủy sản trái phép ngoài quy hoạch, đề xuất cụ thể các chính sách hỗ trợ người nuôi cá lồng bè di dời vào vùng quy hoạch. Đến hết tháng 6/2020, sẽ phải thực hiện xong việc sắp xếp tất cả các cơ sở nuôi thủy sản lồng bè trên địa bàn tỉnh.

(Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh)

Theo kế hoạch giải tỏa các lồng bè nuôi thủy sản trái phép trên địa bàn tỉnh, các địa phương sẽ đẩy nhanh tiến độ đo đạc, lập bản vẽ cho các cơ sở nuôi thủy sản nằm trong vùng quy hoạch; hoàn thiện thủ tục để UBND các huyện, thành phố cấp giấy CNQSD đất, mặt nước cho cơ sở nuôi thủy sản. 

QUANG LÊ

;
.