Chính sách pháp luật có hiệu lực từ tháng 2/2020

Chủ Nhật, 02/02/2020, 22:45 [GMT+7]
In bài này
.

Bán thuốc bảo vệ thực vật dưới dạng ống tiêm thủy tinh có thể bị xử phạt tới 10 triệu đồng

Nghị định 04/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 18/2 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2016/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật”; Nghị định số 90/2017/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y”, quy định như sau:

Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hết hạn sử dụng, thuốc không bảo đảm chất lượng, không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng có trị giá từ 15 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng; Buôn bán thuốc BVTV trong Danh mục thuốc BVTV cấm sử dụng tại Việt Nam có khối lượng từ 3kg (hoặc 3 lít) đến dưới 5kg (hoặc 5 lít) thuốc thành phẩm; Buôn bán thuốc BVTV dưới dạng ống tiêm thủy tinh; Bán thuốc BVTV dùng để xông hơi khử trùng cho người không có thẻ hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, hoặc tổ chức không có giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; Hướng dẫn sử dụng cho người mua thuốc BVTV không đúng nội dung trên nhãn thuốc BVTV; Buôn bán thuốc BVTV trong thời gian đang bị đình chỉ hoạt động buôn bán, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc; Buôn bán thuốc BVTV không có tên trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam có trị giá từ 5 đến dưới 15 triệu đồng. 

Xử phạt tiền từ 20 đến 50 triệu đồng tùy theo giá trị, lợi nhuận, khối lượng đối với hành vi sản xuất thuốc BVTV không có tên trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam (trừ trường hợp có giấy phép nhập khẩu quy định tại Khoản 2 Điều 67 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật). Hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc BVTV có thời hạn. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Thừa phát lại không được đòi hỏi thêm bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào ngoài hợp đồng

Nghị định số 08/2020 quy định “Về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại”, có hiệu lực từ ngày 24/2. Theo đó, Thừa phát lại (TPL) là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm.

Công việc TPL được làm theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan, gồm: Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu; Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; Tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án.

Những việc TPL không được làm, gồm: Tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình, trừ trường hợp pháp luật quy định khác; sử dụng thông tin về hoạt động của TPL để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Đòi hỏi thêm bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào khác ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng. Kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư, thẩm định giá, đấu giá tài sản, quản lý, thanh lý tài sản. Trong khi thực thi nhiệm vụ, TPL không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của TPL, của vợ hoặc chồng của TPL; cháu ruột mà TPL là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì. Không được làm các công việc bị cấm khác theo quy định pháp luật.

Hệ thống văn bằng, chứng chỉ giáo dục đại học

Nghị định 99/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/2 “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học”, trong đó có quy định về hệ thống văn bằng, chứng chỉ giáo dục đại học, bao gồm:

Bằng cử nhân cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ đại học theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 6 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các quy định cụ thể, hợp pháp của cơ sở đào tạo; Bằng thạc sĩ cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các quy định cụ thể, hợp pháp của cơ sở đào tạo; Bằng tiến sĩ cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 8 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các quy định cụ thể, hợp pháp của cơ sở đào tạo.

Văn bằng trình độ tương đương các bằng nêu trên là văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục đại học bao gồm bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bác sĩ thú y, bằng dược sĩ, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ.

Chứng chỉ đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học đã hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp do bộ, cơ quan ngang bộ quy định hoặc cấp cho người học dự thi đạt yêu cầu cấp chứng chỉ, phù hợp với quy định về cấp chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Thông tư 25/2019/BNNPTNT quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Chủ tịch UBND các cấp có mặt tại đám cháy rừng là người chỉ đạo chữa cháy rừng. Trong ảnh: Diễn tập chữa cháy rừng tại huyện Côn Đảo. Ảnh: THÁI THỦY
Thông tư 25/2019/BNNPTNT quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Chủ tịch UBND các cấp có mặt tại đám cháy rừng là người chỉ đạo chữa cháy rừng. Trong ảnh: Diễn tập chữa cháy rừng tại huyện Côn Đảo. Ảnh: THÁI THỦY

Xác định rõ nhiệm vụ của người chỉ đạo và người chỉ huy chữa cháy rừng

Thông tư số 25/2019/BNNPTNT “Quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng” có hiệu lực từ ngày 15/2, nêu rõ:

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Chủ tịch UBND các cấp có mặt tại đám cháy rừng là người chỉ đạo chữa cháy rừng, có nhiệm vụ huy động, điều phối và phân công các lực lượng, phương tiện, thiết bị, dụng cụ, vật tư, nguồn nước và vật liệu để chữa cháy rừng; Bảo đảm các điều kiện phục vụ chữa cháy như giao thông, trật tự, thông tin liên lạc, hậu cần, y tế… và công tác chính trị tư tưởng trong chữa cháy rừng.

Người chỉ huy chữa cháy rừng quy định tại Điều 37 Luật Phòng cháy và chữa cháy, Khoản 23 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng cháy và chữa cháy, có nhiệm vụ trực tiếp điều hành các lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng; Tổ chức trinh sát đám cháy; xác định vị trí, hướng chữa cháy chính và việc triển khai lực lượng, phương tiện cần thiết để chữa cháy, các biện pháp để chữa cháy; Quyết định phân chia khu vực chữa cháy và chỉ định người chỉ huy của từng lực lượng chữa cháy rừng theo từng khu vực; Báo cáo lãnh đạo cấp trên trực tiếp quản lý hoặc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền về tình hình, diễn biến của đám cháy; Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy; bảo đảm các hoạt động hỗ trợ trong công tác chữa cháy rừng; Phối hợp tổ chức bảo vệ khu vực chữa cháy, hiện trường vụ cháy; áp dụng các biện pháp bảo vệ tài liệu, đồ vật phục vụ công tác điều tra vụ cháy, xác định nguyên nhân gây ra cháy rừng; Tổ chức tập hợp lực lượng, thu hồi phương tiện trở về đơn vị khi kết thúc nhiệm vụ chữa cháy rừng; Sau khi dập tắt đám cháy, yêu cầu phải thường xuyên kiểm tra hiện trường để đám cháy không bùng phát trở lại; Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định pháp luật về PCCC.

GIA BẢO (Tổng hợp)

 

;
.