Nguy cơ mất an toàn giao thông từ xe máy "mù"

Chủ Nhật, 30/06/2019, 18:53 [GMT+7]
In bài này
.

Hiện nay, nhiều chiếc xe máy cũ kỹ không có đèn, còi, biển số, gương chiếu hậu, không giấy tờ đăng ký (còn gọi là xe “mù”)… vẫn chở hàng hóa cồng kềnh vô tư lưu thông trên đường hàng ngày. Các phương tiện này không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, nhiều nguy cơ gây ra tai nạn, cần được xử lý nghiêm.

Hiện trường vụ TNGT xảy ra giữa xe máy “mù” và xe ô tô trên đường 30/4, TP. Vũng Tàu sáng 26/6.
Hiện trường vụ TNGT xảy ra giữa xe máy “mù” và xe ô tô trên đường 30/4, TP. Vũng Tàu sáng 26/6.

Theo ghi nhận của phóng viên, trên các tuyến đường liên huyện, nội thành, nội thị, hay tại các chợ, tình trạng người dân sử dụng xe “mù” để chở hàng hóa diễn ra khá phổ biến. Nhiều xe còn kéo theo thùng tự chế phía sau để chất nhiều loại hàng hóa vượt quá khổ thùng xe. Đơn cử, sáng 30/6, có mặt tại khu vực trước chợ Vũng Tàu (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường Thắng Tam), chúng tôi thấy nhiều trường hợp người dân sử dụng xe “mù” để chở hải sản, trái cây vào chợ. Còn tại khu vực chợ tự phát đường Lưu Chí Hiếu, TP. Vũng Tàu, cũng có những chiếc xe “mù”chở rau, cá đến chợ.

Chị Thu Thảo, nhà ở gần chợ tự phát đường Lưu Chí Hiếu cho biết, hàng ngày, chị đều thấy các loại xe máy cũ nát chở hàng cồng kềnh phía sau đến chợ. “Nhiều lần tôi chứng kiến người điều khiển xe máy cũ kỹ, không biển số chất đầy hàng hóa, vừa đi vừa nẹt pô phành phạch, nhả khói đen sì khiến tôi không khỏi giật mình lo lắng. Theo tôi, các loại xe này lưu thông trên đường không bảo đảm an toàn giao thông, có thể gây nguy hiểm cho người khác và cần bị xử lý”, chị Thảo bày tỏ.

Một chiếc xe “mù” dùng để chở hàng tại chợ Vũng Tàu.
Một chiếc xe “mù” dùng để chở hàng tại chợ Vũng Tàu.

Trong khi đó, những người sử dụng xe “mù” lại có những lý do biện minh. Anh Minh Tuấn - một người bán rau tại chợ Vũng Tàu cho biết, phương tiện giúp anh chuyên chở rau để bán mỗi ngày là chiếc xe cũ kỹ được “nâng cấp” phần baga ở yên sau. “Chiếc xe này chỉ vài triệu đồng. Tôi không có đủ tiền để mua xe mới. Biết đi xe như vậy chở hàng là không bảo đảm an toàn nhưng tôi không còn cách nào khác”, anh Tuấn trần tình.

Theo anh Nguyễn Văn Thu, một thợ sửa xe máy trên đường 30/4, phường 11, TP. Vũng Tàu, xe máy cũ sau khi được nâng cấp, hàn thêm khung sườn, gắn thêm phuộc, “độ” thêm thùng hàng phía sau có thể chở được rất nhiều hàng hóa. Hầu hết đây là xe đã qua nhiều năm sử dụng, chỉ có thể bán theo dạng ve chai nên giá rẻ, chỉ khoảng vài triệu đồng/chiếc. “Sau khi mua về, người ta đưa xe đến tiệm sửa chữa, bỏ ra thêm vài trăm ngàn đồng để lắp đặt một số chi tiết, phụ kiện cần thiết nữa là có thể chở hàng. Tuy nhiên, việc chở hàng bằng những chiếc xe này là không bảo đảm an toàn”, anh Thu cho hay.

Hiện nay, mức xử phạt xe máy “mù” quá thấp nên không đủ sức ngăn chặn tình trạng người dân sử dụng các phương tiện này. Cụ thể, Điều 17, Nghị định 46/2016/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” quy định phạt tiền từ 80-100 ngàn đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe không có còi; đèn soi biển số; đèn báo hãm; gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng; Điều khiển xe gắn biển số không đúng quy định; biển số không rõ chữ, số; biển số bị cong, bị che lấp, bị hư.

Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, Trung tá Đinh Văn Toản, Đội phó Đội CSGT và Trật tự - Công an TP. Vũng Tàu cho biết, mỗi năm, lực lượng CSGT, Công an TP. Vũng Tàu tạm giữ hàng trăm chiếc xe “mù” vi phạm quy định về ATGT, hoặc gây TNGT. Các xe này thường có giá rẻ, không có giấy tờ đăng ký, nhiều xe không biển số, hoặc lắp biển số giả nên khi bị xử lý, người điều khiển phương tiện thường bỏ luôn xe, không đến đóng phạt. Vì vậy, sau thời gian tạm giữ xe không có người đến nhận, kho bãi đầy xe vi phạm, cơ quan công an phải xử lý theo quy định.

Theo ông Toản, thời gian qua, lực lượng CSGT đã tăng cường công tác tuần tra, xử lý nghiêm các loại xe máy không có giấy đăng ký xe, không có biển số, không còi, đèn và chở hàng hóa cồng kềnh. Bên cạnh đó, CSGT còn phối hợp với chính quyền địa phương, công an các phường, xã kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh trên địa bàn, nhất là các cơ sở kinh doanh nước đá, gas, gạo... để thống kê, lập danh sách những chiếc xe máy không đạt tiêu chuẩn lưu thông. “Trên cơ sở đó, lực lượng CSGT đã tuyên truyền, nhắc nhở và yêu cầu các chủ cơ sở cam kết chuyển sang sử dụng phương tiện khác, bảo đảm đủ điều kiện an toàn khi tham gia giao thông để vận chuyển hàng hóa”, Trung tá Đinh Văn Toản cho hay.

Bài, ảnh: SƠN KHÊ

;
.