Phòng ngừa tai nạn cho trẻ em ở chung cư

Thứ Năm, 14/03/2019, 17:09 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, một số chung cư trên địa bàn tỉnh và các địa phương khác đã xảy ra những vụ tai nạn do trẻ em bị ngã từ tầng cao xuống đất. Từ những vụ việc đau lòng này, người lớn cần thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ đang sinh sống tại các chung cư.

Các tòa nhà cao tầng luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn từ độ cao đối với trẻ em sống tại đây.
Các tòa nhà cao tầng luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn từ độ cao đối với trẻ em sống tại đây.

Mới đây, chiều 13-3, cháu L.D.T.Đ (SN 2014, trú tại chung cư SeaView 4, phường 10, phường TP. Vũng Tàu) đã rơi từ tầng cao chung cư này xuống đất dẫn đến tử vong. Các vụ việc tương tự cũng xảy ra tại một số chung cư ở các địa phương khác. Chẳng hạn, chiều 3-3, tại chung cư Rice City Linh Đàm, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội, một bé trai 4 tuổi rơi từ trên ban công xuống đất tử vong. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 1-1, một bé trai 4 tuổi đã tử vong sau khi rơi từ tầng cao xuống ban công tầng 8 chung cư River Gate, quận 4. Trước đó, ngày 23-12-2018, một bé gái 6 tuổi rơi từ tầng cao chung cư Thủ Thiêm Sky (quận 2) xuống đất tử vong… 

Những trường hợp tai nạn nêu trên cho thấy, trẻ em sinh sống tại chung cư cao tầng luôn đối mặt với nguy hiểm. Để bảo vệ trẻ nhỏ tránh những tai nạn đáng tiếc, các bậc phụ huynh cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hướng dẫn con em những kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Chị Nguyễn Thị Tuyết Vân, cư ngụ tại chung cư SeaView 1 cho biết, gia đình chị có con nhỏ 3 tuổi, rất hiếu động, nên khi cháu chơi đùa trong chung cư, chị phải luôn để mắt quan sát. “Tôi cũng dạy con kỹ năng đi thang máy, không được nói chuyện hay nhận quà của người lạ, không được leo trèo cửa sổ, ra ban công một mình, không bước xuống mặt đường nếu không có người lớn bên cạnh, không được đứng gần bếp, ổ điện...”, chị Tuyết Vân chia sẻ. 

Ông Nguyễn Khắc Dũng, Trưởng Ban quản lý các chung cư của Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển xây dựng (DIC) cho biết, DIC hiện đang quản lý 12 tòa chung cư tại TP. Vũng Tàu với 3.481 căn hộ. Việc xây dựng chung cư được thực hiện theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng. Lan can có rào chắn với chiều cao tối thiểu 1,2m, có khả năng chịu được tác động của lực ngang, bảo đảm khe hở của các thanh chấn song không để lọt quả cầu có đường kính 100mm; lan can không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua. Bên cạnh đó, những gia đình ở các chung cư DIC có con nhỏ thường làm chấn song kim loại che chắn cửa sổ, ban công để tránh trẻ nhỏ nghịch phá, leo ra ngoài. Tuy nhiên, để bảo đảm cho công tác PCCC được thuận lợi, dễ dàng ứng cứu khi có sự cố cháy nổ thì dễ dàng phá bỏ các song chắn lan can, Ban quản lý các chung cư DIC khuyến khích người dân làm chấn song bằng nhôm và dây cáp, không làm bằng song sắt kiên cố. 

“Ban quản lý chung cư thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các chủ hộ trông chừng, bảo vệ con em, tránh các tình huống nguy hiểm, không để trẻ ở nhà một mình, khi trẻ ra ngoài hành lang, hay ở gần cửa sổ phải có người lớn đi cùng và luôn theo dõi. Các cửa chính, cửa sổ cần có chốt khóa an toàn để trẻ không mở được; tuyệt đối không kê giường, tủ, bàn, ghế cạnh cửa sổ hay để đồ đạc ngoài ban công là những vật giúp trẻ có thể trèo lên cửa sổ, hay ra ngoài ban công gây tai nạn”, ông Nguyễn Khắc Dũng cho hay. 

Thượng tá Nguyễn Ngọc Phi, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ - Công an tỉnh khuyến cáo: Các phụ huynh tuyệt đối không để trẻ dưới 6 tuổi ở nhà một mình. Bởi lẽ, khi không thấy người lớn, trẻ thường hoảng sợ, lo lắng và tìm cách thoát ra ngoài để tìm người thân, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho trẻ, nhất là những gia đình sinh sống trong các chung cư cao tầng. Khi trẻ trong tình huống có thể dẫn đến tai nạn (mắc kẹt trong thang máy, tầng hầm, đang đứng chơi vơi trên cao…), người lớn phải kêu gọi mọi người ở gần, nhân viên bảo vệ của tòa nhà cùng tham gia sẵn sàng ứng cứu, đồng thời báo cho lực lượng PCCC tại chỗ, hoặc lực lượng Cảnh sát PCCC - Cứu nạn cứu hộ nơi gần nhất.

Bài, ảnh: SƠN KHÊ 

 
;
.