Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Xác định giá trị doanh nghiệp thế nào?

Thứ Tư, 20/03/2019, 17:13 [GMT+7]
In bài này
.

Nhằm thực hiện đúng các quy định của nhà nước, đồng thời nâng cao chất lượng công tác xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp (DN) có vốn nhà nước, Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi tổng giám đốc, giám đốc các DN thẩm định giá hướng dẫn thực hiện.

Công ty CP Khoa học Công nghệ Việt Nam (Busadco) – một trong những doanh nghiệp đã cổ phần hóa thành công. Trong ảnh: Công nhân Busadco lắp đặt ván khuôn sản xuất hố ga ngăn mùi. Ảnh: MINH TÂM
Công ty CP Khoa học Công nghệ Việt Nam (Busadco) – một trong những doanh nghiệp đã cổ phần hóa thành công. Trong ảnh: Công nhân Busadco lắp đặt ván khuôn sản xuất hố ga ngăn mùi. Ảnh: MINH TÂM

Theo đó, Bộ Tài chính hướng dẫn xác định giá trị DN để CPH doanh nghiệp nhà nước như sau: Thực hiện đúng theo quy định của pháp luật chuyên ngành về xác định giá trị DN trong CPH doanh nghiệp nhà nước được quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16-11-2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trong quá trình thực hiện xác định giá trị DN để cổ phần hóa, ngoài việc phải áp dụng phương pháp tài sản quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16-11-2017 nêu trên, các đơn vị tư vấn cần phải áp dụng các phương pháp khác quy định tại Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 về thẩm định giá trị DN ban hành kèm theo Thông tư số 122/2017/TT-BTC ngày 15-11-2017 để đảm bảo xác định được chính xác giá trị thị trường của giá trị doanh nghiệp nhà nước để CPH.

Đối với xác định giá trị DN để thoái vốn nhà nước tại các DN có vốn nhà nước: Thực hiện đúng theo các văn bản quy phạm pháp luật quy định về xác định giá trị phần vốn nhà nước phục vụ mục đích chuyển nhượng vốn nhà nước (Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13-10-2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN; Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 8-3-2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành v.v... Đồng thời, trong quá trình thực hiện, các đơn vị tư vấn cần xác định lại giá trị DN, vận dụng Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 về thẩm định giá trị DN ban hành kèm theo Thông tư số 122/2017/TT-BTC ngày 15-11-2017 để bảo đảm xác định được chính xác giá trị thị trường của giá trị DN. Trên cơ sở đó xác định được giá trị thị trường của phần vốn góp của nhà nước tại DN. 

Công văn cũng nêu rõ, người đại diện theo pháp luật, tổng giám đốc (giám đốc) các DN kinh doanh dịch vụ thẩm định giá có trách nhiệm phổ biến nội dung nêu trên đến thẩm định viên về giá và cán bộ, nhân viên trong DN. Trách nhiệm chính đối với các sai sót, vi phạm trong công tác xác định giá trị DN nói chung thuộc về người đại diện theo pháp luật, tổng giám đốc (giám đốc) DN thẩm định giá và thẩm định viên về giá thực hiện.

ĐỨC ANH (Tổng hợp)

;
.