Ứng dụng CNTT trong quản lý đường thủy nội địa

Chủ Nhật, 24/02/2019, 17:12 [GMT+7]
In bài này
.

Trong quản lý đường thủy nội địa (ĐTNĐ) và quản lý cảng, bến ĐTNĐ, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) không chỉ nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo đảm trật tự ATGT, mà còn công khai, minh bạch, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho DN hoạt động thuận lợi.

Nhân viên Cảng vụ số 1 (Cảng vụ ĐTNĐ) tỉnh làm thủ tục rời bến cho tàu Greenlines DP.
Nhân viên Cảng vụ số 1 (Cảng vụ ĐTNĐ) tỉnh làm thủ tục rời bến cho tàu Greenlines DP.

Hệ thống ĐTNĐ tỉnh BR-VT có chiều dài hơn 120km với 53 cảng, bến, 16 khu neo đậu và một số bến khách ngang sông. Cảng, bến ĐTNĐ đóng vai trò quan trọng, là đầu mối của các hoạt động vận tải đường thủy. Trong năm 2018, lưu lượng hàng hóa thông qua cảng, bến ĐTNĐ gần 4 triệu tấn, hơn 200 ngàn lượt hành khách và hơn 8.100 lượt phương tiện ra, vào. 

Theo ông Lương Việt Thắng, Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ tỉnh, hiện nay, công tác quản lý điều hành hoạt động ĐTNĐ trên địa bàn tỉnh chủ yếu theo phương pháp truyền thống. Theo đó, các bộ phận chuyên môn trực thuộc Sở GT-VT thực hiện chức năng quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa; quản lý luồng, tuyến và kết cấu hạ tầng trên tuyến luồng bằng hình thức tuần tra, báo cáo và xử lý khi có sự việc xảy ra. Việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý cảng, bến TNĐ vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển về đường thủy và tạo sự chủ động trong việc giám sát, cảnh báo, đặc biệt đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy.

Anh Nguyễn Minh Thắng, thủy thủ tàu cao tốc Greenlines DP K7 (chạy tuyến Vũng Tàu - TP. Hồ Chí Minh) cho biết, khi ra vào cảng tại KDL Hồ Mây (TP. Vũng Tàu), đại diện tàu ngoài việc thông báo qua bộ đàm về thời gian, số hành khách sẽ vào bến, sau đó còn phải trực tiếp đến cảng vụ để làm thủ tục. “Điều này khiến chúng tôi mất thời gian đi lại và chờ đợi cơ quan chức năng kiểm tra, xác nhận. Một số nơi như TP. Hồ Chí Minh đã áp dụng việc làm thủ tục ra vào cảng, bến ĐTNĐ qua mạng internet. Thiết nghĩ, việc này cần sớm được triển khai tại tỉnh BR-VT, tạo thuận lợi cho các DN vận tải thủy”, anh Thắng kiến nghị.

Trước nhu cầu nâng cao công tác quản lý hoạt động ĐTNĐ trên địa bàn tỉnh, Cảng vụ ĐTNĐ tỉnh đã và đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý cảng, bến giao thông đường thủy. Theo đó, cơ quan này đang thử nghiệm hệ thống quản lý cấp phép điện tử phương tiện ra - vào cảng bến ĐTNĐ. Phần mềm này đã được Cục ĐTNĐ Việt Nam xây dựng và triển khai thực hiện tại một số địa phương. Công tác cấp phép được kết nối trực tiếp với hệ thống thông tin tại Cục ĐTNĐ Việt Nam, cổng thông tin điện tử Quốc gia, giúp cho các cơ quan chức năng (Cảng vụ, Thanh tra, CSGT đường thủy, Đăng kiểm) có thể kiểm tra hồ sơ phương tiện trên hệ thống, lịch sử hành trình, lịch sử vi phạm, kết nối đến dữ liệu đăng kiểm, dữ liệu thuyền viên để kiểm tra bằng thật hay giả…

Nhân viên Cảng vụ số 1 (Cảng vụ ĐTNĐ tỉnh) kiểm tra số lượng hành khách lên tàu tại cảng tàu khách Cầu Đá (TP. Vũng Tàu). Ảnh: PHƯƠNG NAM
Nhân viên Cảng vụ số 1 (Cảng vụ ĐTNĐ tỉnh) kiểm tra số lượng hành khách lên tàu tại cảng tàu khách Cầu Đá (TP. Vũng Tàu).

Phần mềm quản lý CNTT sẽ đơn giản hóa các thủ tục hành chính tại cảng, bến ĐTNĐ, giúp người dân, DN có thể giao tiếp mọi nơi, mọi lúc, tiết kiệm được thời gian và chi phí trong hoạt động kinh doanh vận tải. Đơn cử như, trước khi phương tiện cập cảng, bến, chủ phương tiện hoặc thuyền trưởng chỉ cần gửi tin nhắn SMS khai báo thông tin đến đại diện cảng vụ quản lý cảng, bến. Các thủ tục tiếp theo sẽ được cán bộ chức năng xử lý, bảo đảm khi phương tiện đến cảng, bến sẽ hoàn thiện các thủ tục theo quy định và có thể cập bến nhanh nhất. 

Ưu điểm khi triển khai phần mềm là bảo đảm việc cấp phép được thực hiện nhanh chóng, chính xác, hiệu quả và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, góp phần bảo đảm ATGT trên các tuyến ĐTNĐ. Chương trình phần mềm quản lý ĐTNĐ đã được Sở GT-VT, Sở TT-TT trình UBND tỉnh phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện trong năm 2019.

Ông Lương Việt Thắng cho biết, ngoài chương trình phần mềm quản lý ĐTNĐ nêu trên, Cảng vụ ĐTNĐ tỉnh cũng đang tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống nhận dạng tự động AIS, giám sát và cảnh báo ATGT các tuyến ĐTNĐ trên địa bàn tỉnh. Ứng dụng bản đồ điện tử và thiết bị nhận dạng tự động AIS giúp hỗ trợ cho việc điều động phương tiện đi đúng luồng, tránh chướng ngại vật, đặc biệt là khi phương tiện đi vào luồng hẹp, quanh co, tầm nhìn bị hạn chế và nhận biết nhau, tránh va chạm. Mặt khác, lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các vị trí xung yếu như ngã ba sông, luồng đường thủy có lưu lượng giao thông cao, tại các cảng bến ĐTNĐ. Hiện nay, Cảng vụ đã trình Sở GT-VT để báo cáo UBND tỉnh xem xét, phê duyệt thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống nhận dạng tự động AIS.

Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM

;
  • Kết quả SXMT nhanh nhất
.