GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT:

Xử lý hành vi cầm đồ do người khác phạm tội mà có

Thứ Ba, 25/09/2018, 18:26 [GMT+7]
In bài này
.

Hỏi: Tôi không hành nghề cầm đồ chuyên nghiệp. Nhưng vừa rồi, con trai người quen mang đến nhà tôi 1 chiếc xe máy, nói rằng cần tiền lo công việc nên nhờ cầm giúp 5 triệu đồng trong vòng 15 ngày sẽ đến chuộc lại với số tiền 6 triệu đồng. Thấy có lợi, tôi đã nhận cầm chiếc xe máy. Nhưng mấy hôm sau, cơ quan công an đến nhà tôi lập biên bản thu giữ chiếc xe máy vì đây là tang vật của vụ án trộm cắp sản. Vậy, tôi có đòi lại được tiền cầm chiếc xe máy, có bị xử phạt? (Nguyễn Văn An – TX. Phú Mỹ)

Trả lời: Theo trình bày trên, chiếc xe máy là tang vật vụ án trộm cắp tài sản. Đây là vật chứng được quy định tại Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13: “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”. Vì vậy, cơ quan công an có quyền thu giữ chiếc xe máy để phục vụ công tác điều tra theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 về thu thập vật chứng.

Trong trường hợp ông không biết chiếc xe máy là đồ trộm cắp, không biết người cầm xe máy là người trộm cắp, chỉ thấy có lợi mà nhận cầm cố thì ông sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, ông sẽ được trả lại số tiền đã bỏ ra để cầm chiếc xe máy, theo quyết định của tòa án buộc người phạm tội (bị cáo) trả lại tiền cho ông về phần trách nhiệm dân sự.

Trong trường hợp ông biết rõ chiếc xe máy là vật trộm cắp, nhưng vì ham lợi mà cầm cố thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, quy định tại Điều 323 Bộ luật Hình sự số 01/VBHN-VPQH có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018. Trên thực tế nếu ông không hành nghề cầm đồ có tính chất chuyên nghiệp, tài sản cầm cố có giá trị dưới 100 triệu đồng, thu lợi ít, không tái phạm nguy hiểm, thì sẽ bị xử lý theo Khoản 1, Điều 323 như sau: “Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.

Luật gia: THANH MAI

 
;
.