ẨM THỰC BA MIỀN HỘI TỤ

Kỳ 21: Dân dã cơm niêu

Thứ Tư, 02/12/2020, 19:15 [GMT+7]
In bài này
.

Thuở cha ông còn nghèo khổ, dân “cơm niêu nước lọ” là dân nghèo khó bậc nhất trong xã hội. Nhưng ở thời văn minh, hiện đại, cơm niêu như một món ăn hiếm hoi, được nhiều người dùng để đổi vị.

Nhân viên quán cơm niêu Hoa Sữa giới thiệu món ăn của quán cho thực khách.
Nhân viên quán cơm niêu Hoa Sữa giới thiệu món ăn của quán cho thực khách.

Giờ đây, cơm niêu được nhiều người coi là món ăn lạ để đổi vị sau những bữa cơm ê hề thịt cá. Chẳng thế mà, nhiều quán cơm niêu mọc lên khắp nơi, quán nào cũng nườm nượp khách. 

Chị Trương Thị Thanh Tâm, chủ quán cơm niêu Hoa Sữa (569/19A, Nguyễn An Ninh, phường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu) cho hay, gọi là cơm niêu vì cơm được nấu trong niêu đất - dụng cụ nấu ăn truyền thống của người Việt xưa. “Niêu đất dày, khả năng giữ nhiệt lâu nên cơm nấu bằng niêu đất có hương vị riêng, khác hẳn với cơm nấu bằng nồi kim loại. Chế biến thức ăn trong nồi gốm sứ là kỹ thuật nấu nướng theo kiểu thức cung đình Việt Nam, thuận theo nguyên lý âm dương kết hợp: nồi đất (thổ) dùng than củi (mộc) để nấu, nên tạo nên hương vị thơm ngon, tự nhiên… ”, chị Tâm giải thích.  

Để có niêu cơm ngon, phải chọn niêu có nắp kín, không vênh hay lệch. Quy trình nấu cơm niêu cũng khá kỳ công. Khâu quan trọng nhất là chọn loại gạo dẻo thơm, hạt to tròn, trắng ngần. Cho lượng gạo vừa đủ với nước vì ít quá thì không ngon, nhiều gạo quá thì cơm sống. Khi nấu, đầu bếp phải canh lửa để cơm sôi đều và phải đảo cơm bằng đũa cả để cơm dẻo đều mà tơi xốp, không bị khét. Sau khi cơm cạn nước, phải để lửa liu riu (hoặc vùi trong than) từ 20 phút trở lên. Để giữ đúng vị ngon, cơm niêu phải nấu bằng than theo cách nấu cơm truyền thống của người Việt. Người thích ăn cơm cháy có thể yêu cầu đầu bếp thêm lửa. 

Cơm ngon, ăn với thức nào cũng ngon. Trên thực tế, xuất phát từ bình dân nên cơm niêu thường được ăn cùng các món quen thuộc, dễ tìm, dễ chế biến: thịt luộc, thịt kho tộ, cá kho tộ, canh cua, canh chua, cà pháo, trứng chiên, rau luộc chấm kho quẹt...  

Chị Nguyễn Thị Thảo (phường 10, TP. Vũng Tàu), khách quen của quán Hoa Sữa cho biết, không gian quán mang đậm nét dân dã, chân chất của vùng quê. Khung cửa sổ bằng tre, điểm thêm chiếc đèn hình nón quai thao cách điệu xen kẽ những bức tranh gốm dân gian. Những bộ bàn ghế cũng bằng tre đơn sơ, còn mái nhà được lợp lá. Những cô nhân viên trong trang phục bà ba đậm chất Nam Bộ. “Tất cả những điều đó gợi cho thực khách cảm giác thân thiện, gần gũi, như được trở về với vùng quê yên bình. Món ăn ngon cũng là những điểm cộng khiến tôi trở lại lần sau”, chị Thảo nói.

Anh Nguyễn Minh, du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh nhận xét, ở cơm niêu Hoa Sữa, ngoài cơm ngon còn có nhiều món ăn ẩm thực 3 miền: canh cua rau đay, cà pháo mắm tôm mang hương vị miền Bắc; canh hến, rau tập tàng chấm mắm cái là món ăn đặc trưng của miền Trung; cá đồng kho tộ, canh chua cá lóc và rau thập cẩm chấm kho quẹt là những món quen thuộc của Nam Bộ. Do vậy, mỗi lần xuống TP. Vũng Tàu du lịch, gia đình tôi đều ghé đến đây thưởng thức.

Cơm niêu Hoa Sữa có các địa chỉ: 569/19A, Nguyễn An Ninh, phường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu và 568, Phạm Hùng, phường Phước Trung, TP. Bà Rịa. Ngoài ra, khách cũng có thể tìm đến các quán cơm niêu: Rau Tập Tàng (12, Trần Hưng Đạo, TP. Vũng Tàu); Quê Nhà (158, Lê Hồng Phong, TP. Vũng Tàu và 43, Nguyễn Văn Linh, phường Phước Hiệp, TP. Bà Rịa); Đại Việt (số 2B, Lê Hồng Phong, TP. Vũng Tàu); Đất Việt (59, Ngô Đức Kế, TP. Vũng Tàu).

Bài, ảnh: HOÀNG BÁCH 

 

;
.