NHỮNG BỘ SƯU TẬP TIÊU BIỂU Ở BẢO TÀNG BÀ RỊA-VŨNG TÀU

Kỳ 2: Khắc họa đời sống cộng đồng dân tộc Chơ Ro

Thứ Ba, 01/09/2020, 13:20 [GMT+7]
In bài này
.

Tham quan tại các gian trưng bày tại Bảo tàng tỉnh, ngôi nhà sàn đơn sơ cùng hình ảnh đồng bào dân tộc Châu Ro đang quây quần đánh cồng chiêng, các đồ dùng sinh hoạt… đã giúp người xem thêm hiểu hơn về văn hóa Chơ Ro. 

Đoàn khách tham quan tổ hợp trưng bày cộng đồng Chơ Ro.
Đoàn khách tham quan tổ hợp trưng bày cộng đồng Chơ Ro.

Người Chơ Ro xưa chủ yếu làm nghề nương rẫy, du canh, du cư, canh tác bằng cách chọc lỗ tra hạt, trồng bắp, khoai mỳ, bầu bí, chăn nuôi gia súc, gia cầm, săn thú rừng, hái măng, lấy mật ong, đánh bắt cá tôm, đan lát... Về trang phục, đàn ông đóng khố, đàn bà quấn váy tấm, cổ và tay đeo vòng, lục lạc, chuỗi hạt cườm ngũ sắc, thiếu nữ đeo kiềng bằng bạc, đồng… Xưa phụ nữ Chơ Ro quấn váy, đàn ông đóng khố; áo của người Chơ Ro là loại áo chui đầu; trời lạnh có tấm vải choàng. Hiện nay đồng bào mặc như người Kinh trong vùng, chỉ còn dễ nhận ra người Chơ Ro ở tập quán thường đeo gùi theo và ở sở thích của phụ nữ hay đeo các vòng đồng, bạc, dây cườm trang sức nơi cổ và tay.

Tại gian trưng bày Bảo tàng tỉnh giới thiệu một số hiện vật tiêu biểu như: Tổ nhang nhà là nơi đặt các vật lễ cúng trong lễ hội truyền thống cúng thần Lúa, thần Rừng của đồng bào Chơ Ro; cây nêu được dựng trong những ngày lễ tết (Lễ cúng cơm mới vào rằm tháng 10 âm lịch hàng năm), biểu trưng cho bông lúa, tượng trưng cho mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no hạnh phúc…

Vốn văn nghệ dân tộc của người Chơ Ro phong phú. Nhạc cụ có bộ chiêng 7 chiếc, gồm 4 chiếc nhỏ và 3 chiếc lớn.  Khi biểu diễn các nghệ nhân điều khiển đều phải đứng, tay trái úp mở đều đặn để phối khí nhịp nhàng  nơi hố vú chiêng, tay phải nắm thành quả đấm đánh vào vú chiêng tạo nên giai điệu trầm bổng, dập dìu, huyên náo… 

Điểm đặc biệt tại gian trưng bày là ngôi nhà sàn của đồng bào Chơ Ro. Đây là ngôi nhà phục dựng theo nguyên mẫu của đồng bào Chơ Ro hiện sinh sống tại ấp Lý Lịch I, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Ngôi nhà được làm bằng chất liệu tre, nứa, mái lợp lá trung quân, cỏ tranh… có cầu thang lên xuống đặt ở giữa. Nhà có 2 cửa, cửa chính dành cho nam giới và khách, cửa phụ dành cho phụ nữ, trẻ em, cửa phụ gần bếp lửa, bên ngoài có sàn nước. Phía bên trong tại trung tâm nhà sàn là bếp lửa, nơi các thành viên trong gia đình ngồi quây quần ăn uống hàng ngày, xung quang nhà treo các nông cụ, săn bắt, hái lượm của đồng bào… Một số dụng cụ lao động sản xuất của đồng bào Chơ Ro cũng được trưng bày tại đây như: Ống tre đựng đũa; đụt đựng cá; cây nhú bắt cá (ống đặt cá); giỏ đựng cheo (dùng trong quá trình bẫy thú nhỏ ở trong rừng); lồng nhốt gà; chày và cối giã gạo; giỏ đựng lúa giống; chà gạt (nia) dùng để chặt cây và cắt dây leo trong rừng khi làm nương rẫy; dao côi; nỏ tên...

NGUYỄN DUYÊN

;
.