HƯƠU CHUỘT Ở CÔN ĐẢO: Động vật có tên trong sách đỏ

Thứ Hai, 21/09/2020, 19:17 [GMT+7]
In bài này
.

Hươu chuột là động vật cực kỳ quí hiếm ở Việt Nam, có tên trong Sách đỏ thế giới, đã tồn tại từ lâu ở rừng tự nhiên thuộc Vườn Quốc gia Côn Đảo, huyện Côn Đảo.

Hươu Chuột.
Hươu Chuột.

Hươu Chuột còn gọi Cheo Cheo, tên khoa học là Tragulidae, là động vật có vú nhỏ nhất thuộc bộ móng guốc. Với kích thước tương đương loài thỏ, đầu hình tam giác, lưng hơi vòng  cung,  thân tròn, phần lưng  phía sau nhô cao, bốn chân mỏng nhỏ, trông giống hươu nhưng không có sừng, 

Hươu chuột là loài động vật cực ký quí hiếm, hiện nay chỉ tìm thấy trong các cánh rừng nhiệt đới thuộc châu Phi, Ấn Độ và Đông Nam Á. 

Theo các nhà khoa học, họ cheo cheo (hươu chuột)  có 10 loài còn sinh tồn, thuộc ba chi. Một số loài đã tuyệt chủng chỉ còn được biết đến qua những mẫu hươu chuột hóa thạch. 

Hươu chuột thường sống đơn độc hoặc theo cặp đôi. Chúng  kiếm ăn  trên các lối mòn ở những  vạt rừng cây cối rậm rạp. Thức ăn chính của hươu chuột là các loài thực vật như cỏ, lá cây, cành non, chồi cây, nấm và trái cây rụng trên mặt đất.      

Hươu chuột rất nhút nhát, khi bị kẻ thù tấn công  chúng không dám chống cự mà nhảy trốn rất nhanh. Các loài hươu chuột ở châu Á nặng từ 0,7kg đến 0,8kg, còn hươu chuột ở châu Phi nặng từ 7kg đến 16kg.  

Mùa động dục và giao phối của hươu chuột hàng năm vào khoảng tháng 6 và tháng 7. Trước khi giao phối, con cái dùng chân sau gõ xuống đất 8 lần trong vòng 3 giây để báo cho con đực biết. Hươu chuột cái mang thai khoảng 140 ngày, mỗi lần đẻ một con vào cuối mùa mưa, khi nguồn thức ăn đang ở thời điểm dồi dào.

Hươu chuột ở Việt Nam thuộc loài cheo cheo lưng bạc (tên khoa học là Tragulus versicolor)  được ghi nhận  đầu tiên vào năm 1910, qua 4 mẫu vật thu thập ở vùng rừng núi Miền Trung. Hươu chuột ở Việt Nam nằm trong số 10 loài thuộc họ cheo cheo còn tồn tại trên thế giới.

Mấy năm trước nhiều nhà khoa học khẳng định hươu chuột ở Việt Nam đã tuyệt chủng từ những năm cuối thế kỷ 20. Theo Giáo sư Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam thì những năm 1980 trở về trước, tại các khu rừng thuộc tỉnh Đồng Nai, loài hươu chuột vẫn còn tồn tại. Nhưng vì bị săn bắt bừa bãi để lấy thịt ăn, hoặc bán lấy tiền, nên số lượng hươu chuột giảm dần, đến cuối thế kỷ 20 coi như tuyệt chủng.

Tháng 11 năm 2019, các nhà khoa học bảo tồn động vật ở Việt Nam công bố rằng họ đã chụp được hình ảnh  những con cheo cheo lưng bạc (hươu chuột)  trong một khu rừng ở khu vực phía Nam. Một số tờ báo uy tín quốc tế như CNN, Guardian, NewYork Times… liên tiếp đưa tin về  loài hươu chuột đã được tìm thấy ở một khu rừng thuộc tỉnh Khánh Hòa. Nhiều nhà khoa học quốc tế tỏ ra vui mừng vì phát hiện này, bởi họ cho rằng, bản ghi chép khoa học cuối cùng được biết về hươu chuột ở Việt Nam là năm 1990, khi một thợ săn giết một con hươu chuột, sau đó gửi mẫu vật đến các nhà khoa học.

Tiến sĩ  Hoàng Minh Đức, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam  cho rằng, việc phát hiện loài cheo cheo lưng bạc (hươu chuột) mang lại hy vọng lớn cho việc bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài bị đe dọa ở Việt Nam. 

Mới đây, các nhà khoa học lại phát hiện, nhiều cá thể hươu chuột vẫn đang sinh sống ở các vạt rừng tự nhiên thuộc Vườn Quốc gia Côn Đảo. Người ta đã tìm ra nhiều bằng chứng xác nhận hươu chuột cũng như một số loài động vật quí hiếm khác từng sinh sống lâu năm ở đây, có thể coi là thổ địa ở rừng tự nhiên Côn Đảo. 

Vườn Quốc gia Côn Đảo chính là cầu nối cho sự phát tán sinh vật từ trung tâm đa dạng của vùng biển Ấn Độ dương  - tây Thái Bình dương đến vùng biển ven bờ của Việt Nam. Hệ động vật ở Vườn Quốc gia Côn Đảo đến nay đã ghi nhận được 144 loài, trong đó lớp thú chiếm 28 loài, chim 69 loài, bò sát 39 loài, lưỡng cư 8 loài. Trong số đó có rất nhiều loài thú quí hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. 

Cùng với việc phát hiện ra cheo cheo lưng bạc (hươu chuột) ở Khánh Hòa, việc tìm thấy hươu chuột sinh sống lâu năm ở Vườn Quốc gia Côn Đảo sẽ khuyến khích các nhà khoa học Việt Nam cùng các đối tác quốc tế, tìm kiếm các loài thú khác, đồng thời rất cần những công trình nghiên cứu và kế hoạch bảo tồn loài hươu chuột quí hiếm này. 

TRẦN BÌNH

;
.