Ngôi chùa độc đáo trên núi Thị Vải

Chủ Nhật, 14/06/2020, 21:19 [GMT+7]
In bài này
.

Linh Sơn Bửu Thiền tự còn gọi là chùa Tổ, chùa Thượng nằm trên đỉnh núi Thị Vải, khu phố Vạn Hạnh, TX.Phú Mỹ. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông, có niên đại hơn 200 năm.

Khuôn viên chùa Linh Sơn Bử Thiền tự.
Khuôn viên Linh Sơn Bửu Thiền tự.

Ngôi chùa được xây dựng với nét kiến trúc độc đáo, giao thoa của 2 nền văn hóa Việt Nam-Nhật Bản. Theo sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, bà Lê Thị Nữ tức Ni sư Diệu Thiện là người đầu tiên lên núi mở am tu hành. Năm 1802, bà nằm mộng thấy vua lạc đường nên đã nấu cơm tìm đường xuống núi và cứu được Nguyễn Vương. Sau khi về kinh, Nguyễn Vương lên ngôi vua và lấy hiệu là Gia Long. Nhớ ơn của bà, vua cho người quay lại núi đền ơn thì hay tin bà đã qua đời. Cảm kích công ơn của bà, nhà vua đã đặt tên cho núi là núi Thị Vải, dòng sông chảy dọc theo triền núi cũng được đặt theo tên gọi này. Đồng thời, sắc phong cho bà là Linh Sơn Thánh mẫu, am nơi bà tu hành cũng được sắc tứ Linh Sơn Bửu Thiền tự.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, năm 1945, chùa xuống cấp nặng. Đến năm 1966, chùa bị chiến tranh tàn phá hư hại hoàn toàn, các tăng ni ở đây phải tản đi nhiều nơi để tránh nạn. Năm 1990, Hòa thượng Thích Trí Quảng, Viện chủ chùa Linh Sơn Bửu Thiền tự đã cho xây dựng, trùng tu ngôi chùa khang trang như bây giờ.

Để lên được Linh Sơn Bửu Thiền tự phải trải qua 1.200 bậc tam cấp quanh co được xây bằng đá và 2 ngôi chùa là chùa Liên Trì (chân núi), chùa Hồng Phúc (chùa Trung ở giữa núi). Linh Sơn Bửu Thiền tự được xây dựng đặc trưng mang phong cách Nhật Bản. Qua khỏi cổng tam quan để vào chùa, hai bên dựng tháp Kim Can là 2 vị thần có trách nhiệm trông coi, bảo vệ chùa. Bên trái chùa là tháp Tổ, bên phải là tượng Quan Âm lộ thiên cao 6m. Chánh điện Linh Sơn Bửu Thiền tự thờ đức Phật Thích Ca, phía trước đặt tòa Cửu Long và tượng Đản sanh, hai bên có tượng Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền. Phía sau chánh điện thờ Tổ sư Đạt Ma. Bên cạnh nhà trai, có đường lên điện Quan Âm và đường lên Niết Bàn Sơn Đảnh. Ở nơi cao nhất núi Thị Vải, các tảng đá được thiên nhiên sắp xếp trông giống như pho tượng Phật nhập niết bàn.

Giải thích về kiến trúc đặc biệt của ngôi chùa, trụ trì Thích Pháp Huệ cho biết, hòa thượng Thích Trí Quảng, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh là người có hơn 10 năm tu học tại Nhật Bản và có lòng mến mộ với văn hóa nơi đây, năm 1990, khi đặt nền móng trùng tu, xây dựng lại chùa, hòa thượng đã lên ý tưởng xây dựng chùa kết hợp với nền văn hóa của Nhật Bản nhưng vẫn giữ đặc trưng văn hóa đình chùa của người Việt. Ý tưởng trên nhận được sự tán thành của các hòa thượng, tăng ni, phật tử trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Vì nằm trên đỉnh núi cao, xung quanh là rừng nên nơi đây còn rất hoang sơ, không khí trong lành, yên tĩnh. Chùa nhiều năm qua trở thành nơi hành hương của các phật tử thập phương. 

Hàng năm, Linh Sơn Bửu Thiền tự còn tổ chức các lễ hội tính theo âm lịch như: Lễ truyền thống khai kinh vào mùng 4 tết; giỗ tổ vào ngày 5 tháng 3; lễ Vu Lan vào ngày 20 tháng 7 và nhiều lễ hội Phật giáo theo lịch của giáo hội Phật giáo Việt Nam khác.

MAI HOA

 
;
.