Núi và sông Mô Xoài trong công cuộc khẩn hoang của người Việt

Thứ Ba, 10/03/2020, 23:17 [GMT+7]
In bài này
.

Cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, lưu dân người Việt từ vùng ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Đức, Quảng Ngãi) liên tục vượt biển bằng ghe bầu đến định cư, lập nghiệp ở xứ Mô Xoài (thuộc khu vực tỉnh BR-VT ngày nay). Ngay từ buổi đầu khai phá mở đất, sông Mô Xoài chiếm vị thế quan trọng trong việc hình thành, phát triển cư dân và xóm làng.

Một đoạn sông Dinh ngày nay đã được xây dựng khang trang.
Một đoạn sông Dinh ngày nay đã được xây dựng khang trang.

Mục Núi Sông trong sách "Đại Nam nhất thống chí” có đoạn chép về núi Mô Xoài như sau: “Núi Trấn Biên ở cách huyện Phước Bình (nay thuộc tỉnh Đồng Nai) 6 dặm về phía Tây Bắc, tục gọi là núi Mỗi Xoài, động núi có hươu ,nai, vách núi có cây thông, suối bay mây tụ. Nửa núi có hang đá, sâu thẳm âm u, ít có người đến”. Trong cuốn “Gia Định thành thông chí”, Trịnh Hoài Đức cũng ghi: “Núi Trấn Biên từ đầu đến giữa thế kỷ XIX gọi là núi Mô Xoài”. Về tên gọi sông Dinh, trong “Đại Nam quốc âm tự vị”, Huỳnh Tịnh Của ghi: “Tên núi lớn ở phủ Phước Tuy, tục gọi là Mô Xoài”. Sách “Gia Định thành thông chí” chép: "Sông Hương Phước tức là sông Mỗi Xoài là chỗ dân 2 thôn Long Hương và Phước Lễ (nay thuộc phường Long Hương và Phước Hiệp, TP.Bà Rịa) chung nhau chịu lính trạm”.  Sách “Hoàng Việt nhất thống chí” cũng cho biết sông Mô Xoài còn gọi là Vàm Dinh.

Vùng trung tâm Mô Xoài có đồng bằng rộng xung quanh, là các gò đồi cùng với hệ thống sông suối dày đặc và những cánh rừng nước lợ, rừng hoang, núi non đã tạo nên cảnh quan thiên nhiên đa dạng, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước. Đây là lý do người Việt vượt biển vào khai phá vùng đất này đầu tiên. Nơi đây có ruộng tốt ở khu vực đất thấp, ngoài ra còn có ruộng muối được khai phá ở ven sông, rạch thuộc Phước Lễ… Sông rạch là một cảnh quan đặc biệt của Mô Xoài, phía Đông Nam lớn nhất là sông Mô Xoài (tức sông Dinh hay Vàm Dinh) xuôi dòng đổ về vịnh Ghềnh Rái. Từ đây, ghe thuyền có thể lưu thông qua Chợ Bến, Cửa Lấp, cửa Cần Giờ, sông Sài Gòn, sông Thị Vải để vào trung tâm Nam Bộ… Vì vậy, sông Mô Xoài có vị trí đặc biệt quan trọng về giao thông đường thủy và cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp trong buổi đầu mở đất, khai phá của người Việt.

Sông Mô Xoài (sông Dinh) chảy qua 2 làng Long Hương và Phước Lễ, đoạn gần Nhà máy nước Bà Rịa.
Sông Mô Xoài (sông Dinh) chảy qua 2 làng Long Hương và Phước Lễ, đoạn gần Nhà máy nước Bà Rịa.

Trong các làng trung tâm Mô Xoài, Long Hương có diện tích lớn nhất, bởi gần kề khu vực núi và sông Mô Xoài và có điều kiện canh tác dễ dàng hơn các nơi khác. Trong sách “Truyền thống xã Long Hương”, Võ Văn Ấn viết: “Buổi đầu chỉ có một nhóm không hơn 100 người đi thuyền vượt biển đến Rạch Dừa, vượt sông Ba Cói đến định cư trên bờ sông Dinh về phía xóm Lăng, chuyên nghề đánh bắt cá. Dần dần có những nhóm dân đến lập nghiệp ở khúc sông trên bờ sông Dinh về phía xóm Đình, cũng có nhóm khác theo đường bộ từ Bàn Lân (ĐồngNai) đến xóm Đồng, trong số này có những người Hoa biết làm ruộng”.

Địa danh sông Mô Xoài gắn liền với quá trình hàng trăm năm lao động vất vả, gian khổ và sáng tạo của lưu dân người Việt đến chinh phục vùng đất này. Họ đã lập nên các làng quê trù phú, đông đúc như: Long Hương, Phước Lễ, Long Kiên, Long Xuyên (TP. Bà Rịa). 

Hiện nay, khung cảnh quanh dòng sông Dinh đã có nhiều thay đổi. Trục đường Cách mạng Tháng Tám từ cổng chào TP. Bà Rịa đến Nhà Tròn được mở rộng. Cây cầu Long Hương nối đôi bờ sông Dinh được xây dựng khang trang, được trang trí khung thép hình vòm, soi bóng xuống dòng sông êm đềm. Từ đây, hai bên bờ được kè bê tông, phía tả ngạn là công viên với màu xanh tươi mát của cây cối. Bến sông của Vàm Dinh năm xưa - nơi neo đậu của những ghe thuyền vượt ngàn dặm từ miền Trung nay trở thành con đường khang trang cho người dân tản bộ. Phía hữu ngạn sông Dinh là cánh đồng lúa, vườn hoa, vườn rau tươi tốt của bà con nông dân phường Long Hương và nổi bật bên bờ sông là Nhà máy Nhiệt điện Bà Rịa vận hành bằng khí thiên nhiên. Bên cạnh sông Dinh là Trung tâm Thương mại Bà Rịa - chợ đầu mối nông sản, hải sản… phân phối đến các địa phương trong tỉnh và khu vực Đông Nam Bộ. 

 NGUYỄN NGỌC TRÂN

 
;
.