Đình thần Long Hương - Công trình văn hóa tâm linh hơn 200 tuổi

Thứ Hai, 16/03/2020, 20:31 [GMT+7]
In bài này
.
Đình thần Long Hương (khu phố Hương Điền, phường Long Hương, TP.Bà Rịa) được xây dựng cách đây hơn 200 năm (khoảng từ năm 1788-1802). Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nét kiến trúc và các lễ hội của đình thần Long Hương được bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tâm linh của người dân địa phương.
Chánh điện đình thần  Long Hương. Ảnh: NGỌC BÍCH
Chánh điện đình thần Long Hương. Ảnh: NGỌC BÍCH

Theo các bậc cao niên ở phường Long Hương, TP.Bà Rịa, ngày xưa, cư dân ở khu vực đình thần Long Hương thưa thớt, đất rộng, cây cối, cỏ dại mọc um tùm. Nơi đây còn có nhiều loại động vật hoang dã sinh sống, trong đó có cả những loài thú dữ như gấu, chó sói, cọp, heo rừng… Cuộc sống của người dân lam lũ, cực nhọc, nắng mưa tần tảo quanh năm mà vẫn thiếu ăn, thiếu mặc. Vì lẽ đó, người dân làng Long Hương nương tựa vào nhau, hình thành nên những tập quán tín ngưỡng gắn liền với đời sống. Thời đó, người dân trong vùng đã lập miếu thờ Cá Ông, miếu thờ Thần Nông, chùa Long Cốc và đình thần Thành Hoàng. 

Đình thần Long Hương hình thành từ đời vua Minh Mạng. Ban đầu, đình được xây dựng trên một gò đất cao đầu làng trên diện tích gần 2 sào đất. Cũng như nhiều ngôi đình khác ở Nam bộ, đình Long Hương thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, là một đấng thiêng liêng mà cũng rất gần gũi với dân chúng, phù hộ, giúp đỡ cuộc sống của người dân. Năm 1852, niên hiệu Tự Đức thứ 5, đình Long Hương được phong sắc thần với chức sắc “Đại Nguyên Soái Thủy Lục Bình Quân Đại Nguyên Soái”. Từ đó, dân làng quy tụ ngày một đông hơn, việc làm ăn cũng thuận lợi hơn, vì vậy đình thần Long Hương càng được chăm chút tu sửa, sắc thần càng được thờ phụng chu đáo.

Đầu thế kỷ XX, đình thần Long Hương được trùng tu lớn bằng nguồn đóng góp của nhân dân trong vùng. Theo đó, đình được xây dựng thành quần thể nhiều nhà vuông. Mỗi ngôi có 4 cột cái lớn bằng cả vòng tay ôm, trên cột được chạm khắc hình rồng nên được gọi là “long trụ”. Nhà vuông mở rộng ra 4 phía bằng bộ kèo đâm, kèo quyết. Phần đuôi các bộ kèo chạm trổ hình rồng lúc ẩn, lúc hiện gọi là “long ẩn”. Những ngôi nhà vuông lại ghép với nhau theo kiểu trùng thềm điệp ốc, mái lợp ngói âm dương gắn tượng “lưỡng long tranh châu”, “cá hóa rồng”, “ông mặt trời, bà mặt trăng” bằng sứ tráng men; trang trí ở nóc đình còn có những hình tượng âm dương hòa hợp, sung túc. Các nhà vuông liên kết nhau theo kiểu dáng chữ “Tam”, lưng dựa vào núi Dinh, mặt hướng về sông Dinh.

Mặt trước Đình thần Long Hương.
Mặt trước Đình thần Long Hương.

Công trình kiến trúc đình thần Long Hương bao gồm cổng đình, sân khấu võ ca, chánh điện, nhà đãi và nhà kho. Hai bên hông đình, bên phải là miếu thờ Bạch Mã Thái Giám, bên trái thờ Bà Thiên Hậu. Trong khuôn viên chánh điện thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh. Hai bên tả ban, hữu ban thờ các vị thần 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông; các vị có nhiệm vụ bảo vệ Thần Hoàng và giúp đỡ nhân dân 4 mùa sung túc, phù hộ nhân dân mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no. Trong đình còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như các bộ bao lam, hoành phi, đối liễn, tủ thờ bằng gỗ quý điêu khắc trang trí lộng lẫy.

Trong 2 cuộc kháng chiến của quân và dân Bà Rịa, Đình thần Long Hương còn là nơi che chở, nuôi giấu các cán bộ hoạt động cách mạng. Dựa vào đặc thù của khuôn viên đình vừa có cây cối rậm rạp, vừa có nhiều cây dầu cao lớn, lực lượng du kích địa phương đã tận dụng làm nơi quan sát canh gác địch từ nhiều phía để chủ động tấn công địch, tạo nên nhiều chiến công vang dội, góp phần vào công cuộc giải phóng đất nước. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và thời gian, lưu giữ những giá trị lịch sử, năm 2007 đình thần Long Hương đã được UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận là di tích lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.

Theo ông Nguyễn Văn Chạy, Trưởng Ban tế tự kiêm quản lý, coi sóc đình thần Long Hương cho biết, mỗi năm, đình thần Long Hương tổ chức nhiều lễ hội tính theo Âm lịch, như: ngày 10 tháng Giêng cúng Khai sơn, ngày 11 tháng 5 cúng vía Thần Hoàng, ngày 25 tháng 12 lễ sắp ấn, ngày 30 tháng 12 lễ rước ông bà, lễ hội Kỳ Yên được tổ chức công phu và hoành tráng nhất vào rằm tháng 11 âm lịch. “Các lễ hội nét văn hóa tâm linh của người dân làng Long Hương từ xưa đến nay. Các nghi thức trong lễ hội được truyền miệng từ đời này qua đời khác và được giữ nguyên vẹn những ý nghĩa ban đầu là cầu mong cho đất nước yên bình, cuộc sống người dân luôn được ấm no, hạnh phúc”, ông Nguyễn Văn Chạy cho hay.

Bài, ảnh: NGỌC BÍCH

;
.