Di tích lịch sử và thắng cảnh núi Chân Tiên: Phong cảnh thiên nhiên kỳ vỹ

Thứ Năm, 26/03/2020, 01:08 [GMT+7]
In bài này
.

Từ TP. Bà Rịa theo hướng về Long Hải đi khoảng 3km sẽ gặp đường Dinh Cố, rẽ trái là đến danh thắng núi Chân Tiên. Trên đường đi, du khách có thể ung dung thưởng ngoạn cảnh quan tuyệt đẹp hai bên đường với những rừng cây và khối đá nhấp nhô.

Phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ Trang 7 Di tích lịch sử và thắng cảnh núi Chân Tiên vẫn lưu giữ được vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ cùng những tích truyện hấp dẫn, ly kỳ. Ảnh: SONG BÌNH
Phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ Trang 7 Di tích lịch sử và thắng cảnh núi Chân Tiên vẫn lưu giữ được vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ cùng những tích truyện hấp dẫn, ly kỳ.

Di tích lịch sử và thắng cảnh núi Chân Tiên tọa lạc tại ấp An Thạnh, xã An Ngãi, huyện Long Điền, trên diện tích 10.720m2, với độ cao khoảng 22m so với mực nước biển, gồm 5 đỉnh núi và nhiều bãi đá, nhiều khe đá mang dáng vẻ hình thù khác nhau. Điều đặc biệt là từ sự kiến tạo tự nhiên và sự phong phú hóa thạch thổ, những khối đá khổng lồ nổi trồi lên khỏi mặt đất, đã tạo ra cảnh quan đẹp và kỳ thú, qua hàng triệu năm mới kiến tạo thiên nhiên kỳ vỹ như ngày nay.

Ông Nguyễn Thanh Liêm, người đang trông coi khu di tích này cho biết, đến nay, qua nhiều nghiên cứu, khảo sát vẫn chưa xác định được thời điểm hình thành nên núi Chân Tiên. Chỉ biết rằng, xoay quanh tên gọi của núi là cả một truyền thuyết ly kỳ. Chuyện kể rằng, thuở xa xưa khi đất trời còn giao hòa với nhau, nơi đây núi non cao đẹp, cây xanh bóng mát, cảnh hạ giới mà chẳng khác gì chốn bồng lai. Từ trên trời cao, sau khi xin phép Mẫu Cửu Trùng, các vị Tiên xuống thăm thú chốn hạ giới. Họ đã chọn núi đá này làm nơi dừng chân. Các Tiên ông dắt các Tiên đồng, Tiên cô xuống núi này vui đùa. Các Tiên ông ngồi trên tảng đá đàm đạo và đánh cờ, các Tiên cô thì chạy nhảy tung tăng vui đùa, nhảy từ tảng đá này sang tảng đá khác. Một số Tiên nữ khác vì say mê hoa thơm cỏ lạ, cảnh vật hiền hòa nên chẳng chịu rời. Có một nàng Tiên, trong một lần đuổi theo con bướm vàng sáu cánh đã vô tình dẫm phải lông của một con nhím. Chân bị đau, nàng không thể đi được nên phải dùng ngựa để về trời. Trước khi về, các nàng Tiên khác đã dùng nước Giếng Ngọc (Giếng Tiên) ở dưới chân núi để rửa chân cho nàng và chẳng may gót ngọc in dấu trên mặt đá. Bởi thế, ngày nay ở núi này vẫn còn in hai dấu chân, một dấu chân lớn gọi là dấu chân Tiên ông, dấu chân nhỏ gọi là dấu chân Tiên cô và bàn Cờ Tiên trên đá. Cũng chính vì thế nên người ta gọi núi này là núi Chân Tiên hay Tiên Cước:

“Kỳ lạ thay Tiên giáng mấy ngàn năm

Dấu chân Tiên vẫn còn trên mặt đá

Là xứ Tiên nên núi rừng đẹp lạ

Hay núi rừng đẹp đá Tiên say”

Ngày nay, đến thăm núi Chân Tiên, du khách sẽ được tận mắt trông thấy những dấu chân người in trên đá. Ở vách đá phía tay phải của lối vào, in dấu vết một bàn chân giống như chân của một thiếu nữ hằn sâu trên đá. Bên dưới bàn chân, người dân lập một bàn thờ đề thờ cúng các vị thần tiên đã có dịp về đây du ngoạn. Đi theo một dốc bậc thang đá lên phía trên là Miếu thờ bà “Cửu Thiên Huyền Nữ”. Phía trước miếu Mẫu có một bàn cờ trên một phiến đá bằng phẳng gọi là bàn cờ tiên, nơi các vị Tiên ông ngày xưa chơi cờ. Cách bàn cờ tiên vài bước chân về bên trái, một dấu chân nữa hằn trên vách đá. Bàn chân này lớn hơn, nên được gọi là bàn chân của Tiên ông.

Miếu thờ Bà Cửu Thiên Huyền Nữ.
Miếu thờ Bà Cửu Thiên Huyền Nữ.

Di tích lịch sử và thắng cảnh núi Chân Tiên không những mang đậm giá trị văn hóa, khoa học và thẩm mỹ mà còn có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, núi Chân Tiên là điểm dừng chân hoạt động của Trạm tình báo B46, Cục II, Cục Tình báo Trung ương, lực lượng du kích và đoàn thể cách mạng địa phương. Chiến tranh dù đã lùi xa, nhưng di tích lịch sử và thắng cảnh núi Chân Tiên vẫn luôn được coi là nguồn sử liệu, một chứng cứ lịch sử xác thực đầy thuyết phục, là địa chỉ đỏ để giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc, để cho các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau trân trọng và học tập. Ngày 27/10/2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2285/QĐ-UBND công nhận núi Chân Tiên là di tích lịch sử và thắng cảnh cấp tỉnh.

Bài, ảnh: SONG BÌNH

;
.