Chiến dịch Bình Giã ghi tên các chị, các má

Thứ Ba, 03/03/2020, 20:57 [GMT+7]
In bài này
.

Chiến dịch Bình Giã là chiến dịch tiến công đầu tiên của bộ đội chủ lực miền Đông Nam Bộ, góp phần tạo ra thế và lực mới để đánh bại Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Thắng lợi của chiến dịch Bình Giã có sự góp phần không nhỏ của “Đội quân tóc dài” BR-VT.

Máy bay Mỹ bị bắn rơi ở Bình Giã.
Máy bay Mỹ bị bắn rơi ở Bình Giã.

Ngay từ tháng 10/1964, công tác chuẩn bị hậu cần cho Chiến dịch Bình Giã đã triển khai trước một bước. Tỉnh ủy đã chỉ đạo cho các địa bàn liên quan huy động nhân dân phục vụ giúp đỡ góp phần cho việc hoàn thành công tác chuẩn bị. Để phục vụ chiến dịch, Ban cán sự cao su đã thành lập Đại đội dân công hỏa tuyến gồm 60 nam, nữ thanh niên công nhân. Tổ công đoàn Xà Bang do các chị Nguyễn Thị Tâm, Tư Lan, Cai Quậy… làm nòng cốt; Tổ công đoàn các sở tư gồm chị Ba Lực, Sáu Thích, Út Lan, Ba Trinh đã vận động từng công nhân một góp gạo, lương khô về cho Ban vận động của huyện.

Cũng trong thời gian này, Ban Quân - Dân Y thành lập một Đội phẫu tiền phương 15 người phục vụ Chiến dịch Bình Giã do y sĩ Vũ Bình An làm Trưởng đoàn; y tá Nguyễn Văn Nhân (Ba Nhân) ở xã Long Mỹ được điều động làm Phó đoàn cùng nhiều y tá, cứu thương trưng dụng ở các cơ quan và các xã như: Trần Thị Trinh (Năm Trinh), Nguyễn Thị Nguyệt (Bảy Nguyệt), Tuyết (Đỏ), Năm Liên, chị Thợ,... Nhiệm vụ của Đội phẫu tiền phương là phục vụ đơn vị 445 đánh vào Bình Giã, sau đó phục vụ Q762 tác chiến cho đến khi kết thúc chiến dịch. Anh chị em trong Đội phẫu  tiền phương rất dũng cảm, vượt qua bom pháo địch, chuyển anh em thương binh về tuyến sau. Đội phẫu tiền phương sơ cứu tại chỗ cho thương binh kịp thời. Có những trận đánh, số thương binh được cáng về hàng trăm ca mỗi đợt đều được chị em nhiệt tình sơ cứu như chị Bảy Mai, Trần Thị Trinh (Năm Trinh)...

Vì sinh mạng và sức khỏe thương binh, hàng ngàn lượt dân công tỉnh Bà Rịa đã nhập cuộc. Theo sau những chiếc xe bò, xe lam chở rau, thịt, đường, đậu, sữa cho mặt trận phía trước, mặt trận phía sau, các chị, các má đem phần quà, bánh của mình và cả hơi ấm hậu phương đến tận các giường thương binh. Tỉnh ủy chỉ đạo các huyện và các cơ quan tiếp tục bổ sung cho Bệnh viện cánh Đông thêm gần 40 người biết kiến thức về cứu thương, hộ sinh tham gia phục vụ điều trị, vừa học, vừa thực hành tại chỗ, bổ sung thêm 50 dân công, vừa tải thương, tải gạo, vừa làm hộ lý. Những ngày giữa đợt II, thương binh dồn dập về Bệnh viện K76B, bà Lê Thị Trà, cán bộ phụ nữ xã Bình Châu đã đến từng gia đình người Châu Ro, vận động chị em phụ nữ vào bệnh viện tiếp sức với hộ lý, lo cơm cháo và săn sóc các thương binh.

Cũng trong tháng 10/1964, Huyện ủy Châu Thành đã tích cực chỉ đạo chuẩn bị hậu cần cho chiến dịch. Các má, các chị ở xã Hòa Long, Long Phước, Long Tân, Ngãi Giao... tích cực ủng hộ tiền bạc, lúa, thuốc tây cho bộ đội. Chị Tàu Xển (người Hoa) làm quen với vợ tên Quận trưởng Đức Thạnh, dùng xe nhà binh chở gạo và thuốc tây vào căn cứ bán cho ta. Lúa gạo các nơi được đưa về các kho dùng tạm dọc lộ 2, các máy xay lúa ở Long Phước hoạt động cả ngày đêm suốt gần 1 tháng, các má, các chị đấu tranh với địch để được ra Long Điền, Bà Rịa mua từng cân muối, đôi pin, thuốc men... để đưa về phục vụ bộ đội. Chị Võ Thị Ngự đã nuôi giấu anh em cán bộ Đoàn hậu cần 84 tại nhà mình ròng rã suốt 1 năm, giúp Đoàn hậu cần 84 tổ chức thu mua lương thực lúa gạo tập trung cho xe chở vào ấp Bắc phục vụ Chiến dịch Bình Giã.

Chị em phụ nữ không kể già trẻ đều hết lòng ủng hộ chiến dịch. Bằng cách này cách khác, các má, các chị đã đóng góp một công lao không nhỏ trong công tác phục vụ hậu cần. Tại các vùng giải phóng, phụ nữ trong các Hội Mẹ chiến sĩ và Hội Phụ nữ các xã là những thành viên tích cực trong công tác vận động nhân dân huy động sức người, sức của phục vụ chiến dịch. Nhiều bà má chỉ giữ lại cho gia đình một lượng gạo đủ ăn trong một vụ còn lại đều bán cho bộ đội với giá rất rẻ cộng thêm các loại nhu yếu phẩm, thực phẩm hàng hóa, trái cây trong vườn.

Những ngày chuẩn bị hậu cần cho Chiến dịch Bình Giã trở thành ngày hội của nhân dân. Từ chiều đến đêm, trên các ngả đường xe hơi, xe máy kéo, xe lam, xe bò... tấp nập chở gạo, cá khô, thuốc tây... về nơi tập trung để các đội dân công và các đơn vị hậu cần chở về căn cứ. Nhiều má không quản tuổi cao, sức yếu như má Trần Thị Kỷ (má Bảy) ở Long Phước trực tiếp vận động các chị đóng góp mỗi người 2 lít gạo và 3 đồng tiền nuôi quân, má Năm Côm ở Hội Mỹ (Đất Đỏ) đã ở tuổi 55 nhưng vẫn xung phong gánh gần 60 lít gạo vượt qua trạm kiểm soát của địch đưa gạo vào căn cứ tiếp tế cho bộ đội, má Sáu Hối (Long Tân) khi đi mua đồ cho Bệnh viện Quân y cứu thương bị giặc bắt nhốt, tra tấn. Cuối cùng, chúng quẳng vào mặt má mấy miếng vải vụn rồi bảo má tự tẩm liệm cho mình. Sự hy sinh anh dũng của má để lại trong lòng đồng bào một niềm tiếc thương, kính phục…

VÂN ANH 

(Theo Ký ức phụ nữ miền Đông - NXB Đồng Nai)

;
.