Lễ hội đua ghe trên hồ Tầm Bó

Chủ Nhật, 24/11/2019, 19:27 [GMT+7]
In bài này
.

Sau 9 năm tổ chức, lễ hội đua ghe truyền thống hàng năm ở xã Quảng Thành, huyện Châu Đức đã tạo nên sân chơi lành mạnh, gắn kết tình làng nghĩa xóm, trở thành nét đẹp văn hóa đặc sắc của địa phương.

Các đội tham gia lễ hội đua ghe truyền thống xã Quảng Thành tranh tài ở các nội dung: đua Cúng, đua Tiền và đua Phá.
Các đội tham gia lễ hội đua ghe truyền thống xã Quảng Thành tranh tài ở các nội dung: đua Cúng, đua Tiền và đua Phá.

Lễ hội đua ghe truyền thống ở xã Quảng Thành được hình thành bởi sáng kiến của ông Lê Quang Cạnh, Trưởng ấp Tiến Thành, xã Quảng Thành. Ông Cạnh gốc người Quảng Trị, vào xã Quảng Thành lập nghiệp gần 40 năm nay, ông cũng là người dẫn dắt đội đua ghe của ấp Tiến Thành. Được biết, môn đua ghe xuất phát từ lễ hội dân gian ở các tỉnh, thành khu vực miền Trung, được ông Cạnh kiến nghị chính quyền khởi xướng, kêu gọi tổ chức thi đấu trên hồ Tầm Bó thuộc địa bàn xã Quảng Thành đã 9 năm qua.

Những năm đầu tiên, lễ hội đua ghe truyền thống được Trung tâm VH-TT-TT huyện Châu Đức phối hợp với UBND xã Quảng Thành tổ chức tại hồ Tầm Bó vào dịp Tết Nguyên đán. Nhưng vài năm gần đây, lễ hội này lại diễn ra vào tháng 4 nhằm chào mừng ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và Quốc tế lao động 1/5. Hàng năm, hoạt động thể thao đậm nét dân gian này thu hút sự tham gia của gần 200 tay chèo của 9 đội đua, đến từ các thôn, ấp của xã Quảng Thành để tranh tài ở 3 nội dung: đua Cúng, đua Tiền và đua Phá. Lộ trình đường đua gồm 3 vòng với tổng chiều dài 1.800m. Mỗi lần diễn ra lễ hội đã cuốn hút hàng ngàn người đến theo dõi, cổ vũ.

Lễ hội là hoạt động thể thao cộng đồng, nên giải thưởng mang ý nghĩa động viên tinh thần người tham gia. Trong đó, giải Cúng gồm cau trầu, rượu, trà (tương ứng với giải nhất - nhì - ba) là những sản vật đặt lên bàn thờ tạ ơn đất trời, tổ tiên cho mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no hạnh phúc. Còn giải Tiền khen thưởng cho đội xuất sắc nhất, số tiền thưởng nhiều hay ít tùy thuộc vào nguồn kinh phí vận động của Ban tổ chức giải và sự ủng hộ của các nhà tài trợ. Ở giải Phá, phần thưởng cho đội hạng nhất là 1 con heo và cờ hạng. “Con heo tượng trưng cho nghề nông. Sau khi đem về báo công ở đình làng, đội đoạt giải chia đều thịt heo cho các đội cùng chơi thưởng thức thành quả lao động do chính bàn tay mình làm ra”, ông Cạnh chia sẻ.

Gắn bó với lễ hội từ lúc bắt đầu cho đến nay, anh Nguyễn Văn Hà, một tay chèo của đội ấp Tiến Thành cho biết, các thành viên trong đội tuy ở nhiều độ tuổi và ngành nghề khác nhau, nhưng điểm chung là đều có niềm đam mê với môn thể thao này. Mỗi lần giải chuẩn bị diễn ra là mọi người lại sắp xếp công việc để bố trí thời gian tập luyện. Điều quan trọng để giành chiến thắng trong cuộc đua là cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các tay chèo và đặc biệt là vai trò người đứng mũi phía trước và người lái phía sau đuôi ghe. “Niềm vui lớn nhất đối với chúng tôi khi tham gia lễ hội không phải là những giải thưởng, mà muốn xây dựng nên nét văn hóa đặc trưng của quê hương Quảng Thành”, anh Hà nói.

Theo ông Nguyễn Đức Nhi, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thành, lễ hội đua ghe truyền thống xã Quảng Thành lần thứ 10 sẽ tiếp tục diễn ra trong tháng 4/2020, với sự tranh tài của 9 đội đua trong xã. “Lễ hội đua ghe năm 2020 hứa hẹn sẽ thêm phần hấp dẫn, kịch tính nhằm chào mừng 45 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và Quốc tế lao động 1/5. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần của bà con, làm phong phú thêm các loại hình sinh hoạt văn hoá thể thao cộng đồng ở địa phương”, ông Nhi nhận định.

        Bài, ảnh: TRẦN TRÀ

 
;
.