Những cửa tiệm lâu năm ở Bà Rịa - Vũng Tàu: Hủ tiếu gia truyền Tuyết Phương

Thứ Hai, 28/10/2019, 18:59 [GMT+7]
In bài này
.

Nằm trong con hẻm nhỏ nhưng quán hủ tiếu Tuyết Phương (322/22, Cách Mạng Tháng Tám, TP. Bà Rịa) vẫn luôn tấp nập khách. Là quán ăn đã được lưu truyền qua 3 thế hệ, khách của quán chủ yếu là khách quen.

Khách dùng hủ tiếu tại quán Tuyết Phương.
Khách dùng hủ tiếu tại quán Tuyết Phương.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Phương (SN 1964), chủ quán hủ tiếu Tuyết Phương kể lại, ông bà ngoại bà là những người khai sinh quán hủ tiếu của gia đình từ năm 1972 tại chợ Bà Rịa. Thời điểm đó, tại Bà Rịa, quán hủ tiếu của ông bà ngoại bà Phương có mặt sớm nhất. Nhưng ông bà chưa đặt tên cho quán. Khi lớn tuổi, ông bà để lại quán cho ba mẹ bà Phương. Từ lúc 14 tuổi, bà Phương đã theo ba mẹ phụ quán và bắt đầu học nghề. Mấy năm sau, ba mẹ bà đi định cư ở nước ngoài nên quán được truyền lại cho bà. Thời điểm đó, quán được chuyển về đường Thành Thái (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám). Một thời gian sau, quán tiếp tục chuyển về địa chỉ như hiện tại và đặt tên quán là hủ tiếu Tuyết Phương. Từ đó đến nay, bà Phương vẫn duy trì các món truyền thống từ hồi ông bà ngoại để lại như: Hủ tiếu mì nạc, hủ tiếu mì giò, hủ tiếu mì hoành xương... Quán phục vụ khách từ 6 giờ đến 9 giờ 30 và 15 giờ 30 đến 21 giờ hàng ngày, với giá từ 30-65 ngàn đồng/tô.

Không gian quán khá nhỏ, mát mẻ, sạch sẽ, bài trí gọn gàng với 10 bộ bàn inox và quán vẫn có lượng khách ổn định từ nhiều năm nay. Theo bà Phương, để chế biến được món ăn ngon, phải chọn những thực phẩm, gia vị phù hợp. Từ nhiều năm qua, quán vẫn duy trì những bí quyết riêng trong chế biến món ăn. Chẳng hạn, thịt và xương phải chọn những phần ngon, chặt ra từng miếng vừa phải, ngâm muối, sau đó vớt ra ướp gia vị, chế biến theo phương pháp truyền thống của gia đình. Muốn có nồi nước dùng ngon, đậm đà, thịt mềm, sau khi ướp đầy đủ gia vị thì thịt và xương được ninh khoảng 90 phút. Hoặc như mì, gia đình làm thủ công từ bột mì nhập ngoại kết hợp với trứng gà… nên sợi mì dai và thơm. “Quán có 8 người làm, chủ yếu là những thành viên trong gia đình, nên quá trình chế biến món ăn luôn giữ được hương vị riêng, truyền thống từ thời ông bà. Có nhiều khách ăn hủ tiếu của quán từ hồi còn trẻ đến bây giờ vẫn là khách quen và không ngán”, bà Phương nói.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Phương chuẩn bị nguyên liệu phục vụ thực khách. Ảnh: HỒNG PHƯƠNG
Bà Nguyễn Thị Tuyết Phương chuẩn bị nguyên liệu phục vụ thực khách. 

Cứ 2-3 ngày, bà Nguyễn Thị Thọ (70 tuổi, 2161B, Hương lộ 10, phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa) lại dẫn con, cháu đến quán hủ tiếu Tuyết Phương ăn sáng. “Tôi ăn hủ tiếu nhà cô Phương từ hồi ba mẹ cô ấy còn bán cho đến nay. Nước dùng ngọt và béo từ xương chứ không phải từ bột ngọt, mì dai, thịt mềm nên ăn rất vừa miệng”, bà Thọ cho biết. Gia đình ở xã Hòa Long (TP. Bà Rịa), nhưng đến ngày cuối tuần, vợ chồng bà Lý Ngọc Mỹ (58 tuổi) lại đến quán hủ tiếu Tuyết Phương ăn sáng. Bà Mỹ cho hay, bà ăn hủ tiếu của quán hơn 10 năm nay. “Không gian quán tuy nhỏ, nhưng sạch sẽ, thức ăn được chế biến hợp khẩu vị”, bà Mỹ nhận xét.

Hiện tại, mỗi ngày quán bán ra từ 300-400 tô. Bên cạnh kinh doanh để duy trì cuộc sống cho gia đình, bà Phương còn trích khoảng 100 triệu đồng/năm từ lợi nhuận của việc bán hàng để hỗ trợ, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, người bị bệnh tật, trong đó có nhiều bệnh nhân nghèo. Ông Phan Minh Hiếu, phụ trách bộ phận công tác xã hội Bệnh viện Bà Rịa cho biết, mỗi khi biết có bệnh nhân đang điều trị ở bệnh viện gặp khó khăn, không đủ tiền chi trả viện phí, bà Phương luôn nhiệt tình ủng hộ, giúp đỡ 1 triệu đồng/trường hợp. Bà Phương bắt đầu giúp đỡ cho các bệnh nhân của Bệnh viện Bà Rịa từ đầu năm đến nay. Qua đó, giúp cho nhiều bệnh nhân của bệnh viện có thêm chi phí điều trị.

Bà Phương chia sẻ thêm: “Năm nay, tôi cũng đã 56 tuổi. Tôi gắn bó với nghề hơn 40 năm nay. Tôi đang dự tính qua năm 2020 sẽ bàn giao cho con gái lớn tiếp quản và duy trì quán truyền thống của gia đình. Tôi sẽ dành thời gian để nghỉ ngơi và tham gia các hoạt động từ thiện”.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

;
.