NHỮNG SẢN VẬT NỔI TIẾNG CỦA BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Ca cao thượng hạng và câu chuyện 20 năm thăng trầm - Kỳ 2: Vươn ra thị trường thế giới

Chủ Nhật, 29/09/2019, 18:51 [GMT+7]
In bài này
.

Những người tiên phong theo đuổi niềm đam mê hương vị tuyệt hảo của ca cao BR-VT cuối cùng đã có những thành công bước đầu. Thương hiệu ca cao BR-VT từng bước “hồi sinh” và vươn ra thị trường thế giới.

Ông Trịnh Văn Thành (thứ 2 từ phải sang), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Binon  ca cao (ấp Liên Hiệp, xã Xà Bang, huyện Châu Đức) giới thiệu quy trình lên men của hạt ca cao.
Ông Trịnh Văn Thành (thứ 2 từ phải sang), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Binon ca cao (ấp Liên Hiệp, xã Xà Bang, huyện Châu Đức) giới thiệu quy trình lên men của hạt ca cao.

Đối với Công ty TNHH Ca cao Thành Đạt (nay là Công ty CP Binon ca cao) câu chuyện xây dựng thương hiệu ca cao và chocolate khá thú vị. Anh Trịnh Văn Thành cho biết, ngoài việc phát triển diện tích, giai đoạn 2007-2012, anh đã nghiên cứu để chế biến các sản phẩm từ ca cao. Năm 2009, Công ty TNHH ca cao Thành Đạt ra đời và đã có những bước phát triển lớn. Không chỉ thành lập HTX để chuẩn hóa quy trình canh tác, Công ty đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ ca cao của nông dân với giá 60.000 đồng/kg hạt khô lên men. Đến nay, công ty đã liên kết, thu mua ca cao của nông dân với tổng diện tích 200ha, sản lượng 400 tấn hạt khô mỗi năm. Mặt khác, công ty còn xây dựng nhà máy chế biến với dây chuyền sản xuất, lên men đạt chuẩn ISO 9001-2000 tại xã Xà Bang. Nhà máy này có thể sản xuất các sản phẩm như: bột ca cao, bơ ca cao, rượu ca cao, chocolate. Hiện nay, mỗi năm Công ty Thành Đạt xuất khẩu sang Hà Lan, Mỹ 200 tấn các sản phẩm kể trên. Bên cạnh đó, mỗi tháng, Công ty cũng xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản 29 tấn hạt ca cao rang, thổi vỏ (cocoa nibs) và ca cao nhão (coca mass). Công ty cũng đạt được thỏa thuận xuất khẩu các sản phẩm làm từ ca cao sang thị trường Nga. “Sau khi thành công trong chế biến chocolate, tôi tiếp tục có ý tưởng và bắt tay vào làm dự án du lịch nông nghiệp Công viên ca cao tại xã Xà Bang, huyện Châu Đức nhằm quảng bá loại nông sản này đến nhiều người hơn. Tôi đã liên kết với Công ty CP cao su Bà Rịa, 2 công ty chế biến chocolate của Nhật bản để thành lập Công ty CP Binon Ca Cao”, anh Thành thông tin.

Còn anh Hồ Sĩ Bảo lại chọn cho mình hướng đi là làm chocolate thủ công. Từng mất 3 năm mày mò, tìm hiểu để lên men trái ca cao và các sản phẩm chocolate hữu cơ thủ công và từng trải qua không ít thất bại, anh Hồ Sĩ Bảo đã xây dựng được thương hiệu ca cao cho riêng mình và anh chọn tên BAPULA. Anh Bảo giải thích: Chữ “BA” là hai chữ cái đầu tiên trong tên BR-VT và cũng là tên anh “BẢO”, chữ “PULA” có nghĩa là “PHÚC LÂM”, là phúc của núi rừng nơi anh ở, vừa là tên các con anh. Và ý nghĩa sâu xa là tạo ra một thương hiệu chocolate cha truyền con nối với giá trị lâu dài, bền vững. Năm 2017, sản phẩm bột ca cao Bapula chính thức ra mắt thị trường BR-VT, được hệ thống Coop food phân phối. Bột ca cao Bapula sản xuất thủ công rang xay, chú trọng chất lượng, không kiềm hóa nên giữ được toàn bộ hương vị đặc trưng của ca cao, khác biệt hoàn toàn với cacao ở thị trường Việt Nam. Ngoài bột ca cao, anh nghiên cứu và cho ra đời dòng sản phẩm chocolate 68%, 72%, 92%. Tháng 9-2017, duyên số cho anh gặp Tập đoàn chocolate Meiji (Nhật Bản) khi họ đến BR-VT tham quan vườn ca cao. Sau khi thăm trang trại và nhà máy, nghe câu chuyện của anh, tập đoàn quyết định hỗ trợ kỹ thuật làm chocolate thủ công cho Bapula.

Nhân Viên  Công ty CP Binon ca cao (ấp Liên Hiệp, xã Xà Bang) hướng dẫn khách du lịch trải nghiệm làm chocolate. Ảnh: QUANG VŨ
Nhân Viên Công ty CP Binon ca cao (ấp Liên Hiệp, xã Xà Bang) hướng dẫn khách du lịch trải nghiệm làm chocolate. Ảnh: QUANG VŨ

Sau khi đã có công thức làm chocolate và tự tin vào chất lượng sản phẩm của mình nên anh Bảo quyết tâm đưa thương hiệu chocolate Bapula đi thi chocolate quốc tế. Tháng 9/2018, sản phẩm chocolate Organic Bà Rịa 92% của Bapula giành giải Bạc ở cuộc thi Chocolate khu vực châu Á - Thái Bình Dương (tại Đài Loan) và sản phẩm tiếp tục giành giải Đồng của cuộc thi này được tổ chức ở Ý. Tháng 4/2019, Tập đoàn Cpoint Nhật Bản và Công ty TNHH Mặt trời đỏ (đại diện của Cpoint tại Việt Nam) đã quyết định xây dựng và phát triển thương hiệu Chocolate Bapula tại thị trường Nhật Bản. Tháng 5/2019, sản phẩm Bapula đạt hai chứng nhận, chứng nhận thực phẩm hữu cơ của Mỹ (USDA) và chứng nhận thực phẩm hữu cơ của Nhật (JAS). Đây là hai chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ với điều kiện nghiêm ngặt. Ông Hiroki Nozawa, Giám đốc Tập đoàn Cpoint Corporation (Nhật Bản) cho biết, ông và các đối tác, bạn bè tại Nhật Bản đánh giá cao về chất lượng sản phẩm chocolate hữu cơ của Bapula. Với sản phẩm chocolate nguyên chất, cacao trồng theo hướng hữu cơ an toàn và tốt cho sức khỏe, hướng sản xuất hữu cơ này đã đạt được những tiêu chí khắt khe của khách hàng Nhật Bản đề ra. Chính vì vậy, phía Tập đoàn Cpoint Corporation (Nhật Bản) đã quyết định chọn sản phẩm chocolate của Bapula.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU, QUANG VINH

;
.