Nhà hoạt động cách mạng Dương Bạch Mai - Người con ưu tú của BR-VT - Kỳ 3: Viết tiếp trang sử vẻ vang

Thứ Ba, 10/09/2019, 19:47 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp bước truyền thống, thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục thay ông-nhà hoạt động cách mạng kiên trung, bất khuất Dương Bạch Mai viết tiếp trang sử vẻ vang bằng sự nỗ lực trong học tập, rèn luyện và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. 

Đoàn lãnh đạo huyện Đất Đỏ, xã Long Mỹ và người thân nhà cách mạng  Dương Bạch Mai thắp nhang trước phần mộ liệt sĩ Dương Bạch Mai tưởng nhớ ông nhân dịp Quốc khánh 2/9.
Đoàn lãnh đạo huyện Đất Đỏ, xã Long Mỹ và người thân nhà cách mạng Dương Bạch Mai thắp nhang trước phần mộ liệt sĩ Dương Bạch Mai tưởng nhớ ông nhân dịp Quốc khánh 2/9.

Theo chân cán bộ xã Long Mỹ, chúng tôi đến thăm bà Nguyễn Hồng Ngọc (người cháu gọi ông Dương Bạch Mai bằng cậu) năm nay đã 88 tuổi. Ngôi nhà của bà nằm cách khu mộ Dòng tộc họ Dương vài bước chân, dưới tán cây xanh mát. Trong căn nhà ấy, chỉ có mình bà Ngọc (hay còn gọi là dì Hai) sinh sống. 

Dì Hai kể, ông Dương Bạch Mai thoát ly gia đình từ rất sớm. Ông đi học bên Pháp rồi về tham gia cách mạng ở Sài Gòn và địa phương. Dù sớm qua đời khi chưa kịp thấy ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, thống nhất và sự đổi mới của tỉnh BR-VT trong những năm gần đây nhưng đối với cán bộ và nhân dân BR-VT, nhà cách mạng Dương Bạch Mai luôn là người cán bộ đầy bản lĩnh, cương trực, thẳng thắn và năng động. Ông là người học rộng biết nhiều nhưng lại rất gần gũi, luôn sống hết mình với đồng chí, đồng bào địa phương. “Trong những năm tháng ít ỏi cậu Dương Bạch Mai trở về nhà, chúng tôi ít có dịp được trò chuyện cùng cậu. Nhưng những lần về nhà ít ỏi đó có những chuyện khiến tôi xúc động và nhớ mãi tới giờ. Hồi tôi 14-15 tuổi, mẹ tôi có may cho cậu Dương Bạch Mai chiếc áo để thay đổi. Nhưng thấy cậu mặc hoài một cái áo, mẹ tôi hỏi chiếc áo còn lại đâu, thì cậu trả lời đã cho anh em trong đội. Mẹ tôi lúc đó chỉ biết quay mặt đi lau vội giọt nước mắt. Tôi đứng cạnh bên nghe vậy chỉ thấy thương cậu. Hay lần khác cậu và các đồng đội về Long Điền, trốn trong núi, cứ cách một ngày tôi lại gánh gạo lên núi tiếp tế cho cậu”, dì Hai bùi ngùi kể. 

Sau những năm tháng đấu tranh, tham gia công tác rồi qua đời ở Hà Nội, năm 1995, dì Hai và địa phương đã ra Hà Nội đưa thi hài của ông về đặt trong khu mộ dòng họ Dương tại Long Mỹ theo ước nguyện của ông. 

Ông Huỳnh Văn Quân, Bí thư Đảng ủy xã Long Mỹ cho biết: Sau khi hòa bình lập lại, người dân Long Mỹ, huyện Đất Đỏ đã nỗ lực xây dựng kinh tế, đưa Long Mỹ ngày càng phát triển. Tiếp tục phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng của cha anh đi trước và nhà cách mạng Dương Bạch Mai, nhân dân Long Mỹ đã và đang ra sức lao động, sản xuất, thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”. Bên cạnh các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, công tác chăm lo đời sống vật chất cho gia đình có công với cách mạng nói chung và thân nhân nhà cách mạng Dương Bạch Mai nói riêng đều được xã và huyện quan tâm. Hàng năm, vào các dịp lễ lớn như 30/4, 27/7, 2/9… lãnh đạo tỉnh, huyện, xã đều đến thăm hỏi, động viên dì Hai và chăm sóc phần mộ của ông Dương Bạch Mai. Xã cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thống nhằm ôn lại quá khứ hào hùng và những đóng góp của ông Dương Bạch Mai trong sự nghiệp giải phóng dân tộc nói chung và địa phương nói riêng cho thế hệ trẻ. 

Để tưởng nhớ công lao của nhà cách mạng Dương Bạch Mai, năm 2006, huyện Đất Đỏ đã thành lập Trường THPT Dương Bạch Mai trên cơ sở tách từ Trường THPT Đất Đỏ. Trải qua 13 năm thành lập và tiếp bước truyền thống của nhà cách mạng Dương Bạch Mai, thầy và trò Trường THPT Dương Bạch Mai đã nỗ lực không ngừng trong dạy và học. Chất lượng giáo dục được nâng lên qua từng năm. Ông Nguyễn Văn Tú, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2019-2020, nhà trường tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục, đào tạo nhằm xây dựng hiệu quả phong trào xây dựng nhà trường thân thiện, học sinh tích cực và cuộc vận động mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, sáng tạo. Bên cạnh đó, nhằm tiếp bước truyền thống của anh hùng dân tộc nói chung và nhà cách mạng Dương Bạch Mai nói riêng, hàng năm nhà trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, nói chuyện truyền thống nhằm giáo dục cho các thế hệ HS biết về cuộc đời và sự nghiệp của anh hùng Dương Bạch Mai; tổ chức cho các em đến viếng, chăm sóc khu mộ của ông và gia đình, thăm và giúp đỡ bà Nguyễn Hồng Ngọc, cháu của ông. 

ĐÔNG HIẾU 

;
.