.

Sát cánh cùng doanh nghiệp khởi nghiệp

Cập nhật: 17:31, 17/01/2024 (GMT+7)

Để giúp DN nhỏ và vừa khởi nghiệp và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ trong giai đoạn 2023-2025 với nhiều cơ chế, chính sách được đổi mới và thiết thực.

Công ty Hiệp lực phát triển Việt đã được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ gói khởi nghiệp về đào tạo, huấn luyện 45 triệu đồng trong năm 2023.
Công ty Hiệp lực phát triển Việt đã được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ gói khởi nghiệp về đào tạo, huấn luyện 45 triệu đồng trong năm 2023.

Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp

Là du học sinh ở Nhật, bức xúc vì các loại phở ăn liền trong siêu thị Nhật chỉ có hàng Thái Lan, không có của Việt Nam, khi về nước, vợ chồng chị Mai Thị Thu Trang (SN 1995) quyết định khởi nghiệp ở lĩnh vực sản xuất hàng khô đóng gói. Anh chị thành lập Công ty K-Products (trụ sở tại TP.Vũng Tàu) ngay trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Lúc ấy, anh chị nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng của người dân đã thay đổi, nhu cầu về thực phẩm tiện lợi, dễ dùng tăng lên.

Từ đó, kết hợp với việc đẩy mạnh chất lượng sản phẩm ở khâu bảo quản, K-Products đã phát triển mạnh mẽ các sản phẩm khô ăn liền đặc trưng của Việt Nam như: phở bò, gà, bún bò Huế, bún riêu cua, cá kho làng Vũ Đại, cá nục kho tiêu… không chỉ ở thị trường trong nước (bán online qua Shopee) mà còn xuất khẩu sang Nhật, Đài Loan, Úc.

“Chúng tôi chọn chinh phục thị trường Nhật Bản trước rồi mới đến thị trường trong nước và các nước khác. Nhật Bản là một trong những thị trường khó tính nhất về an toàn vệ sinh thực phẩm. Bước khởi đầu rất gian nan nhưng đây là con đường phát triển bền vững. Bởi, chinh phục được một trong những ngọn núi cao nhất rồi thì các ngọn núi khác sẽ dễ dàng hơn”, CEO K-Products Trần Bảo Khánh chia sẻ.

Sau khi đơn hàng đầu tiên được chấp nhận (tháng 7/2022), K-Products đã liên tiếp đưa ra các sản phẩm mới, thâm nhập sâu vào hệ thống nhà hàng, khách sạn, quán cà phê ở Nhật Bản. Số lượng đơn hàng xuất khẩu qua Nhật ngày càng tăng, bình quân 3 tháng 1 container. Đến nay, giá trị hàng xuất khẩu qua Nhật đã vượt con số 1 tỷ đồng.

Thừa thắng xông lên, công ty đẩy mạnh tham gia hội chợ, triển lãm thực phẩm và đồ uống của các nước trong khu vực và quốc tế, mở rộng thêm nhiều thị trường mới ở Mỹ, Canada, Úc, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… Doanh thu cũng tăng trưởng tốt, năm 2022 đạt 600 triệu đồng, năm 2023 lên 4 tỷ đồng.

DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp được hỗ trợ 50% chi phí thuê mặt bằng, 100% chi phí sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật, khu ươm tạo, làm việc chung; hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ trong nước (50% ở nước ngoài), bản thiết kế kiểu dáng công nghiệp, hệ thống nhận diện thương hiệu; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, hệ thống quản lý chất lượng.
DN cũng được hỗ trợ 50% chi phí thử nghiệm mẫu phương tiện đo, kiểm định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ công nghệ và đào tạo, huấn luyện chuyên sâu trong nước và ngắn hạn ở nước ngoài; hỗ trợ về thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, nhất là việc xây dựng tài khoản và giao dịch bán hàng qua các sàn thương mại điện tử…

Nhu cầu tăng đòi hỏi công ty phải mở rộng nhà xưởng sản xuất. Tháng 3/2023, công ty kêu gọi thành công quỹ đầu tư tham gia góp vốn, xây dựng thêm một nhà máy sản xuất ở Quảng Nam với diện tích 4.000m2. Công suất sản xuất tăng lên gấp 10 lần, từ 1.500 sản phẩm/ngày lên 15.000 sản phẩm/ngày.

“Với một DN tuổi đời còn non trẻ như thế, lại phát triển khá nhanh, chúng tôi lo lắng cho nội lực, năng lực vận hành công ty của mình khó theo kịp. Vợ chồng tôi cũng còn khá yếu về khâu marketing, phát triển thương hiệu, bảo hộ sản phẩm…”, chị Mai Thị Thu Trang tâm sự.

Từ lo lắng đó, anh chị đã tìm đến sự giúp đỡ của Sở KH-CN. Văn phòng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Sở KH-CN đã cử chuyên gia đến tư vấn, hỗ trợ vợ chồng chị Thu Trang trong khâu vận hành và phát triển DN. Các chuyên viên của văn phòng cũng tư vấn cho chị làm hồ sơ hưởng chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cho DN nhỏ và vừa của tỉnh. Cụ thể là gói hỗ trợ 79 triệu đồng cho các nội dung đăng ký kiểu dáng công nghiệp, bảo hộ nhãn hiệu và hỗ trợ marketing, quảng cáo, thiết kế bao bì.

Các sản phẩm ăn liền và nước dùng của K-Products bày bán trên kệ hàng của siêu thị Nhật Bản.
Các sản phẩm ăn liền và nước dùng của K-Products bày bán trên kệ hàng của siêu thị Nhật Bản.

Chính sách kịp thời, thiết thực

Theo Sở KH-CN, thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ hơn 300 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức hội nghị, sự kiện tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về khởi nghiệp cho hơn 10.000 lượt đại biểu là đại diện cơ quan, tổ chức và DN, cá nhân khởi nghiệp, giảng viên, SV. Trên địa bàn tỉnh hiện có 110 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và 3 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.

Việc xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thời gian qua luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo sát sao. Nhiều chính sách hỗ trợ được tỉnh ưu tiên cho DN khởi nghiệp. Đặc biệt, UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định 3641/QĐ-UBND về Kế hoạch hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tỉnh giai đoạn 2023-2025 với nhiều hỗ trợ thiết thực, được bổ sung theo yêu cầu phát triển mới.

“Điểm mới là chương trình hỗ trợ đào tạo cho DN, ngân sách Nhà nước chi 100% và đào tạo theo nhu cầu của DN. Chương trình linh hoạt, đào tạo ngắn hạn, dài hạn hoặc đào tạo chuyên sâu 1 chuyên gia kèm 1 DN, nội dung theo đơn đặt hàng và đơn giá DN đưa ra”, ông Trần Duy Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN chia sẻ.

Bài, ảnh: NGUYÊN MINH

.
.
.