.
CẤP THIẾT XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN BẰNG CÔNG NGHỆ HIỆN ĐẠI

Kỳ 2: Hướng đến mục tiêu lâu dài và bền vững

Cập nhật: 17:56, 26/11/2023 (GMT+7)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

Trước đây, công nghệ xử lý chất thải chưa phổ biến, việc chôn lấp rác tạm là giải pháp tình thế. Về lâu dài, Bà Rịa-Vũng Tàu cần phải tính toán đến những giải pháp căn cơ: phân loại rác tại nguồn, tái chế chất thải, làm phân bón hữu cơ, phát điện…

Ngay sau khi tỉnh kêu gọi đầu tư, Công ty TNHH Harvest Waste B.V (Hà Lan) đã đến Bà Rịa - Vũng Tàu để báo cáo lãnh đạo tỉnh về dự án nhà máy xử lý CTRSH sử dụng công nghệ đốt và phát điện.
Công ty TNHH Harvest Waste B.V (Hà Lan) báo cáo lãnh đạo tỉnh về dự án nhà máy xử lý CTR sinh hoạt sử dụng công nghệ đốt và phát điện.

Vì sao chưa có dự án xử lý?

Theo Sở Xây dựng, quy hoạch xử lý chất thải rắn (CTR) tỉnh đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1880/QĐ-UBND ngày 20/8/2013. Theo đó, việc xử lý CTR được quy hoạch tại 4 khu vực: Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (TX.Phú Mỹ), Khu xử chất thải tập trung Láng Dài (huyện Đất Đỏ), Dự án nhà máy xử lý CTR sinh hoạt tại huyện Côn Đảo, Dự án nhà máy xử lý và tái chế bụi lò thép của Công ty TNHH Zinc Oxide tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 (TX.Phú Mỹ). Ngoài ra, tại KCN Phú Mỹ 1 còn có 2 nhà máy tái chế xỉ thép đã được cấp phép hoạt động.

Lộ trình chuyển đổi công nghệ xử lý CTR sinh hoạt được đặt ra khá sớm, từ Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 27/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác bảo vệ môi trường tỉnh đến năm 2020. Tuy nhiên, theo Sở TN-MT, đến nay, việc chuyển đổi hình thức xử lý CTR sinh hoạt từ chôn lấp sang công nghệ đốt tái chế vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực của các chủ đầu tư còn hạn chế và do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19, chủ đầu tư gặp khó khăn, dẫn đến chậm tiến độ thực hiện đầu tư dự án. Ngoài ra, chi phí đầu tư nhà máy đốt rác phát điện với công nghệ tiên tiến, hiện đại rất lớn, cần nhiều kinh nghiệm, làm chủ công nghệ xử lý chất thải.

Trong khi các dự án xử lý chất thải khác chưa đưa vào hoạt động, xử lý CTRSH đang phải tập trung xử lý tại một nơi duy nhất là Công ty TNHH Kbec Vina.
Trong khi các dự án xử lý chất thải khác chưa đưa vào hoạt động, CTR sinh hoạt đang được xử lý tại nơi duy nhất là Công ty TNHH Kbec Vina.

Đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có Công ty TNHH Kbec Vina là đơn vị xử lý CTR sinh hoạt cho 7 đơn vị hành chính ở đất liền nhưng DN này lại thường xuyên sai phạm trong hoạt động bảo vệ môi trường. Tháng 9/2023, Công ty TNHH Kbec Vina bị phạt hơn 1,5 tỷ đồng do xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường. Trước đó, ngày 21/3, công ty này đã bị phạt gần 1,3 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng, Công ty TNHH Kbec Vina đã bị xử phạt khoảng 2,8 tỷ đồng do xả thải trái phép ra môi trường và phải đình chỉ hoạt động một số hệ thống. Điều này đồng nghĩa với việc, áp lực xử lý CTR sinh hoạt của tỉnh càng nặng nề.

ÔNG NGUYỄN VĂN THỌ, CHỦ TỊCH UBND TỈNH

Huy động tối đa nguồn lực, chuyển đổi mô hình xử lý chất thải

Việc xử lý CTR sinh hoạt là một trong những thách thức hiện nay, bởi thực trạng xử lý chôn lấp vừa gây ô nhiễm nguồn nước, vừa lãng phí nguồn tài nguyên. Do vậy, thời gian tới, ngoài việc huy động mọi nguồn lực đầu tư, tăng cường xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng CTR sinh hoạt, UBND tỉnh giao các sở, ngành và các địa phương tiếp tục đồng hành cùng DN để tháo gỡ khó khăn trong các thủ tục liên quan đến đầu tư dự án xử lý CTR sinh hoạt; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về phòng ngừa, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý CTR sinh hoạt, rác thải nhựa khó phân hủy, hình thành lối sống thân thiện với môi trường.

Kêu gọi dự án công nghệ cao

Theo ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1782/QĐ-UBND về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà máy xử lý CTR sinh hoạt bằng công nghệ đốt, phát điện trong Khu xử lý chất thải tập trung tại xã Tóc Tiên và dự án nhà máy xử lý CTR sinh hoạt bằng công nghệ đốt tại huyện Côn Đảo.

Quy định này nêu rõ tiêu chí lựa chọn một nhà đầu tư thực hiện 2 dự án tại 2 địa điểm là xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ và huyện Côn Đảo (gọi chung là dự án xử lý CTRSH tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).

Công ty TNHH liên tục vi phạm về hoạt động bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Lực lượng chức năng lấy mẫu nước thải do Công ty TNHH Kbec Vina xả thải ra môi trường.
Công ty TNHH liên tục vi phạm về hoạt động bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Lực lượng chức năng lấy mẫu nước thải do Công ty TNHH Kbec Vina xả thải ra môi trường.

Theo yêu cầu của UBND tỉnh, các tổ chức tham gia tuyển chọn thực hiện dự án nhà máy xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt, phát điện trong Khu xử lý chất thải tập trung tại xã Tóc Tiên phải đảm bảo các điều kiện như: Diện tích sử dụng đất xây dựng nhà máy khoảng 5ha. Ưu tiên dự án có thiết kế xây dựng công trình và công nghệ ứng dụng sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. Công suất xử lý khoảng 1.000 tấn CTRSH/ngày đêm. CTRSH được vận chuyển đến cung cấp phục vụ cho hoạt động xử lý của dự án có phạm vi thu gom được yêu cầu giới hạn trong địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu…

Đối với dự án Nhà máy xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt tại huyện Côn Đảo, nhà đầu tư được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng thầu dự án nhà máy xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt, phát điện trong Khu xử lý chất thải tập trung tại xã Tóc Tiên có trách nhiệm đầu tư dự án nhà máy xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt tại huyện Côn Đảo sau khi thủ tục chuyển đổi đất rừng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Rác thải sinh hoạt được tập trung về Công ty TNHH Kbec Vina với khối lượng trung bình 900-1.000 tấn/ngày.
Rác thải sinh hoạt được tập trung về Công ty TNHH Kbec Vina với khối lượng trung bình 900-1.000 tấn/ngày.

Giữa tháng 10 vừa qua, Công ty TNHH Harvest Waste B.V (Hà Lan) đã đến Bà Rịa-Vũng Tàu để báo cáo lãnh đạo tỉnh về dự án nhà máy xử lý CTRSH sử dụng công nghệ đốt và phát điện tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên.

Ông Evert Lichtenbelt, Giám đốc điều hành công ty cho biết, đã nộp hồ sơ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng hoàn toàn bằng nguồn vốn của DN. Dự án sẽ xây dựng và vận hành một cơ sở chuyển chất thải thành năng lượng (WtE) sử dụng công nghệ WtE hiệu quả cao (HE) của Harvest Waste B.V, được Ủy ban châu Âu chứng nhận về hiệu suất phát điện và lượng phát thải.

Mục tiêu của dự án là xử  lý bền vững ít nhất 1.000 tấn/ngày chất thải rắn đô thị và chất thải công nghiệp còn lại tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Dự án sẽ tạo ra khoảng 25MW điện cơ bản, sẽ được bán cho EVN và dự án sẽ tuân theo các tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt của châu Âu. Ông Evert Lichtenbelt cũng cam kết, sau khi đầu tư, mức phí xử lý rác của công ty dành cho Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ bằng 50% phí xử lý rác hiện tại mà tỉnh đang phải trả để chôn lấp.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.