.

Quản lý, kiểm soát tốt tàu đánh bắt trên biển

Cập nhật: 19:58, 28/09/2023 (GMT+7)

Sáng 28/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc kiểm tra công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 4.

Tàu kiểm ngư Chi cục Thủy sản tuần tra trên biển kiểm tra IUU. Ảnh: Chi cục Thủy sản cung cấp
Tàu kiểm ngư Chi cục Thủy sản tuần tra trên biển kiểm tra IUU. Ảnh: Chi cục Thủy sản cung cấp

Xử lý vi phạm còn hạn chế

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư Bộ NN-PTNT thông tin kế hoạch đón Đoàn thanh tra EC lần thứ 4, dự kiến qua Việt Nam làm việc từ ngày 10-18/10. Nội dung làm việc của Đoàn thanh tra EC là kiểm tra kết quả triển khai các khuyến nghị của EC về IUU trong kỳ kiểm tra trước, trong đó tập trung vào công tác kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu cá ra vào cảng và hoạt động trên biển, kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Từ đó, EC sẽ đưa ra kết luận có thể gỡ bỏ hoặc duy trì cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam.

Theo Cục Thủy sản, tổng số tàu cá trên cả nước hiện có hơn 86.000 chiếc, trong đó còn 11.532 tàu cá chưa đăng ký giấy phép. Tính đến ngày 29/8/2023, số tàu cá trên 15m đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) đạt 97,86% (28.753/29.381 chiếc). Ông Vũ Duyên Hải, Trưởng phòng Khai thác thủy sản Cục Thủy sản cho biết, tính đến nay cả nước còn 550 trường hợp mất kết nối máy GSHT trên 10 ngày chưa xử lý, trong đó nhiều nhất là Nghệ An (58 trường hợp), Quảng Ngãi (50 trường hợp),… Cục Thủy sản đã yêu cầu các tỉnh, thành rà soát, kiểm tra lại tất cả các tàu cá chưa đăng ký giấy phép, tàu chưa lắp máy GSHT, các trường hợp vi phạm mất kết nối máy GSHT trên 10 ngày và xử lý ngay, triệt để trước khi Đoàn EC qua Việt Nam. Đoàn thanh tra EC sẽ làm việc trực tiếp trên phần mềm xử lý vi phạm của Việt Nam nên Cục đề nghị các địa phương khi xử lý vi phạm phải cập nhật ngay vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

Một trong những nội dung quan trọng mà Đoàn EC sẽ kiểm tra đợt thanh tra tháng 10 tới là việc thực thi pháp luật của các địa phương, ban ngành trong việc xử phạt các vi phạm IUU. Hiện việc xử phạt các vi phạm mất kết nối máy GSHT trên 10 ngày của các địa phương còn thấp, chỉ đạt từ 17-19%, còn lại phần lớn là nhắc nhở, không có xử phạt. Tương tự việc xử phạt còn rất thấp ở vi phạm tàu đánh bắt ở vùng biển nước ngoài.   

Đại diện cơ quan thanh tra Bộ NNPTNT cũng thông tin, EC khuyến nghị Việt Nam lưu ý kiểm soát hàng container nhập khẩu, xuất khẩu và đã có trường hợp DN trộn lẫn nguyên liệu thủy sản khai thác trong nước và nguyên liệu nhập khẩu để chế biến và xuất khẩu. Từ đó khiến cho việc truy xuất nguồn gốc bị sai lệch.

Cán bộ Phòng Kiểm ngư theo dõi tàu cá hoạt động ngoài khơi qua hệ thống máy giám sát hành trình tại Chi cục Thủy sản.
Cán bộ Phòng Kiểm ngư theo dõi tàu cá hoạt động ngoài khơi qua hệ thống máy giám sát hành trình tại Chi cục Thủy sản.

Khó xử lý khi tàu cá đánh bắt ở địa phương khác

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Công Vinh cho biết, qua các đợt kiểm tra của Bộ NN-PTNT, sau đề xuất của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, Bộ đã đưa 2/5 cảng cá ra khỏi danh sách cảng cá được phép xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác do việc thực hiện xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác chưa đảm bảo tính hợp pháp theo quy định. 3 cảng cá còn lại và các địa phương có biển, tỉnh tổ chức kiểm tra thường xuyên và đột xuất hàng tuần về công tác IUU; hướng dẫn, chấn chỉnh các sai phạm trong ghi nhật ký khai thác, xác nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc hải sản. Các lực lượng chức năng trên biển và trong đất liền kiểm tra thường xuyên, khi phát hiện có vi phạm là xử lý ngay, chấm dứt tình trạng tàu cá vượt ranh giới qua vùng biển nước ngoài và bảo đảm 100% tàu cá trên 15m bật kết nối máy GSHT 24/7 trong quá trình đi biển.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu các địa phương, cảng cá thực hiện nghiêm việc ghi nhật ký khai thác thủy sản, khắc phục các lỗi còn sai sót như ghi hồi ký, ghi không đúng, không đủ vì đây là cơ sở đầu tiên để xác nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác để đi xuất khẩu. Bên cạnh đó, các địa phương cần quản lý chặt chẽ đội tàu cá thông qua việc đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản và kết nối máy GSHT. Hiện các địa phương chỉ mới quản lý được có 40% trên tổng số tàu cá đang có và các vụ vi phạm IUU hiện nay chủ yếu là mất kết nối máy GSHT.

NGUYÊN MINH

.
.
.