Chất lượng, mẫu mã kém khiến trái cây khó xuất khẩu

Thứ Sáu, 13/05/2022, 19:41 [GMT+7]
In bài này
.

“Mất mùa, rớt giá” là tình trạng đang diễn ra với nhiều loại trái cây trên địa bàn tỉnh. Do đó, cần có các giải pháp khả thi để trái cây đủ chuẩn xuất khẩu, có thị trường tiêu thụ bền vững.

Tiêu thụ chậm, giá cả liên tục giảm mạnh, trong khi đó hiện đang là thời điểm các tỉnh thành đang đồng loạt vào vụ thu hoạch trái cây lớn nhất trong năm. Trong ảnh: Sở chế chuối xuất khẩu tại xã Kim Long, huyện Xuyên Mộc.
Tiêu thụ chậm, giá cả liên tục giảm mạnh, trong khi đó hiện đang là thời điểm các tỉnh thành đang đồng loạt vào vụ thu hoạch trái cây lớn nhất trong năm. Trong ảnh: Sở chế chuối xuất khẩu tại xã Kim Long, huyện Xuyên Mộc.

Mất mùa, rớt giá

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc siết chặt công tác kiểm tra dịch bệnh tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc khiến việc tiêu thụ trái cây của các nhà vườn tại phía Nam gặp nhiều khó khăn. Hàng loạt các loại trái cây có sản lượng lớn, xuất khẩu tốt như: xoài, mít, thanh long, chuối… đều rơi vào cảnh rớt giá, ùn ứ vì khó tiêu thụ. Theo các nhà vườn trên địa bàn tỉnh, các loại trái cây như mít, thanh long, xoài… đang có mức giá gần như chạm đáy, nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ. Điển hình như mít thái còn 4.000 đồng/kg, bơ còn 25.000 đồng/kg.

Mặc dù đã tới thời điểm thu hoạch nhưng ông Nguyễn Minh Khánh, ấp Bình Thắng, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc để trái chín vàng và tự rụng vì giá bán quá thấp, thu hoạch không đủ bù chi phí đầu tư, công thu hái. Ông Khánh chia sẻ, 1ha xoài ước sản lượng khoảng 10 tấn nhưng chỉ thu hoạch được 6 tấn, thương lái thu mua với giá 5.000 đồng/kg, thấp hơn 1 nửa so với những năm trước đây. 1 tấn xoài ông Khánh chỉ thu về được khoảng 5 triệu đồng. Trong khi đó ông phải thuê 5 nhân công/ngày mới hái đủ 1 tấn, với giá thuê 300.000 đồng/người/ngày. “Trước đây tới vụ là thương lái tới hái hết, nhưng nay thì mua cầm chừng. Bên cạnh đó, nếu cộng thêm với chi phí phân, thuốc, công chăm sóc bỏ ra cho 1 vụ xoài thì thu không đủ chi nên đành bỏ xoài tự chín và rụng đầy gốc, bỏ cho bò ăn”, ông Khánh cho biết thêm.

Nhiều loại trái cây xuất khẩu như: xoài, thanh long… cũng rơi vào tình trạng mất mùa, mẫu mã, chất lượng cũng không bằng mọi năm. Nguyên nhân là do thời tiết bất thường, chi phí phân bón, giá thuê nhân công tăng cao nên nhà vườn cũng không mặn mà với việc đầu tư nâng cao chất lượng cây ăn trái.

Thời gian qua, các loại trái liên tục rớt giá. Trong ảnh: Thu hoạch thanh long tại xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc.
Thời gian qua, các loại trái liên tục rớt giá. Trong ảnh: Thu hoạch thanh long tại xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc.

Thiếu trái cây đạt chuẩn xuất khẩu

Tại cuộc họp trực tuyến về thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành Nam bộ diễn ra nào ngày 8/5 vừa qua, Bộ NN-PTNT cho biết, tháng 3 và 4/2022, sản lượng xuất khẩu rau củ quả đều giảm 18% so với cùng kỳ năm 2021 do 2 tháng qua Trung Quốc đóng một số cửa khẩu. Hiện Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt dịch bệnh COVID-19, trên bao bì yêu cầu truy xuất nguồn gốc, nhãn gốc bao bì nông sản nhập khẩu vào nước này. Liên minh châu Âu cũng kiểm tra chất lượng chặt chẽ nên ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thanh long, xoài vào châu Âu.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, hạn chế lớn nhất hiện nay là trái cây của Việt Nam đều chưa đạt yêu cầu cả chất lượng lẫn sản lượng của thị trường xuất khẩu khó tính. Trong khi đó, ngay cả thị trường vốn dễ tính như Trung Quốc cũng đã siết chặt các quy định về nhập khẩu, kiểm dịch với trái cây và nhiều mặt hàng nông sản khác. Các tiêu chuẩn về kiểm soát an toàn thực phẩm, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa... gắt gao hơn nên việc xuất khẩu trái cây sang thị trường này không còn thuận lợi như trước.

Ngoài chính sách nói không với COVID-19, Trung Quốc đang áp dụng hàng loạt quy định mới với các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ các nước. Trong đó, việc xuất khẩu theo đường tiểu ngạch cũng sẽ ngày càng khó khăn. Theo đó, cả DN, thương lái và nông dân đều phải chủ động thay đổi theo yêu cầu mới của thị trường này từ việc tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh; nhất là trong việc chuyển đổi sang hướng xuất khẩu theo kênh chính ngạch.

Thống kê từ Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có khoảng 3.000ha diện tích trái cây đang cho thu hoạch. Sản lượng thu hoạch từ đầu năm tới nay ước đạt gần 36 ngàn tấn, tăng 18,3% so với cùng kỳ.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, BR-VT hiện nay có trên 12.000ha diện tích trồng cây ăn trái với nhiều loại trái cây. Trong đó có trái cây hè cho sản lượng lớn, trung bình 80.000 tấn mỗi năm. Để nâng cao chất lượng cây ăn trái, Sở NN-PTNT cũng sẽ tiếp tục thực hiện quy hoạch ngành nông nghiệp đến năm 2030 theo hướng an toàn, đạt các tiêu chuẩn chất lượng trong nước và quốc tế, đây là điều kiện để loại đặc sản của tỉnh có thể xuất khẩu theo đường chính ngạch và mở rộng sang các thị trường mới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…

Đặc biệt, Sở tiếp tục khuyến khích bà con nông dân áp dụng khoa học công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn vào trong quá trình trồng để có nguồn nông sản chất lượng, đáp ứng yêu cầu các thị trường, đặc biệt là xuất khẩu. Đồng thời, kêu gọi, khuyến khích các DN trong và ngoài nước đầu tư các nhà sơ chế, chế biến sâu sản phẩm nông sản sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng, tránh phải giải cứu nguyên liệu một cách bền vững.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

;
.