Cảng cá đủ an toàn mới được hoạt động trở lại

Thứ Tư, 18/08/2021, 22:41 [GMT+7]
In bài này
.

Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi họp về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh diễn ra sáng 18/8.

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp về các biện pháp phòng chống dịch tại cảng cá sáng 18/8.
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp về các biện pháp phòng chống dịch tại cảng cá sáng 18/8.
7/13 cảng cá tạm dừng hoạt động

Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, toàn tỉnh có 5.771 tàu cá đánh bắt xa bờ, ven bờ. Thời gian qua đã có 7/13 cảng cá tạm ngưng hoạt động, bị phong tỏa do phát hiện các ca F0 dương tính với SARS - CoV-2 gồm: Bến Đá, Cơ Khí tàu thuyền, Incomap, Phường Thắng Nhì, Tân Phước, Phước Hiệp, Lộc An. 6 cảng còn lại gồm: Cát Lở, Vũng Tàu - Côn Đảo, Hưng Thái, Bến Lội-Bình Châu, HTX Dịch vụ khai thác thủy sản Lộc An, Bến Đầm đang hoạt động. Tại các cảng, lực lượng Biên phòng, BQL Cảng cá, Chi cục Thủy quản lý chặt chẽ tàu vào ra, bốc dỡ hàng hóa; thành lập các tổ lưu động để kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch.

Không chỉ khó khăn trong việc kiểm, soát, quản lý tại cảng mà hoạt động khai thác thủy sản gặp rất nhiều khó khăn. Cảng cá bị phong tỏa, tạm ngưng hoạt động dẫn đến số lượng tàu cá vào bờ không bốc dỡ hải sản kịp thời gây hư hỏng, thất thoát dẫn đến thua lỗ, thiệt hại lớn đối với ngư dân khai thác thủy sản; đến đội ngũ nhân viên, người lao động thất nghiệp, DN chế biến thủy sản thiếu nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến xuất khẩu.

Mặt khác, đa số các cảng cá chật hẹp, chưa có khu vực phục vụ ăn, nghỉ tại chỗ, do đó khi thực hiện quy định 3 tại chỗ (làm việc tại chỗ - ăn uống tại chỗ - nghỉ tại chỗ) trong phòng chống dịch COVID-19 gặp rất nhiều khó khăn, hoạt động bốc dỡ hải sản chủ yếu sử dụng sức người, trong thời kỳ thực hiện giãn cách xã hội chỉ cho phép sử dụng không quá 50% số lao động cùng lúc vì vậy tiến độ bốc dỡ nguyên liệu hải sản tại cảng rất chậm.

Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tại cảng

Đề xuất nâng cao công tác phòng chống dịch tại các cảng cá, ông Trần Kim Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Điền thông tin, hiện Long Điền có cảng cá Tân Phước và Hưng Thái. Trong đó, cảng Hưng Thái thực hiện 3 tại chỗ và phương án này đã được Sở NN-PTNT thẩm định và hoạt động từ ngày 6/8 đến nay. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế cho thấy, việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch của ngư dân chưa bảo đảm, tiềm ẩn nguy cơ. Ông Trần Kim Phúc cho rằng, thị trấn Long Hải đang là vùng đỏ, diễn biến dịch phức tạp, huyện kiến nghị tỉnh xem xét cho tạm dừng hoạt động cảng Hưng Thái đến ngày 25/8 để địa phương tập trung phòng chống dịch nhằm đưa 6 xã của huyện về vùng xanh và thị trấn Long Hải về vùng vàng.

Ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết, TP. Vũng Tàu có 6 cảng, trong đó 3 cảng bị phong tỏa là Incomap, Bến Đá và Cơ khí tàu thuyền. Hiện các cán bộ, nhân viên, người làm việc tại các cảng này đã test COVID-19 lần 4 vào ngày 15/8 và đang chờ kết quả. Sau khi có kết quả, TP. Vũng Tàu sẽ làm việc với Sở NN-PTNT để xem xét cho mở cửa hoạt động trở lại. Để quản lý chặt hoạt động tại cảng, ông Vũ Hồng Thuấn cho rằng, cần thực hiện 3 tại chỗ nhưng kiểm soát ở mức cao. Chẳng hạn, các xe ra vào cảng phải được phun khử khuẩn, tài xế phải cách ly, sát khuẩn khi đến lấy hàng và khi ra khỏi cảng; yêu cầu các đơn vị trong cảng lập phương án 3 tại chỗ và chủ cảng ký cam kết với chính quyền địa phương, lao động ký cam kết với chủ cảng không được đi ra ngoài và thực hiện giãn cách 3 tại chỗ. Cảng là mối nguy cơ lây nhiễm lớn cần phải kiểm soát nghiêm ngặt, trong đó ngoài kiểm soát bằng con người cần kiểm soát qua camera và xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm.

Theo ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT, UBND tỉnh cần thành lập Tổ liên ngành và giao cho Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì điều hành, kiểm soát các hoạt động tại cảng xử lý các vi phạm và đình chỉ hoạt động khi không đảm bảo trong phòng chống dịch bệnh. Hỗ trợ chi phí test SARS - CoV - 2 cho những công nhân làm việc tại các cảng và người lao động phân loại hải sản, đội ngũ thuyền viên (có hộ khẩu thường trú ngoài tỉnh) tham gia hoạt động khai thác thủy sản, hỗ trợ chi phí phun thuốc khử khuẩn cho các xe vận chuyển hải sản ra, vào các cảng cá. Sau khi phát hiện và cách ly kịp thời các trường hợp dương tính với SARS - CoV-2 tại cảng cá, phun khử khuẩn toàn bộ khu vực cảng, lấy mẫu xét nghiệm nhân viên và người lao động. Nếu kết quả tất cả các mẫu âm tính với SARS - CoV-2 thì nhanh chóng cho khôi phục lại hoạt động sản xuất của cảng để tạo điều kiện cho tàu cá vào bốc dỡ hải sản kịp thời.

“Bên cạnh đó, các huyện, thị xã, thành phố quan tâm bố trí, thành lập Tổ liên ngành chốt chặn, kiểm tra y tế tại cổng vào các cảng cá để kiểm soát, giám sát chặt chẽ người và phương tiện ra vào cảng cá đảm bảo thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19”, ông Trần Văn Cường đề xuất.

Chỉ những tàu nào đủ điều kiện an toàn phòng chống dịch mới được ra khơi. Trong ảnh: Ngư dân Lộc An chuẩn bị ngư lưới trước chuyến biển. (ảnh minh họa).
Chỉ những tàu nào đủ điều kiện an toàn phòng chống dịch mới được ra khơi. Trong ảnh: Ngư dân Lộc An chuẩn bị ngư lưới trước chuyến biển. (ảnh minh họa).

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

 
;
.