VỤ TÀU EVER GIVEN MẮC CẠN TRÊN KÊNH SUEZ

Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải cũng bị ảnh hưởng

Thứ Sáu, 02/04/2021, 18:42 [GMT+7]
In bài này
.

Sự cố tàu Ever Given mắc cạn trên kênh đào Suez (Ai Cập) đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa giữa Việt Nam với châu Âu, đẩy giá cước vận tải đường thủy tăng vọt. Trong đó, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) cũng bị ảnh hưởng do có nhiều tuyến vận tải đi châu Âu và Bờ Đông nước Mỹ ngang qua kênh đào Suez.

Sự cố tàu Ever Given mắc kẹt tại kênh đào Suez ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế. Trong ảnh: Tàu cập cảng TCIT.
Sự cố tàu Ever Given mắc kẹt tại kênh đào Suez ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế. Trong ảnh: Tàu cập cảng TCIT.

Thông tin từ các DN cảng biển cho biết, dù tàu Ever Given đã được “giải cứu” thành công nhưng vẫn ảnh hưởng tới các DN XNK. Nguyên nhân là do kênh Suez phải chờ gia cố luồng sau sự cố mới có thể hoàn toàn thông tuyến. Với hàng trăm con tàu đang mắc kẹt ở cả 2 đầu kênh Suez hơn 10 ngày qua, dự kiến hậu quả đối với các DN XNK còn kéo dài. Các chuyên gia hàng hải cũng cho rằng, thị trường vận tải hàng hóa đường biển sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong những tháng tới vì sự cố tàu Ever Given ảnh hưởng tới lịch trình của hàng trăm tàu thuyền.

Để khắc phục, nhiều hãng tàu phải thuê thêm tàu, đổi hướng đi nhằm tránh cảnh ách tắc ở kênh đào Suez hoặc tàu bị hoãn, hủy chuyến. Việc này làm tăng chi phí nên giá cước vận tải tăng và DN XNK phải gánh chịu. Theo tính toán của các DN XNK, sự cố này buộc các DN phải thay đổi kế hoạch sản xuất, kế hoạch giao hàng sang thị trường châu Âu và một phần của khu vực bờ Đông nước Mỹ.

Sự cố kênh đào Suez cùng với giá dầu tăng đã đẩy giá cước vận tải lên cao. Đơn cử, cước vận chuyển tuyến từ Oman về Việt Nam, đối với các tàu 50 ngàn DWT có giá từ 12 USD/tấn tăng vọt lên 28 USD/tấn; tuyến Thái Lan đến các cảng CM-TV trước đây giá chỉ khoảng 15 USD/tấn thì hiện tại giá cước đã tăng lên 22 USD nhưng vẫn khó tìm tàu.

Đại diện cảng CMIT cho biết, trong thời gian xảy ra sự cố, nếu tàu đi vòng qua Mũi Hảo Vọng, hành trình từ châu Á tới châu Âu sẽ kéo dài thêm 2 tuần, làm chi phí gia tăng đáng kể. Thậm chí, một số lô hàng cần chuyển gấp, DN buộc phải chuyển bằng đường hàng không, khiến chi phí logistics tăng vọt. Cùng với tình trạng giá cước tàu biển tăng cao do tác động của dịch COVID-19, sự cố này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động XNK giữa Việt Nam với các nước châu Âu, Mỹ.

 Bà Phùng Thu Huyền, Giám đốc Công ty Nam International (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, năm nay tiếp tục là một năm khó khăn với các DN XNK. Tình trạng khan hiếm container, giá cước tàu biển tăng cao do tác động của dịch COVID-19 chưa hết, nay lại đến sự cố tại kênh đào Suez. Dù hiện nay tình trạng khan hiếm container rỗng đã bớt nhưng giá cước vận chuyển tàu biển còn neo ở mức cao. Cước đi thị trường Mỹ tới 8.000-9.000 USD/container 40 feet, đi Trung Đông 1.600 USD/container 20 feet và 2.900 USD/container 40 feet. Mức giá này tăng gấp 4-7 lần so với mức đầu năm 2020.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng xác nhận, từ tháng 3/2021, DN dễ tìm kiếm container rỗng để đóng hàng xuất khẩu hơn so với trước tết nhưng giá cước vận tải vẫn ở mức cao gấp 4-7 lần bình thường, gây khó khăn cho các DN XNK.

 Trước tình hình đó, Bộ Công thương đã chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập theo dõi sát tiến độ giải phóng tàu Ever Given để thông tin kịp thời đến các DN XNK. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng phối hợp với Bộ GT-VT nắm tiến độ giao hàng, làm hàng tại các cảng đầu mối để có biện pháp điều tiết do ảnh hưởng tại kênh đào Suez kéo dài.

Bộ Công thương cũng khuyến cáo, sự cố kênh đào Suez cho thấy trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động về chính trị, xã hội, thiên tai, dịch bệnh... chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị ảnh hưởng, đứt gãy bất cứ lúc nào và ở bất kỳ đâu. Do vậy, các DN Việt Nam cần chủ động nâng cao khả năng thích ứng, chịu đựng trước những biến động khắc nghiệt của thị trường; đa dạng hóa và lên phương án dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp để có thể giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất khi có tình huống bất lợi xảy ra. Về việc hãng tàu vẫn giữ giá cước ở mức cao, các DN xuất khẩu nên xem xét chuyển sang hình thức xuất khẩu FOB (giá giao hàng tại cảng xuất), thay vì chọn hình thức chịu chi phí giao hàng tận nơi. Cơ quan chức năng cũng cần làm việc với các hãng tàu để thúc đẩy giá cước phù hợp.

Bài, ảnh: THỤY NHIÊN

;
.