Tăng thu nhập nhờ trồng mía tím

Thứ Hai, 05/04/2021, 20:31 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Tân Lâm (huyện Xuyên Mộc) đã chuyển đổi diện tích các loại cây kém hiệu quả sang trồng mía tím, nhờ đó thu nhập tăng gấp 5-6 lần.

Thương lái thu mua mía trên ruộng mía của ông Trần Hoài Phúc.
Thương lái thu mua mía trên ruộng mía của ông Trần Hoài Phúc.

Dưới cái nắng mùa khô gay gắt, ông Cao Văn Thắng (52 tuổi, ấp Bàu Hàm, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc) dẫn chúng tôi ra thăm ruộng mía với diện tích 8ha đang được thu hoạch. Theo lời kể của ông Thắng, trước đây ông thuê đất để trồng điều và bắp, nhưng năng suất không cao, thu nhập thấp. Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, ông nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương rất phù hợp để trồng và phát triển cây mía tím. Năm 2015, ông Thắng mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng mía tím.

Theo ông Thắng, mía tím là loại cây dễ trồng, không kén đất, không tốn công chăm sóc. “Quan trọng nhất là khâu chọn giống. Để mía phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao, trước khi trồng phải chọn ngọn hoặc mắt cây mía khoẻ mạnh làm giống. Sau đó ngâm ngọn xuống nước nửa ngày để diệt trừ mầm bệnh rồi vớt lên trồng”, ông Thắng nói.

Mía tím được trồng theo luống, với khoảng cách mỗi luống 30cm, trung bình 1ha trồng khoảng 3.500-4.000 hom giống. Khi cây mía phát triển, mỗi tháng tỉa lá 2 lần kết hợp bón phân. “Với loại cây này chỉ vất vả khâu làm đất, xuống giống. Khi nảy mầm thì 1 tuần tưới nước 1 lần và dóng mía lên cao thì 15 ngày bóc bẹ lá 1 lần”, ông Thắng chia sẻ thêm.

Năm nay, thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh nên ruộng mía của ông Thắng cho năng suất cao, dao động từ 90-100 tấn/ha. Thương lái thu mua với giá bán 57.000-60.000 đồng/25kg, doanh thu 250 triệu đồng/ha. Ông Thắng cho biết thêm: Nếu như trước đây trồng bắp tôi chỉ thu lãi được 15-20 triệu đồng/ha, thậm chí có năm hòa vốn vì mất mùa. Nhưng từ khi trồng mía, sau khi trừ chi phí thuê đất, nhân công tôi thu được từ 120-150 triệu đồng/ha, cao gấp 5-6 lần so với trồng bắp.

Tương tự, ông Trần Hoài Phúc (41 tuổi, ấp Bàu Hàm, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc) cũng thuê 3ha đất trồng mía tím. Theo lời kể của ông Phúc, trước khi chuyển sang trồng mía, gia đình ông đã trồng nhiều loại cây ngắn ngày như bắp, mì song chưa có cây nào mang lại kinh tế cao. “Thấy một số hộ trong vùng trồng mía cho thu nhập cao, tôi cũng học tập chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng bắp và mì sang trồng mía”, ông Phúc nói.

Nhờ tận dụng nước của con kênh KT 1 từ Sông Ray chảy vào nên các hộ trồng mía có nguồn nước tưới ổn định. Mía được bắt đầu xuống giống từ tháng 2. Sau 7, 8 tháng hom giống, chăm sóc, mía đã có thể thu hoạch. Nhờ chăm sóc cẩn thận, cây mía tím rất ngọt, nhiều nước, dóng to, đốt dài, màu đẹp nên dễ tiêu thụ. Chi phí đầu tư khoảng 100-120 triệu đồng/ha, trong đó bao gồm tiền thuê đất tiền giống, phân bón, thuốc BVTV... Sau khi trừ các chi phí, gia đình ông Phúc thu lãi 80 triệu đồng/ha.

Theo các hộ trồng mía tím, thị trường tiêu thụ của loại cây này khá ổn định nên  không phải lo đầu ra. Đến kỳ thu hoạch thương lái từ TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương... đến tận vườn thu mua.

Ông Phạm Ngọc Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lâm thông tin thêm, đến nay toàn xã có hơn 50ha diện tích được chuyển đổi từ các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng mía tím. Sau khi thu hoạch xong, Hội Nông dân xã sẽ khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng mía lên 60ha vào vụ tới. Hội Nông dân xã cũng thường xuyên tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng trên diện tích thiếu nước tưới để đạt hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, nhằm tránh cung vượt cầu, xã cũng khuyến cáo bà con hạn chế trồng ồ ạt cây mía tím.

Bài, ảnh: NHUNG HOA

;
.