Hỗ trợ ngư dân mua sắm ngư cụ

Thứ Ba, 27/04/2021, 18:18 [GMT+7]
In bài này
.

Năm 2015, Hội Nông dân TT.Phước Hải (huyện Đất Đỏ) triển khai đề án “Mua sắm ngư cụ”, hỗ trợ vốn vay cho ngư dân mua lưới mới, sắm thuyền máy, nâng cao hiệu quả đánh bắt.

Ngư dân TT.Phước Hải (huyện Đất Đỏ) kiểm tra dụng cụ đánh bắt sau 1 ngày ra khơi.
Ngư dân TT.Phước Hải (huyện Đất Đỏ) kiểm tra dụng cụ đánh bắt sau 1 ngày ra khơi.

Mặt trời ló dạng chuyển ngày mới, đoàn thuyền thúng máy hơn một chục chiếc sau 1 đêm miệt mài đánh bắt hải sản gần bờ đã nối đuôi nhau về bến Tam Ngư, TT.Phước Hải. Thuyền nào cũng đầy tôm, cá. Chỉ tay về phía những chiếc thùng đựng đầy cá, tôm đang được thương lái cân mua, tất bật chuyển lên xe đi bỏ mối cho các chợ, ông Trần Thanh Hoàng (ngư dân sinh sống bằng nghề thuyền thúng hơn 20 năm ở khu phố Hải Tân, TT. Phước Hải) hồ hởi khoe: “Một chuyến ra biển đánh cá thường từ 22 giờ đêm đến 9 giờ sáng hôm sau. Tôm, cá đánh bắt gần bờ rất tươi, đa phần còn sống nên ngư dân bán được giá. Lúc trúng cá, một thuyền có thể mang về thu nhập hơn 3 triệu đồng/ngày”.

Theo lời kể của ông Hoàng, nhiều năm về trước, gia đình ông cũng sống bằng nghề thuyền thúng nhưng sản lượng thấp vì ngư cụ đã cũ, chất lượng thấp. Năm 2018, được hỗ trợ vốn vay 25 triệu đồng từ đề án “Mua sắm ngư cụ” của Hội Nông dân TT. Phước Hải, ông đã mạnh dạn mua mới lưới 3 màng, lưới trải, lưới cá mai, cá trích... Sau khi sắm lưới mới, mỗi chuyến đánh bắt, hầu như lúc nào cũng thu về tiền triệu. Kinh tế dần ổn định, gia đình ông mua thêm 1 thuyền thúng máy để mở rộng sản xuất.

Tương tự, anh Nguyễn Thanh Phương (khu phố Hải Sơn, TT.Phước Hải), năm 2018, anh được Hội Nông dân TT. Phước Hải hỗ trợ vốn vay 25 triệu đồng và cùng với số tiền hơn 10 triệu đồng dành dụm được, mua mới 7 tấm lưới, mỗi tấm dài 30m, rộng hơn 2m để thay lưới cũ. Từ ngày dụng cụ đánh bắt được đầu tư mới, mỗi chuyến đánh bắt anh thu về 1 triệu đồng. Có tiền tích lũy, anh hoàn trả vốn vay trước hạn và hàng tháng anh gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng để tích lũy vốn phát triển sản xuất. “Nhiều năm đánh bắt theo phương pháp truyền thống, dụng cụ không bảo đảm nên sản lượng đánh bắt thấp. Nhờ được vay vốn đầu tư lưới đánh bắt, tôi mua thêm nhiều loại lưới mới như: lưới 3 màng, lưới cá trích… để đánh bắt. Mỗi chuyến ra biển gia đình tôi đánh bắt được nhiều cá hơn, có lúc gấp đôi so với trước, kinh tế gia đình nhờ đó mà ổn định”, anh Phương nói.

Phước Hải là thị trấn ven biển, trung tâm kinh tế phát triển nghề đánh bắt hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá của huyện Đất Đỏ. Địa phương này có 26.092 nhân khẩu, trong đó 70% người dân sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản, với tổng số ghe thuyền của thị trấn hơn 500 chiếc. Ông Nguyễn Thanh Quang, Chủ tịch Hội Nông dân TT.Phước Hải cho biết, do hành nghề lâu năm, ngư cụ hỏng nhưng ngư dân ít có điều kiện để mua mới, do đó, năm 2015, Hội Nông dân TT. Phước Hải đã triển khai đề án “Mua sắm ngư cụ”. Từ đề án này, đã có 95 hộ ngư dân vay vốn để làm mới phương tiện sinh kế, đánh bắt hiệu quả hơn, với tổng số tiền giải ngân từ đó đến nay là 2,8 tỷ đồng. Từ đề án, bà con ngư dân đã chuyển từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm để tăng năng suất, tạo việc làm, kịp thời hỗ trợ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn trong suốt quá trình đánh bắt. Theo ông Nguyễn Thanh Quang, từ số vốn vay 25 triệu đồng/hộ trong thời gian 24 tháng, lãi suất 0,7%, nhiều ngư dân trên địa bàn thị trấn đã có cuộc sống ổn định, thoát khỏi khó khăn. Thời gian tới, Hội Nông dân TT.Phước Hải sẽ đề xuất với Hội Nông dân tỉnh tăng thời hạn trả tiền vốn vay thời hạn từ 2 năm lên 3 năm để bà con yên tâm bám biển.

Bài, ảnh: MAI NGỌC-THANH QUANG

;
.