Tập trung dự án giao thông tạo đột phá kết nối vùng Đông Nam Bộ

Thứ Sáu, 26/02/2021, 19:06 [GMT+7]
In bài này
.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể khi chủ trì hội nghị trực tuyến với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai bàn về kết nối giao thông khu vực Đông Nam bộ (ngày 24/2). Đây là hội nghị quan trọng, đề cập đến rất nhiều dự án giao thông, cả đường bộ, đường thủy và hàng không, liên quan đến BR-VT.

Sớm triển khai thực hiện tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sẽ giảm tải cho Quốc lộ 51 hiện đang quá tải. Trong ảnh: Quốc lộ 51 hiện đang quá tải, mật độ lưu thông của phương tiện khá cao.
Sớm triển khai thực hiện tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sẽ giảm tải cho Quốc lộ 51 hiện đang quá tải. Trong ảnh: Quốc lộ 51 hiện đang quá tải, mật độ lưu thông của phương tiện khá cao.

CÀNG CHẬM TRỄ ĐẦU TƯ, CÀNG CÓ THÊM ĐIỂM NGHẼN

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, khu vực Ðông Nam Bộ là vùng kinh tế phát triển năng động nhất của cả nước, đóng góp 45% GDP của cả nước. “Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng giao thông chưa cân đối. Nhu cầu vận tải tăng nhanh nhưng kết cấu hạ tầng khu vực Ðông Nam Bộ không theo kịp, tạo ra nhiều điểm nghẽn. Do đó, cần triển khai sớm những công trình đột phá, không thể chậm trễ, càng chậm trễ thì khu vực phát triển càng chậm, ảnh hưởng thu ngân sách của cả nước”, ông Nguyễn Văn Thể nhìn nhận.

“Sắp xếp đầu tư theo thứ tự ưu tiên. Cấp thiết, tạo hiệu quả đột phá thì làm trước. Không đầu tư dàn trải nhiều dự án. Khi triển khai phải lưu ý vấn đề giải phóng mặt bằng. Mặt bằng phải sạch hoàn toàn và với những dự án phải phân kỳ đầu tư, khi đã có mặt bằng nhưng chưa thi công, phải rào chắn để bảo vệ, tránh tình trạng lấn chiếm, gây mất thời gian, ảnh hưởng chung đến tiến độ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị.

“Lấy các công trình sân bay Long Thành, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải là động lực thúc đẩy. Trong thời gian tới, Cái Mép - Thị Vải được xác định sẽ là trung tâm logistis, cảng biển. Vì vậy, quy hoạch lại giao thông để phát triển bền vững, phát huy hết hiệu quả các công trình động lực là vấn đề quan tâm hàng đầu”, Bộ trưởng lưu ý. Về nhóm các dự án, Bộ trưởng Bộ GT-VT chỉ rõ: Lĩnh vực hàng hải sẽ tập trung cải thiện luồng vào cảng Cái Mép- Thị Vải;  hàng không thì sẽ tập trung vào 3 dự án gồm sân bay Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Côn Đảo. Lĩnh vực đường bộ, ưu tiên là các tuyến vành đai 2, 3, 4 ở TP.HCM, tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết, Bến Lức - Long Thành… Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu dự án đường sắt kết nối sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải; các dự án phát triển hành lang đường thủy và logistics phía Nam.

Đồng tình với những gợi mở của Bộ trưởng về phương án tiến hành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT Nguyễn Công Vinh cho rằng, giải phóng mặt bằng sạch “trọn gói” sẽ bảo đảm khi có đủ điều kiện thi công sẽ đồng bộ, nhanh chóng.

Nêu một số kiến nghị của địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT cho rằng, hiện nay, nhu cầu nạo vét luồng Cái Mép- Thị Vải là rất cấp thiết, để bảo đảm cho tàu tải trọng trên 200 nghìn tấn ra vào thuận lợi. Việc nạo vét luồng Cái Mép - Thị Vải cần được Trung ương quan tâm tiến hành sớm. Bên cạnh đó, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cần được xúc tiến, đẩy nhanh triển khai để tạo kết nối cho cụm cảng.

ĐỊA PHƯƠNG CHỦ ĐỘNG ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH

Theo Bộ GT-VT, quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của cả nước nói chung và ngành giao thông nói riêng, vùng Đông Nam Bộ tiếp tục được xác định là đầu tàu kinh tế, là trung tâm công nghiệp cảng biển, hàng không và logistics lớn của cả nước. Do đó, việc nghiên cứu đề xuất các dự án nhằm tăng cường kết nối giao thông của vùng là hết sức quan trọng và cấp thiết để tạo ra sự kết nối đa phương thức, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, cơ hội mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế - xã hội và tạo động lực phát triển vùng.

Về thực trạng kết nối giao thông TP.HCM và các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ, hệ thống đường bộ liên kết chủ yếu qua 5 tuyến cao tốc, 10 tuyến quốc lộ và 3 tuyến vành đai của TP.HCM. Trong vùng chỉ có một tuyến đường sắt đang khai thác (đường sắt Bắc- Nam). Hệ thống cảng biển trong vùng bao gồm cảng cửa ngõ quốc tế BR-VT, cảng tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương là cảng địa phương. Về hàng không, gồm ba sân bay: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Tân Sơn Nhất và Côn Đảo.

Hiện Bộ GT-VT đang triển khai xây dựng năm quy hoạch ngành quốc gia (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Bộ sẽ rà soát, đánh giá và đề xuất các dự án cụ thể nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa TP.HCM và các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ, sân bay Long Thành, BR-VT. “Các địa phương khẩn trương điều chỉnh quy hoạch giao thông mang tính kết nối với sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Để triển khai các dự án, ngoài sự hỗ trợ của Bộ GT-VT, các địa phương cần có sự phối hợp, ủng hộ và quyết tâm chung để triển khai nhanh chóng các dự án” - Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể nói.

Bộ trưởng Bộ GT-VT yêu cầu các địa phương, các đơn vị quản lý phải tăng tốc hoàn thiện nghiên cứu, cơ sở pháp lý, đẩy nhanh BTGPMB để có cơ sở bố trí vốn triển khai sớm chùm công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói, nếu không chuẩn bị kịp thì phải mất thêm 5 năm nữa mới triển khai được, như vậy ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Ðông Nam Bộ. “Chẳng hạn, hoàn thiện và đưa vào sử dụng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây nếu mở rộng sẽ giảm ùn tắc trên Quốc lộ 51, lúc đó các nhà đầu tư mới mạnh dạn đến đây, thúc đẩy tăng trưởng GDP cho cả khu vực Ðông Nam Bộ”, ông Nguyễn Văn Thể dẫn chứng.

Bài, ảnh: THÀNH HUY

;
.