HƯỚNG ĐẾN KỶ NIỆM 30 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TỈNH BR-VT (12/8/1991 - 12/8/2021)

"Gửi" thanh xuân trên những công trường

Thứ Bảy, 27/02/2021, 10:51 [GMT+7]
In bài này
.

Trên địa bàn tỉnh hiện đang có nhiều tuyến đường giao thông kết nối cảng biển đang trong giai đoạn thi công. Để đáp ứng tiến độ, hàng trăm kỹ sư, công nhân xây dựng từ mọi miền đất nước đã “đi theo tiếng gọi của những công trình” xa gia đình vợ con, dành cả thanh xuân trên những công trường, họ phải sống tạm bợ trong các lán trại thiếu thốn. Công việc vất vả là vậy, nhưng họ luôn tự hào và gắn bó với nghề.

Giữa nắng trưa hầm hập, những công nhân cầu đường tại dự án đường Long Sơn - Cái Mép vẫn tất bật  với công việc.
Giữa nắng trưa hầm hập, những công nhân cầu đường tại dự án đường Long Sơn - Cái Mép vẫn tất bật với công việc.

Khởi công từ tháng 6/2020, đường Long Sơn - Cái Mép là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh. Sau khi hoàn thành sẽ trở thành tuyến đường huyết mạch kết nối khu vực Vũng Tàu - Long Sơn - Cái Mép - Thị Vải - Phú Mỹ và liên kết với các vùng lân cận. Ông Nguyễn Văn Trình, Giám đốc Ban Quản lý Dự án giao thông khu vực CM-TV, cho hay, do vai trò quan trọng của công trình, hiện đơn vị đang nỗ lực phấn đấu sớm hoàn thành dự án trong năm 2024, vượt tiến độ 1 năm so với kế hoạch đề ra. Để thực hiện được mục tiêu ấy có sự đóng góp rất lớn từ lực lượng công nhân, kỹ sư làm cầu đường, ngày đêm chịu cảnh “nắng bụi, mưa dầm”.

Một ngày đầu năm 2021, có mặt tại dự án đường Long Sơn-Cái Mép, trên công trường lúc này có khoảng 60 công nhân, kỹ sư đang tập trung làm việc với cường độ khẩn trương. Dưới sự chỉ huy của các tổ trưởng và Ban Chỉ huy công trường, mỗi người một việc: người lái xe ủi, tổ làm thép, tổ bê tông, không một khâu nào được chậm trễ. Lau vội những giọt mồ hôi trên khuôn mặt già hơn so với tuổi, Nguyễn Cảnh Tiến, Phụ trách quản lý thi công cầu Sông Rạng (một trong những hạng mục quan trọng của dự án đường Long Sơn - Cái Mép) nói vui: “Mình mới 32 tuổi thôi, nhưng nhìn ai cũng bảo ngoài 40, già trước tuổi vì chống chọi với nắng gió, bụi đường. Nghề này khắc nghiệt lắm, luôn  làm việc trực tiếp ngoài trời, vào mùa hè thời tiết nắng nóng, lại liên tục tiếp xúc với vật liệu bê tông nhựa nóng, rất có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, 7 năm gắn bó với nghề và được “tôi luyện” qua nhiều công trình nên cũng đã dần quen”.

Vừa cùng những đồng nghiệp thực hiện xong việc đo đạc tuyến đường, Dương Xuân Thành làm việc tại dự án đường Long Sơn - Cái Mép chia sẻ, những người thực hiện dự án này sẽ dựng trại ở đây ít nhất là 4 năm. Khu vực này khá cách xa với cuộc sống người dân, bốn bên đều là đùng nuôi trồng hải sản nên mùa mưa đi lại khó khăn, chuyện trơn trượt té xuống đùng “như cơm bữa”. Do vậy, ban ngày làm việc, tối đến chỉ ở lại trong lán trại. “Vợ con tôi ở Khánh Hòa, công việc của tôi phải đi theo công trình nên khi ra Bắc lúc vào Nam. Có khi 2-3 tháng mới về thăm nhà được vài ba hôm. Cuộc sống ở công trường không chỉ thiếu thốn về vật chất, mà sau một ngày làm việc, thèm một bữa cơm gia đình, thèm được nghe tiếng cười con trẻ, nhưng quây quần chỉ có mấy anh em, vui buồn có nhau. Những lúc nhớ nhà, những ngày lễ Tết phải trực càng thêm chạnh lòng”.

Không chỉ có tuyến đường Long Sơn - Cái Mép, tại các dự án khác như: đường 991B, Phước Hòa  - Cái Mép, Cái Mép - Thị Vải… cũng có khoảng 400 người là kỹ sư, công nhân đang ngày đêm bám công trường để xây cầu, làm đường. Do đặc thù của công việc nên những kỹ sư, công nhân cầu đường cả đời phải sống cuộc sống nay đây mai đó, nơi đâu cũng là nhà. Hầu hết những công trình dự án đều ở xa, những ước muốn tưởng chừng như đơn giản là hàng tuần được ăn cơm cùng gia đình,  cùng vợ con đi chơi… cũng trở nên xa xỉ.  “Hơn 10 năm gắn bó làm nghề dựng cầu, làm đường đã thực hiện nhiều công trình, vượt qua nhiều thử thách, cực nhọc. Nhớ lại hồi mới đi làm, tôi không nghĩ điều kiện làm việc lại cực nhọc, khắc nghiệt đến thế, có những lúc  rất mệt “đầu tắt mặt tối” vì phải chạy theo tiến độ công trình, tưởng chừng không chịu nổi, nhưng nghề đã chọn người nên cả thanh xuân gửi lại trên những công trường để gắn bó với nghề đến bây giờ”, Nguyễn Văn An, công nhân làm việc trên tuyến đường 991B tâm sự.

Ông Nguyễn Công Danh, Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp, Ban Quản lý Dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải (đơn vị chủ đầu tư các dự án trên), cho biết: Hiện nay, các phương tiện thiết bị phục vụ thi công cầu đường rất hiện đại, góp phần giải phóng sức lao động cho người công nhân cầu đường. Nhưng dù thiết bị có hiện đại đến đâu thì vai trò của người kỹ sư, công nhân cầu đường vẫn là yếu tố quyết định đến hiệu quả công việc. Do đó, với những người gắn bó với nghề này thì việc đối mặt với hoàn cảnh “nắng trên đầu, nhựa nóng dưới chân” đã rất đỗi quen thuộc. Vùng đất khi họ đặt chân đến là những vùng hoang vu và sau khi những cây cầu đã dựng, những tuyến đường sạch đẹp đã mọc lên, cũng là lúc họ rời đi, tiếp tục đến với miền đất mới.

Những giọt mồ hôi, một thời thanh xuân của những kỹ sư, công nhân cầu đường đã âm thầm đi qua để làm nên những tuyến đường, những cây cầu nối những niềm vui, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nói riêng và đất nước nói chung.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

 
;
.