Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất

Chủ Nhật, 21/02/2021, 17:49 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm qua, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, góp phần giải bài toán về lao động, giảm chi phí, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể tại địa phương.

Việc đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất giúp tăng năng suất, giảm lao động và chi phí.  Trong ảnh: Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhứt.
Việc đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất giúp tăng năng suất, giảm lao động và chi phí. Trong ảnh: Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhứt.

TĂNG NĂNG SUẤT, GIẢM LAO ĐỘNG

Cuối tháng 1/2021, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhứt (huyện Long Điền) được Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT) chuyển giao máy sạ hàng, vùi phân hỗ trợ cho HTX thí điểm. Máy có công suất khoảng 1ha/giờ, giúp nông dân tiết kiệm giống (ước tính khoảng 100kg/ha/vụ), giảm sâu bệnh, thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm thời gian và nhân công. 

Ông Huỳnh Trung Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhứt cho biết, HTX hiện có 220ha lúa gieo trồng. Trước tình trạng khó khăn do thiếu lao động, HTX đã đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, năng suất lao động, thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực trồng trọt. Đến nay, HTX đã cơ giới hóa 100% khâu làm đất, thu hoạch. Máy móc, phương tiện, trang thiết bị cơ giới hóa ngày càng đa dạng, đã đáp ứng nhu cầu sử dụng của nông dân trong các khâu sản xuất. Cùng với việc tiếp cận khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ cao và hệ thống máy móc, trang thiết bị, các xã viên HTX ngày càng chủ động, sáng tạo, thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất bền vững. 

“HTX đã làm việc với Tập đoàn Lộc Trời để đưa máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật về phục vụ xã viên trong vụ Đông Xuân 2021. Ngoài máy sạ hàng, vùi phân được hỗ trợ vừa qua, HTX sẽ tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ máy cấy để hoàn thiện khâu cơ giới hóa trong sản xuất”, ông Thành thông tin thêm. 

Nhờ mạnh dạn cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong những năm qua, HTX Nông nghiệp Thái Dương (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) đã có nhiều bước tiến đáng kể, trở thành HTX tiêu biểu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chuẩn hóa các khâu trong quá trình sản xuất. HTX đã xây dựng được quy trình chăm sóc vườn cây và sử dụng nhiều công nghệ mới vào canh tác như: hệ thống máy giám sát dinh dưỡng, nhiệt độ, độ ẩm của cây nhằm cho ra những trái bơ chất lượng. 

Mới đây, HTX nông nghiệp Thái Dương tiếp tục được hỗ trợ hệ thống tưới trọn gói công nghệ Israel, máy xới đất, máy cưa xích, máy phát cỏ. Ngoài ra, khi tham gia vào dự án sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị do Viện phát triển kinh tế khởi xướng, HTX nông nghiệp Thái Dương còn được hỗ trợ buồng sấy bơm nhiệt. Buồng sấy có thể chế biến các sản phẩm khác từ bơ như trà hạt bơ, tinh dầu bơ... giúp sản phẩm phong phú và đa dạng hơn.

Máy sạ hàng, vùi phân được Chi cục Phát triển nông thôn chuyển giao cho HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhứt.
Máy sạ hàng, vùi phân được Chi cục Phát triển nông thôn chuyển giao cho HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhứt.

TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CƠ GIỚI HÓA

Theo Chi cục Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh có 35 loại máy móc phục vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung chủ yếu các khâu như bơm nước tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật, làm đất, vận chuyển và phương tiện khai thác hải sản. Tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 60-100%, khâu tưới bằng máy 70-85%, phun thuốc bảo vệ thực vật 75-80%; dây chuyền công nghệ thức ăn, nước uống trong chăn nuôi đạt 60%. 

Ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhứt, HTX Khai thác dịch vụ thủy sản Phước Thắng (huyện Long Điền), HTX nông nghiệp Quyết Thắng (TP. Bà Rịa)… Nhờ đó, các HTX đã tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, giảm lao động nặng nhọc, lao động mang tính độc hại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm chủ lực, thúc đẩy phát triển sản xuất.

Để tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất của HTX nông nghiệp nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung, Sở NN-PTNT đã xây dựng “Dự án cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch” trình UBND tỉnh. Theo đó, đến năm 2030, những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung trên địa bàn tỉnh được cơ giới hóa đồng bộ và giảm tối đa tổn thất trong nông nghiệp. Trước hết, tỉnh tập trung vào những ngành hàng chủ lực, trong đó, tập trung vào các khâu lao động nặng nhọc, có tính độc hại và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 

Dự án đặt mục tiêu trong ngành thủy sản 50% tàu hiện có và 100% tàu đóng mới lắp đặt thiết bị cơ giới hóa tời thu lưới, hệ thống truyền động bằng thủy lực, lắp đặt hệ thống giám sát hành trình, hầm bảo quản kho lạnh, đèn led… Các khâu trong trồng trọt cơ giới hóa 80-100%; 90% chuồng trại của các trang trại và DN chăn nuôi được xây dựng theo công nghệ chuồng kín (hay còn gọi là chuồng lạnh); 100% trang trại và DN chăn nuôi heo có hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi. Đối với chăn nuôi gà, 70% số trang trại và DN sử dụng máy ép phân.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

 
;
.