Đưa nguồn vốn ưu đãi đến với người nghèo

Thứ Năm, 01/10/2020, 19:52 [GMT+7]
In bài này
.

99,56% tổng dư nợ của NHCSXH thực hiện theo phương thức ủy thác cho vay thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội, tương đương với 220.545 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 11,8%... Đây là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến tổng kết hoạt động ủy thác giai đoạn 2015-2020, do NHCSXH Việt Nam tổ chức sáng 1/10. Những con số này đã chứng minh được vai trò NHCSXH trong việc đưa nguồn vốn ưu đãi đến với người nghèo.

Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các hội, đoàn thể tham dự Hội nghị trực tuyến tổng kết hoạt động ủy thác giai đoạn 2015-2020, do NHCSXH Việt Nam tổ chức sáng 1/10.
Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các hội, đoàn thể tham dự Hội nghị trực tuyến tổng kết hoạt động ủy thác giai đoạn 2015-2020, do NHCSXH Việt Nam tổ chức sáng 1/10.

Tại điểm cầu BR-VT, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch tỉnh cùng đại diện UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy, NHCSXH tỉnh và các đoàn thể tham dự hội nghị.

GÓP PHẦN CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG SỐNG CỦA NHÂN DÂN

Báo cáo tại hội nghị, đại diện NHCSXH Việt Nam cho biết: Thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH thực hiện phương thức ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên).

Giai đoạn 2015-2020, các chương trình tín dụng và khối lượng tín dụng NHCSXH thực hiện cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng tăng. Đến 31/8, tổng dư nợ chương trình tín dụng theo phương thức ủy thác là 220.545 tỷ đồng (chiếm 99,56% tổng dư nợ của NHCSXH), tăng 90.491 tỷ đồng so với năm 2014. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 11,8%.

Báo cáo đánh giá, việc thực hiện ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng tín dụng. Nợ quá hạn giảm dần từ 0,38% khi nhận bàn giao đến nay xuống còn 0,25%, tỷ lệ thu hồi nợ đến hạn đạt 94%, tăng 23% so với cuối năm 2014; tỷ lệ thu lãi tăng đều qua từng năm, đảm bảo thu đúng, thu đủ, giảm thiểu lãi tồn đọng. Tính đến  hết tháng 8/2020, hơn 99,9% tổ tiết kiệm và vay vốn có số dư tiền gửi đạt 11.190 tỷ đồng.

Thông qua hoạt động ủy thác đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng chung tay giúp đỡ người nghèo và các đối tượng chính sách. Qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng sống của nhân dân, góp phần hạn chế, đẩy lùi tệ cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn.  Đồng thời, tín dụng ưu đãi đã tạo nền tảng cho việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI ĐƯỢC CỦNG CỐ, NÂNG CAO

Tại BR-VT, trong 5 năm qua, chính sách cho vay vốn ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Giai đoạn 2016-2020, tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 4.131 tỷ đồng. Trong đó, doanh số cho vay theo phương thức ủy thác đạt 4.126 tỷ đồng, với 158 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, chiếm 99,9% tổng doanh số cho vay. Tổng dư nợ thực hiện theo phương thức cho vay ủy thác thông qua 4 tổ chức CTXH tính đến cuối tháng 8/2020 đạt 2.653 tỷ đồng cho 70 nghìn hộ vay, chiếm 99,7%/ tổng dư nợ; tăng 1.415 tỷ đồng (tốc độ tăng trưởng 215%) so với cuối năm 2014. Trong đó, dư nợ ủy thác thông qua Hội Nông dân 912 tỷ đồng, chiếm 34,4%; Hội Liên hiệp Phụ nữ 1.021 tỷ đồng, chiếm 38,4%, Hội Cựu Chiến binh đạt 366 tỷ đồng, chiếm 13,8% và Tỉnh Đoàn đạt 354 tỷ đồng, chiếm 13,4%/ dư nợ ủy thác.

Ông Lê Văn Trương, Giám đốc NHCSXH tỉnh khẳng định, chất lượng tín dụng chính sách xã hội thông qua hoạt động ủy thác nói riêng tiếp tục được củng cố, nâng cao, góp phần bảo toàn nguồn vốn cho vay. Đến cuối tháng 8/2020, nợ quá hạn và nợ khoanh là 7,2 tỷ đồng, chiếm 0,27%/ tổng dư nợ ủy thác, trong đó nợ quá hạn 1,43 tỷ đồng, chiếm 0.05%/tổng dư nợ. Nợ quá hạn và nợ khoanh giảm 2,9 tỷ đồng (giảm 0,08%) so với cuối năm 2014.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Lam ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà NHCSXH cùng các tổ chức chính trị xã hội đã phối hợp trong việc đưa tín dụng chính sách đến với người dân thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh, thời gian tới, tín dụng chính sách tiếp tục được khẳng định là công cụ kinh tế hữu hiệu của Nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Giai đoạn 2016-2020, chính sách cho vay vốn ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Trong ảnh: Bà con xã Tân Hưng, TP. Bà Rịa làm thủ tục vay vốn của NHCSXH.
Giai đoạn 2016-2020, chính sách cho vay vốn ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Trong ảnh: Bà con xã Tân Hưng, TP. Bà Rịa làm thủ tục vay vốn của NHCSXH.

Bài, ảnh: PHAN HÀ

;
.