CHÀO MỪNG NGÀY DOANH NHÂN VIỆT NAM 13/10

Doanh nghiệp chủ động vượt khó

Thứ Sáu, 09/10/2020, 17:08 [GMT+7]
In bài này
.

Linh hoạt, sáng tạo không ngừng trong kinh doanh để vượt qua khó khăn, các DN  đang chuẩn bị sẵn sàng để phục hồi ngay và mạnh mẽ sau dịch.

Công nhân Công ty TNHH SX - TM Cơ khí CNC Hoàng Phúc vệ sinh sản phẩm sau khi cắt xong tại xưởng.
Công nhân Công ty TNHH SX - TM Cơ khí CNC Hoàng Phúc vệ sinh sản phẩm sau khi cắt xong tại xưởng.

Những ngày này, DNTN Gas Thu Tâm (khu 3, Huỳnh Thúc Kháng, thị trấn Côn Đảo, huyện Côn Đảo) phải hoạt động hết công suất do du khách tìm đến để đặt những đơn hàng lớn... Có được điều này là do DN đã tìm tòi, học hỏi nuôi trồng thành công sản phẩm đông trùng hạ thảo loài Cordyceps Militaris ở môi trường nhân tạo, mô phỏng theo đúng môi trường sống trong tự nhiên tại Côn Đảo. Bà Đinh Thị May, cửa hàng trưởng DNTN Gas Thu Tâm cho biết, mỗi tháng DN cung cấp ra thị trường 2kg đông trùng hạ thảo khô. Các sản phẩm này chủ yếu bán cho khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Côn Đảo. Năm 2020, sản phẩm của DN được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam. Đây là động lực để DN nghiên cứu, tạo thêm các sản phẩm mới phục vụ nhu cầu của thị trường. Hiện DN đang nghiên cứu một số sản phẩm làm từ nấm đông trùng hạ thảo như cốm gừng đông trùng hạ thảo, trà túi lọc đông trùng hạ thảo, lương khô đông trùng hạ thảo…

Chủ động sáng tạo, đầu tư máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí là cách mà Công ty TNHH SX- TM Cơ khí CNC Hoàng Phúc (979 Phạm Hùng, phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa) đang thực hiện. Được thành lập tháng 7/2014 với ngành nghề ban đầu là kinh doanh cửa nhựa lõi thép window; sau đó, công ty chuyển sang sản xuất, kinh doanh cắt CNC với 1 máy cắt Plasma. Nhận thấy nhu cầu sử dụng các sản phẩm hàng rào, cổng, cầu thang, khung bảo vệ bằng sắt có họa tiết của người dân cao, đầu năm 2019, công ty đã mạnh dạn đầu tư thêm 1 máy cắt CNC lazer khổ 1,5x3m. Nhờ đổi mới công nghệ, sản phẩm làm ra có độ sắc và chính xác hơn, khách hàng cũng tìm đến đặt hàng nhiều hơn. Đến nay, mỗi ngày bình quân công ty sản xuất và cung ứng cho thị trường từ 2-3 tấn hàng, ngày cao điểm có thể lên đến 6 tấn, tạo công ăn việc làm ổn định cho 7 lao động. “Lấy chất lượng và sự hài lòng của khách hàng làm mục tiêu trong sản xuất, kinh doanh nên các sản phẩm của công ty được khách hàng ưa chuộng. Nhiều khách hàng mới ở các tỉnh, thành như: BR-VT, Phan Thiết (Bình Thuận), Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… đã tìm đến đặt hàng. Đặc biệt, sau khi công ty có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2020, khách hàng đã liên hệ đặt hàng nhiều hơn. Đây là động lực để DN tiếp tục phát triển”, ông Phan Văn Quế, Giám đốc Công ty nói.

Anh Lê Nguyên Cường (xã Châu Pha, TX. Phú Mỹ) cho biết, anh thường xuyên đặt công ty gia công các sản phẩm cắt CNC cho mình khi có người dân địa phương đặt hàng. “Các đơn hàng của đơn vị tôi đặt đều được công ty làm cẩn thận, tỉ mỉ, nhanh chóng. Kể cả những đơn hàng người dân đặt gấp, công ty cũng linh động giải quyết, nhờ đó tôi cũng giữ được chữ tín với khách hàng đặt hàng qua đơn vị mình”, anh Cường nói.

Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh cho thấy, tình hình dịch COVID-19 đã khiến DN hoạt động trong các lĩnh vực đều gặp khó khăn, nhất là các DN vừa và nhỏ. Nhiều DN đã buộc phải tạm ngừng hoạt động, giải thể. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều DN cũng đã chủ động thay đổi, thích nghi với thị trường. Tùy theo tình hình thực tế, các DN đã sáng tạo chuyển đổi mô hình sản xuất, đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của các thị trường trong nước và quốc tế. Với các giải pháp linh hoạt, năng động nên nhiều DN, cơ sở sản xuất- kinh doanh trong tỉnh vẫn có thể cầm cự, thậm chí là tăng trưởng ổn định trong mùa dịch. Tuy nhiên, để phục hồi và phát triển bền vững hơn, các DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh vẫn rất cần sự trợ sức kịp thời của các cấp chính quyền, ngành chức năng trong việc hỗ trợ họ tiếp cận vốn vay ưu đãi, mở rộng thị trường, quy mô sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ phát triển thị trường trong nước cũng như giữa DN với DN thông qua các hoạt động kết nối; tìm nguồn nguyên liệu, chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm, qua đó tăng năng lực cạnh tranh và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.