NÔNG THÔN MỚI - CUỘC SỐNG MỖI NGÀY TỐT ĐẸP HƠN

KỲ 1: Thu nhập tăng cao - người dân hài lòng

Chủ Nhật, 13/09/2020, 19:01 [GMT+7]
In bài này
.

Để người dân hài lòng với chương trình xây dựng NTM, một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng hàng đầu chính là phải bảo đảm thu nhập, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao mức sống bền vững cho mỗi người dân nông thôn. Mỗi người dân là một chủ thể quan trọng để làm nên một nông thôn trù phú và yên bình.

Mô hình trồng nhãn xuồng cơm vàng tại xã Hòa Hội (huyện Xuyên Mộc).
Mô hình trồng nhãn xuồng cơm vàng tại xã Hòa Hội (huyện Xuyên Mộc).

KINH TẾ KHẤM KHÁ

NTM không chỉ là nâng cao đời sống tinh thần cho người dân mà còn gắn với phát triển kinh tế hộ. 5 năm trước, thu nhập bình quân người dân tại xã Suối Rao, huyện Châu Đức chỉ đạt 35 triệu đồng, đến nay con số này đã tăng hơn 50 triệu đồng/năm. Điều đáng nói là, nguồn thu này đều đến từ trồng trọt và chăn nuôi, thay đổi phương thức canh tác của người dân.

Ông Nguyễn Quang Thuận (thôn 3, xã Suối Rao, huyện Châu Đức) đang nuôi đàn dê hơn 250 con (bao gồm dê sinh sản và dê thịt). Từ sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện, năm 2016 ông vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi theo Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND về hỗ trợ lãi suất tín dụng phát triển sản xuất tại các xã NTM. Đồng thời, tham gia các lớp học, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, ông đã chuyển đổi mô hình trồng lúa sang nuôi dê không chăn thả. Nhờ nắm chắc kỹ thuật, phòng tránh dịch bệnh tốt, hàng năm ông cho xuất chuồng từ 8-10 đợt, với giá dê ở mức từ 90-150 ngàn đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm thu về số tiền khoảng 500 triệu đồng. Kinh tế mỗi ngày cũng khấm khá hơn so với trồng lúa. “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chăn nuôi phù hợp có thể giúp nông dân có thu nhập cao hơn”, ông Thuận khẳng định.

Không chỉ hộ ông Thuận, nhiều hộ gia đình ở nông thôn trở nên khá giả hơn nhờ thụ hưởng các chính sách từ chương trình xây dựng NTM. Điển hình như tại xã Lộc An (huyện Đất Đỏ), chỉ sau 1 năm đạt chuẩn NTM vào năm 2019, đến tháng 3/2020, xã Lộc An (huyện Đất Đỏ) đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 58,3 triệu đồng/năm. Để đạt được tiêu chí thu nhập, UBND xã xây dựng nhiều mô hình NTM ứng dụng công nghệ cao như: Trồng nhãn xuồng cơm vàng, nuôi tôm thâm canh áp dụng mô hình công nghệ cao, chế biến thủy hải sản, nhân rộng các mô hình nuôi cá chẽm… Ông Ngô Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc An cho biết, trước đây khi chưa thực hiện xây dựng NTM, thu nhập của người dân trên địa bàn xã còn thấp, các mô hình sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hàng hóa sản xuất ra chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Từ khi triển khai xây dựng NTM, nhờ sự đồng lòng của chính quyền và nhân dân, các chính sách đầu tư xây dựng các dự án nâng cao thu nhập cho người dân đã được triển khai thuận lợi. Chẳng hạn, sau khi 20 hộ dân chuyển sang trồng nhãn xuồng cơm vàng trên 30ha và áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, đời sống của người dân đã ổn định hơn, với mức thu nhập từ 300-350 triệu đồng/ha. Mô hình nuôi tôm 24ha/5 hộ, đến nay năng suất trung bình đạt 40-50 tấn/ha, lợi nhuận thu được 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/vụ... Nhờ tận dụng mọi nguồn lực của địa phương, nhất là nguồn lực của nhân dân, đến nay xã đã hoàn thành 15/15 tiêu chí và là một trong những địa phương đầu tiên hoàn thành xây dựng NTM nâng cao trong năm 2020.

LIÊN KẾT SẢN XUẤT, GIÁ TRỊ NÔNG SẢN TĂNG CAO

Một trong những thành tựu xây dựng NTM trong 5 năm qua là đã hình thành được các mô hình liên kết sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp, đồng thời tăng quy mô sản xuất hàng hóa, áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất cho các DN, HTX liên kết và trình độ của người dân. Đặc biệt, từ nguồn vốn hỗ trợ, các cấp Hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã phối hợp xây dựng nhiều dự án, mô hình sản xuất chất lượng cao, an toàn. Có thể kể đến các dự án như: Dự án sản xuất hồ tiêu bền vững 2018-2019 (huyện Châu Đức); sản xuất nông sản theo hướng an toàn gắn với phát triển du lịch, mô hình trồng bưởi da xanh, nuôi nai lấy nhung (huyện Xuyên Mộc); mô hình hoa lan, cây cảnh, đan lát lục bình (Long Điền)… Bên cạnh đó, huyện tập trung quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo chuỗi liên kết như: Vùng sản xuất lúa tại xã An Nhứt, An Ngãi, Tam Phước với hơn 1.208ha, sản lượng gần 18.000 tấn (năm 2018), năng suất trung bình 6,6 tấn/ha; vùng chuyên canh rau với quy mô hơn 9,5ha tại Phước Hưng… Các mô hình kinh tế đã góp phần xây dựng vùng sản xuất theo hướng bền vững, tăng giá trị sản phẩm, thương hiệu, kết nối với DN trong khâu tiêu thụ sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NNPTNT, chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, lôi cuốn họ tích cực tham gia vào xây dựng NTM. Sự chung sức này góp phần đưa kinh tế nông thôn cũng ngày càng phát triển. Nhiều mô hình chuyên canh, sản xuất theo hướng liên kết tạo lợi nhuận lớn cho người nông dân. Thu nhập bình quân đầu người của các xã xây dựng NTM đạt 54 triệu đồng/người/năm, tăng 20 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ. Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” được tích cực triển khai, đã có trên 100 sản phẩm ở 45 xã với các loại hình phong phú , đa dạng. Sở NN-PTNT đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại giúp cơ sở sản xuất, HTX quảng bá sản phẩm, nhãn hiệu thương hiệu hàng hóa. Từ đó, mở rộng sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước khẳng định giá trị và thương hiệu các mặt hàng nông sản của tỉnh. Thông qua đó, góp phần vào công cuộc xây dựng NTM cũng như chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.

Ông Trần Kim Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Điền cho biết, tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn huyện hơn 1.804 tỷ đồng; đến nay toàn huyện có 5/5 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Để đạt kết quả này, huyện đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn nông dân thâm canh, tăng vụ, sử dụng giống lúa có chất lượng cao, áp dụng cơ giới hóa và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, giá trị nông sản thu được/ha đất tăng từ 36,7 triệu đồng năm 2010 lên 53,5 triệu đồng năm 2019. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn các xã xây dựng NTM của huyện tăng lên 53,3 triệu đồng/người/năm, tăng từ 2 đến 3 lần so với năm 2011. Diện mạo nông thôn Long Điền đã có nhiều đổi thay rõ rệt, kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu có sự chuyển dịch tích cực.

Trong khi đó, tại huyện Đất Đỏ-đến nay đã hoàn thành 9/9 tiêu chí xây dựng huyện NTM và đang hướng tới mục tiêu huyện NTM nâng cao vào năm 2025 cũng được đánh giá là địa phương có nhiều mô hình liên kết sản xuất hiệu quả. Ông Lê Văn Hòa, Bí thư Huyện ủy Đất Đỏ cho biết, 5 năm qua, huyện đã triển khai đồng bộ các chính sách để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao theo hình thức liên kết; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp; thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm... Năm 2020, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tại huyện Đất Đỏ đạt 56,03 triệu đồng/người/năm.

Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại nông trại An Farm (xã Long Tân, huyện Đất Đỏ). Ảnh: KIM HỒNG
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại nông trại An Farm (xã Long Tân, huyện Đất Đỏ). 

KIM HỒNG-NGUYỄN PHƯƠNG

 

 

;
.