Đột phá cải cách thủ tục hành chính cảng biển

Thứ Sáu, 25/09/2020, 22:36 [GMT+7]
In bài này
.

Việc thực hiện thủ tục hành chính nhanh chóng, chính xác tạo sự đột phá trong lĩnh vực dịch vụ cảng biển tại Cái Mép - Thị Vải (CM-TV). Đặc biệt là hiện nay không còn cảnh DN phải xếp hàng đợi thủ tục, hàng hóa được giải phóng nhanh.

Nhờ đầu tư CNTT, thời gian qua cảng TCIT là một trong những DN mang lại dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Trong ảnh: Cảng TCIT lấy ý kiến đánh giá của khách hàng về chất lượng, dịch vụ. Ảnh: THANH NGA
Nhờ đầu tư CNTT, thời gian qua cảng TCIT là một trong những DN mang lại dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Trong ảnh: Cảng TCIT lấy ý kiến đánh giá của khách hàng về chất lượng, dịch vụ. Ảnh: THANH NGA

HIỆN ĐẠI HÓA THỦ TỤC GIAO NHẬN

Đang sử dụng điện thoại smartphone để thực hiện các giao dịch vận chuyển, nâng, hạ lô hàng vừa cập cảng, ông Nguyễn Thành Đạt, nhân viên kế toán của Công ty Thép An Tường (Bình Dương) cho biết: Trước đây, mỗi lần làm thủ tục nhập hàng công ty phải cử 4-5 người trực tại cảng để phối hợp thực hiện giao nhận hàng. Tuy nhiên hiện nay chỉ cần 1 người, thời gian giao dịch lại rút ngắn hơn một nửa, thuận lợi cho DN rất nhiều. Không chỉ có ông Đạt mà nhiều DN khác khi sử dụng ứng dụng cảng biển điện tử E-port để giao dịch cũng cho biết, hiện chỉ cần 1 đến 2 tiếng đồng hồ là xong, nhân viên không phải xuống cảng, thủ tục hoàn tất vừa nhanh chóng, tiện lợi, vừa an toàn.

Hiện nay các cảng tại CM-TV đều đã ứng dụng E-port vào quản lý, điều hành, hỗ trợ giải quyết các hoạt động tại cảng.  E-port là ứng dụng nhằm hỗ trợ khách hàng khai báo thủ tục nâng, hạ container và thanh toán phí nâng, hạ; bảo đảm thuận tiện, đơn giản, tiết kiệm thời gian, cắt giảm chi phí… Việc đưa vào vận hành các phần mềm công nghệ thông tin  góp phần giảm thiểu thời gian làm hàng từ 2-3 giờ/container xuống còn 50 phút/container, góp phần giúp giảm 55% thời gian tàu nằm bến cho các hãng tàu; giảm 3/4 thời gian giao nhận hàng hóa cho khách hàng; giảm 60% các vụ việc mất an toàn lao động, an toàn giao thông.

Cảng CMIT đã và đang ứng dụng thành công các phần mềm có tính năng vượt trội như hóa đơn điện tử, giám sát hải quan tự động giúp DN giải phóng hàng nhanh. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng xuất nhập khẩu tại Cảng CMIT. Ảnh: THANH NGA
Cảng CMIT đã và đang ứng dụng thành công các phần mềm có tính năng vượt trội như hóa đơn điện tử, giám sát hải quan tự động giúp DN giải phóng hàng nhanh. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng xuất nhập khẩu tại Cảng CMIT. Ảnh: THANH NGA

Là đơn vị luôn tiên phong đổi mới, ứng dụng các giải pháp công nghệ trong hoạt động kinh doanh khai thác, Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) đã và đang ứng dụng thành công các phần mềm có tính năng vượt trội như hóa đơn điện tử (e-invoice), giám sát hải quan tự động (e-cargo),… Cuối năm 2019, CMIT đã tham gia vào Tradelens với mục tiêu tăng thêm một nền tảng số mới nhằm cung cấp các dịch vụ tốt nhất đến khách hàng. Ngoài các ứng dụng trên, các DN cảng cũng đã ứng dụng các phần mềm khác như: Hệ thống phần mềm lập kế hoạch điều hành (TOPX), phần mềm quản lý dữ liệu containers (TOPO); phần mềm quản lý container mới (TOPOVN)…

TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG CNTT

3 năm trở lại đây, các hãng tàu có xu hướng liên minh trên các tuyến vận tải, gia tăng việc sử dụng đội tàu có sức chở ngày càng lớn. Từ thế hệ tàu container thứ nhất với sức chở khoảng 1.700 TEUs, đến nay đội tàu vận tải container đã phát triển mạnh mẽ với thế hệ có sức chở lên đến 23.000 TEUs. Hiện cỡ tàu 10.000 - 21.000 TEUs chiếm 34% tổng số tàu vận tải container đang hoạt động và chiếm 78% số lượng tàu đặt đóng mới.

Tàu CMA CGM cập cảng Tân Cảng - Cái Mép làm hàng. Ảnh: ĐÔNG HIẾU
Tàu CMA CGM cập cảng Tân Cảng - Cái Mép làm hàng. Ảnh: ĐÔNG HIẾU

Cụm cảng CM-TV hiện có 25 chuyến tàu mẹ/tuần, trong đó, có 15 chuyến trực tiếp đi châu Âu và Hoa Kỳ. Ngoài ra, hàng hóa xuất khẩu đi tới bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ  ngày càng thuận tiện, chỉ từ 17-20 ngày, rút ngắn hơn từ 3-5 ngày so với 1 năm trước. Việc gia tăng tần suất các chuyến tàu mẹ cập cảng CM-TV đã giúp các DN xuất nhập khẩu trong nước tiết kiệm chi phí, thời gian trong việc vận chuyển hàng tới châu Âu, bờ Đông, bờ Tây của nước Mỹ và ngược lại. Kỳ vọng của các DN cảng biển là trong thời gian tới số tàu mẹ cập cảng CM-TV sẽ tiếp tục tăng ở mức 2 con số. Ông Jan Bandstra, Tổng Giám đốc CMIT cho biết, trong bối cảnh nhu cầu về dịch vụ trực tuyến chất lượng cao ngày càng tăng của các khách hàng cùng với sự phát triển mạnh mẽ số hóa toàn cầu, tham gia vào Tradelens giúp CMIT cập nhật dữ liệu hàng hóa nhanh nhất, từ đó trực tiếp hỗ trợ nâng cao hiệu quả kế hoạch chuỗi cung ứng của các khách hàng. Các DN cảng cần hướng tới xây dựng hệ sinh thái số (eSNP), giúp kết nối các hệ thống của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực cảng biển nhằm đơn giản hóa, chuẩn hóa và tăng tốc trao đổi thông tin giữa các bên, tăng hiệu quả tương tác với các cơ quan Chính phủ như hải quan, hàng hải và cảng vụ. Từ đó, tăng cường kiểm soát, tối ưu quản lý và tự động hóa các quy trình, nâng cao chất lượng dịch vụ và tiết kiệm chi phí trong các hoạt động khai thác cảng và logistics, loại bỏ tập quán giao dịch thủ công truyền thống giữa các bên, phù hợp với xu thế kinh tế trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Để đồng hành với các DN, ngành hải quan cũng đang đi đầu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ hải quan. Đồng chí Lê Văn Thung, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh cho rằng:  Hiện ngành hải quan đã và đang nỗ lực đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, bảo đảm tính công khai minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu. Trong đó, chú trọng tới việc duy trì vận hành hiệu quả hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; thu ngân sách qua các ngân hàng thương mại; chương trình nộp thuế điện tử DN nhờ thu; nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 nhằm đơn giản hóa thủ tục hải quan, giảm thời gian thông quan hàng hóa cho DN. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, tổng số DN đến đăng ký làm thủ tục hải quan là 1.196 DN, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019.

TRÀ NGÂN

;
.