CHỢ TRUYỀN THỐNG

Thay đổi để giữ khách hàng

Thứ Hai, 28/09/2020, 20:30 [GMT+7]
In bài này
.

Hệ thống bán lẻ hiện đại mọc lên khiến chợ truyền thống chịu sức ép cạnh tranh dữ dội. Trong bối cảnh đó, các chợ vừa phải không ngừng nâng cấp, thay đổi cách quản lý và mỗi tiểu thương phải điều chỉnh cung cách phục vụ.

Chợ Vũng Tàu sẽ được đầu tư xây dựng mới theo hướng văn minh - hiện đại. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại chợ Vũng Tàu.
Chợ Vũng Tàu sẽ được đầu tư xây dựng mới theo hướng văn minh - hiện đại. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại chợ Vũng Tàu.

THAY ĐỔI ĐỂ CẠNH TRANH

Hiện nay, thị trường bán lẻ có nhiều thay đổi, đặc biệt là sự “nở rộ” của các cửa hàng bán lẻ với phong cách hiện đại, chuyên nghiệp khiến cho xu hướng bộ phận người dân thay đổi cách đi chợ. Trước thực tế này, để níu chân người dân đến với chợ truyền thống, bà con tiểu thương phải tự thay đổi bằng cách chăm chút cách bài trí hàng hóa, không ngừng nâng cao các kỹ năng bán hàng, mở rộng thêm các dịch vụ phục vụ khách hàng.

Chị Nguyễn Thị Hiền, tiểu thương kinh doanh thịt heo tại chợ Rạch Dừa (TP. Vũng Tàu) cho biết: Trước đây, việc kinh doanh thịt heo tại chợ chủ yếu theo kiểu chờ khách đến, nhưng nay chị phải chủ động tìm khách hàng. “Từ khách quen, tôi chủ động xin số điện thoại để gọi điện cho khách mỗi khi có hàng ngon. Khi khách đặt hàng, tôi giao hàng cho khách tận nơi hoặc để dành để khách ghé lấy. Bên cạnh đó, với khách quen, tôi làm sạch sẽ, sơ chế theo yêu cầu của khách. Nhờ cách làm này nên không những giữ được khách, tôi còn có thêm nhiều khách hàng mới tìm đến”, chị Hiền nói.

Bà Trương Thị Hường (khu phố 1, phường 11, TP.Vũng Tàu) thường xuyên đi chợ từ sáng sớm để chọn lựa được thực phẩm tươi ngon, ưng ý. Bà Hường cho rằng, trước đây, người bán hàng ở chợ thường cho mình cái quyền ngạo nghễ của “một người bán, vạn người mua”, còn nay thì đã khác. Ai cũng vồ vập, hồ hởi với khách hàng, thậm chí, còn xách giùm đồ cho bà ra tận xe, đưa hàng đến giao tận nhà khi bà có yêu cầu. Các loại rau, thịt, cá khi giao đều đã được sơ chế, làm sạch một bước đâu ra đó.

Tại chợ Ngãi Giao, huyện Châu Đức, sau khi thay đổi mô hình quản lý chợ theo hình thức xã hội hóa, việc kinh doanh buôn bán của tiểu thương cũng thay đổi theo. Ông Phan Thiên Khiêm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tân Thành (đơn vị trúng thầu) quản lý, Trưởng BQL chợ Ngãi Giao cho biết, sau khi nhận bàn giao từ UBND huyện Châu Đức năm 2018, công ty đã chủ động sắp xếp các vị trí kinh doanh các ngành hàng cho phù hợp với thực tế. Những hạng mục, trang thiết bị xuống cấp cũng được sửa chữa hoặc nâng cấp khang trang, tạo điều kiện cho tiểu thương và người dân có nơi kinh doanh, mua bán ổn định. Việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ cũng không gây xáo trộn kinh doanh, buôn bán mà còn giúp tiểu thương sắp xếp hàng hóa, thay đổi văn hóa kinh doanh theo hướng tích cực nên việc kinh doanh tại chợ khá ổn định.

Chợ Ngãi Giao đã được chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo hình thức xã hội hóa. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại chợ Ngãi Giao, huyện Châu Đức.
Chợ Ngãi Giao đã được chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo hình thức xã hội hóa. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại chợ Ngãi Giao, huyện Châu Đức.

XÂY DỰNG NÉT ĐẸP VĂN MINH THƯƠNG MẠI

Nhằm hỗ trợ các tiểu thương, Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ năng quản lý bán hàng và văn hóa kinh doanh cho tiểu thương, đại diện các cửa hàng... trên địa bàn tỉnh. Thông qua các lớp tập huấn này, tiểu thương, người bán hàng hiểu được rằng để thành công trong kinh doanh, trước hết phải ứng xử lịch sự với khách hàng. Cụ thể là mời chào nhẹ nhàng, không chèo kéo khách; hiểu các sản phẩm, dịch vụ của mình để tư vấn cho khách hàng khi cần thiết, không nên nói quá sự thật về mặt hàng nào đó mà mình chưa hiểu rõ. Không được quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng.

Ngoài ra, bà con tiểu thương cũng biết cách sắp xếp và trưng bày sản phẩm, hàng hóa sao cho khoa học, vệ sinh quầy hàng sạch sẽ, gọn gàng nhằm tạo sự thoải mái khi khách bước đến quầy sạp. Bên cạnh đó, tại các địa phương cũng đã và đang triển khai mô hình chợ văn minh thương mại, trong đó các tiêu chí đều hướng đến các điều kiện về xây dựng đúng quy chuẩn, tuân thủ nguyên tắc về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm… Nhờ đó, chợ truyền thống đang thay đổi, không bị tụt hậu và xóa sổ trong tương lai.

Bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Ngành công thương sẽ tiếp tục tạo điều kiện để mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ; huy động các nguồn lực đầu tư, từng bước hoàn thiện hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại và phù hợp với từng loại thị trường. Đồng thời tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng bán hàng và văn hóa kinh doanh ở các địa phương trong tỉnh để góp phần nâng cao nhận thức của bà con tiểu thương. Đây không đơn thuần là việc kinh doanh của tiểu thương mà còn thể hiện nét đẹp văn minh thương mại”.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

 
 
;
.