ÔNG DHEP VONGVANICH, GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH QUỐC GIA TẬP ĐOÀN SCG TẠI VIỆT NAM

Chúng tôi muốn trở thành công dân tốt của xã đảo Long Sơn

Thứ Tư, 05/08/2020, 20:50 [GMT+7]
In bài này
.

Tập đoàn SCG đang triển khai Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam Việt Nam tại xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu. Ngoài việc chú trọng triển khai Dự án, Tập đoàn còn quan tâm các chương trình an sinh xã hội tại xã đảo và tỉnh; khắc phục những tồn tại trong quá trình các nhà thầu phụ thi công làm ảnh hưởng đến các công trình dân sinh… 

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo BR-VT đã có cuộc trao đổi với ông Dhep Vongvanich, Giám đốc điều hành quốc gia Tập đoàn SCG tại Việt Nam.  

• Phóng viên: Thưa ông, BR-VT đang trong thời điểm đặc biệt quan trọng, tiến tới tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh và chuẩn bị Kỷ niệm 30 năm thành lập tỉnh. Một trong những nội dung quan trọng của tỉnh là tổng kết thực tiễn, trong đó có những vấn đề liên quan đến thu hút đầu tư. Trên phương diện của một nhà đầu tư, ông đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư tại BR-VT?

- Ông Dhep Vongvanich: Tập đoàn SCG  bắt đầu đầu tư Dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam Việt Nam vào năm 2007. Đây là Tổ hợp Hóa dầu đầu tiên của Việt Nam được đầu tư trên xã đảo Long Sơn, TP. Vũng Tàu. Hoạt động đầu tư của SCG không những phù hợp với tiềm năng về dầu khí của tỉnh mà còn tận dụng được lợi thế về hệ thống hạ tầng kiến trúc của tỉnh như: Hệ thống cảng biển sâu cho các tàu có trọng tải lớn, đường cao tốc nối liền các thành phố kinh tế trọng điểm TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương…

Ngoài ra, tỉnh BR-VT còn liên tục đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ hậu cần chất lượng cao như: khách sạn, bệnh viện, trung tâm mua sắm… Phải nói rằng, sự trong lành của môi trường biển tự nhiên, sự thân thiện và nồng hậu của những người dân địa phương chính là điều đáng ghi nhớ giành cho những người nước ngoài đến nơi đây.

• Ông cho biết, trong quá trình triển khai dự án, SCG nói chung và Công ty Hóa dầu miền Nam nhận được sự đồng hành tích cực từ phía địa phương như thế nào?

- Chúng tôi rất cảm ơn sự hỗ trợ của chính quyền địa phương dành cho SCG và dự án kể từ khi bắt đầu hoạt động đầu tư. Hiện tại, Dự án đang trong giai đoạn xây dựng. Dù trong thời gian qua đã có rất nhiều sự thay đổi về các văn bản pháp luật liên quan, nhưng các sở, ban, ngành vẫn luôn đồng hành và hướng dẫn cách thức thực hiện chi tiết, tổ chức tham vấn cộng đồng, góp phần đôn đốc giúp cho Dự án nhận được sự phê duyệt từ cấp trung ương đến địa phương.  

Do vậy, không chỉ đầu tư vào Dự án, SCG đang có kế hoạch tiếp tục đầu tư với hình thức đầu tư đơn lẻ, đầu tư kết hợp với hình thức mời các đối tác cùng tham gia đầu tư trong các mảng kinh doanh hạ nguồn. Điều này sẽ mang đến cơ hội cho xã đảo Long Sơn nói riêng và tỉnh BR-VT nói chung trở thành trung tâm phát triển của ngành hóa dầu cùng các mảng kinh doanh liên quan tại Việt Nam.

Bên trong công trường thi công Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam Việt Nam.
Bên trong công trường thi công Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam Việt Nam.

• Bất cứ một nhà đầu tư nào cũng hướng đến mục tiêu lợi nhuận. Và điều đó, nhìn bề ngoài có vẻ sẽ mâu thuẫn với chính sách an sinh xã hội, xử lý môi trường tại địa phương nơi có dự án. Quan niệm của SCG về xử lý vấn đề này ra sao, thưa ông?

- Trong quá trình hoạt động kinh doanh, SCG luôn quan niệm rằng sự phát triển bền vững của hoạt động kinh doanh bắt nguồn từ sự phát triển, tương trợ lẫn nhau giữa SCG và người dân địa phương. SCG luôn chú ý đến tầm quan trọng của khía cạnh xã hội và môi trường. Đây là 2 yếu tố cơ bản mang đến sự phát triển kinh tế tại địa phương. Do đó, tất cả các chính sách hoạt động đề ra, SCG luôn chú trọng đến việc tôn trọng và tuân thủ pháp luật, quy định hiện hành từ cấp trung ương đến cấp địa phương.

Tất cả những điều đó, chỉ muốn nói lên rằng SCG mong muốn trở thành một công dân tốt của xã đảo Long Sơn, một công dân tốt của tỉnh BR-VT và một công dân tốt của nước Việt Nam.

 • Ông có nói rằng, SCG muốn là một người dân Long Sơn, gắn bó và xây dựng  mảnh đất này. Ông có thể giải thích thêm?

- Ưu tiên hàng đầu trong hoạt động của SCG là tuân thủ và thực thi theo pháp luật, xây dựng các chương trình xã hội để phát triển chất lượng cuộc sống của thanh thiếu niên và người dân địa phương tại xã đảo Long Sơn. Do đó, SCG nghiêm khắc tuân thủ và thực hiện theo đúng pháp luật, quy chế, quy định của nước Việt Nam và tỉnh BR-VT. SCG tạo cơ hội và hỗ trợ cho những công ty địa phương trên địa bàn tỉnh tham gia vào dự án. Công ty ưu tiên tuyển dụng nhân sự từ nguồn lao động trẻ tại xã Long Sơn và tỉnh BR-VT.  Bên cạnh đó, SCG luôn hỗ trợ các hoạt động giáo dục và y tế cộng đồng. Cụ thể, SCG đã cải tạo nâng cấp Trường Khuyết tật tỉnh BR-VT; Tổ chức ngày hội thiếu nhi hàng năm và chương trình nâng cao nhận thức về an toàn giao thông, cách phòng tránh bệnh truyền nhiễm, khám - tư vấn sức khỏe miễn phí cho người dân Long Sơn. Đồng thời, phối hợp với Bệnh viện Mắt tỉnh tổ chức chương trình Sharing Brighter Vision (Vì một tầm nhìn sáng hơn) cho người dân xã Long Sơn và tỉnh BR-VT. SCG cũng hỗ trợ học bổng cho các em HSSV của tỉnh thông qua Hội Khuyến học tỉnh; Xây dựng sân chơi cho các em nhỏ trên xã đảo Long Sơn,  ủng hộ các hoạt động thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh…  Và gần đây nhất, chung tay bảo vệ cộng đồng trước sự lây nhiễm của COVID-19, Tập đoàn đã ủng hộ tiền cho UBMTTQ Việt Nam tỉnh BR-VT, ủng hộ các trang thiết bị y tế như: khẩu trang, nước rửa tay khô cho Trạm Y tế xã Long Sơn và người dân địa phương trên đảo Long Sơn. 

“Gia đình tôi có 33.000m2 đất, trong đó có 800m2 đất thổ cư ở thôn 2, xã Long Sơn. Khi triển khai Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam, toàn bộ diện tích đất của gia đình tôi  nằm trọn trong vùng Dự án cần phải thu hồi. Năm 2014, khi TP. Vũng Tàu ban hành quyết định thu hồi đất, gia đình tôi đã nhanh chóng bàn giao đất cho nhà nước để triển khai Dự án. Theo đó, gia đình được nhận đền bù 132 triệu đồng/1.000m2 đất và hỗ trợ 1 lô đất có diện tích 3.000m2 tại khu tái định cư (thôn 1, xã Long Sơn).
Gia đình tôi sống ở Long Sơn từ rất lâu, toàn bộ diện tích đất 33.000m2 là do cha ông khai phá để lại. Khi Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam triển khai, được chính quyền địa phương vận động, chúng tôi đã sớm bàn giao mặt bằng để triển khai Dự án vì đây là dự án lớn, làm thay đổi bộ mặt kinh tế của địa phương”.
(Ông Phạm Văn Lưới, thôn 2, xã Long Sơn)
 
“Gia đình tôi là một trong số rất nhiều hộ dân có đất bị thu hồi để thực hiện Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam. Gia đình tôi có hơn 2.000m2 đất bị thu hồi và được Nhà nước bồi thường 680 triệu đồng, bố trí 1 lô đất 100m2 tại khu tái định cư thuộc thôn 1, xã Long Sơn. Việc đền bù và hỗ trợ tái định cư của Nhà nước hợp lòng dân, vậy gia đình tôi nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho nhà nước và đến khu tái định cư để ổn định sinh sống. Ra khu tái định cư, gần đường, gần trường học, mọi việc rất thuận tiện. Chúng tôi lại có một khoản từ tiền đền bù để lập nghiệp”.
(Ông Phạm Ngọc Thanh, thôn 2, xã Long Sơn)

• Về phía SCG, mong muốn điều gì từ người dân Long Sơn, nhất là những người sống gần Dự án?

- Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, SCG luôn hướng đến sự đầu tư dài hạn nhằm mang đến sự phát triển bền vững cho SCG và người dân địa phương. Do đó, điều chúng tôi mong muốn nhận được chính là sự hỗ trợ liên tục từ người dân. Chúng tôi hy vọng sẽ có cơ hội cùng với người dân địa phương học hỏi và hiểu về nhau theo chiều sâu hơn. Cùng với người dân nơi đây tạo nên một cộng đồng Long Sơn đáng sống.

Hàng tháng, chúng tôi tổ chức hoạt động tham vấn cộng đồng. Đây là một kênh trao đổi thông tin nhằm đi sâu vào người dân địa phương hơn. Chúng tôi mời người dân cùng ngồi trao đổi, nói chuyện cập nhật về tình hình của dự án. Nếu trong giai đoạn xây dựng, có gây những hoạt động ảnh hưởng đến người dân, chúng tôi mong nhận được sự phản hồi, góp ý từ người dân, để cùng nhau giải quyết.

Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam Việt Nam có tổng mức đầu tư hơn 5,3 tỷ USD.  Đến giữa tháng 7/2020, Dự án đã hoàn thành 48% khối lượng công việc. Theo kế hoạch, dự án  hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động cuối năm 2022, đưa vào vận hành thương mại đầu năm 2023. Khi đưa vào vận hành thương mại, dự án thu hút khoảng 1.000 lao động có kỹ thuật đóng góp ngân sách khoảng 60 triệu USD/năm.

• Chúng tôi biết, gần đây, trong quá trình thi công Dự án, một số phần việc do nhà thầu phụ đảm nhận có ảnh hưởng đến công trình nhà dân. SCG đã xử lý việc này như thế nào?

- Trong quá trình thi công Dự án, có một số hạng mục công việc ảnh hưởng đến người dân xung quanh mặc dù SCG đã đưa ra biện pháp hạn chế.  Với tư cách là nhà đầu tư, SCG đã phối hợp với các cơ quan chính quyền địa phương như UBND xã Long Sơn, các nhà thầu và người dân để cùng nhau tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề, đảm bảo tính công bằng cho các bên. Bởi vì mục đích mà chúng tôi luôn luôn theo đuổi đó chính là sự phát triển bền vững của hoạt động kinh doanh đồng hành cùng với sự phát triển bền vững của địa phương.

• Xin cảm ơn ông!

THU THẢO - QUANG VŨ 

(Thực hiện)

 
;
.