PHONG TRÀO XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA: Tạo sức bật đổi mới một vùng quê

Thứ Năm, 02/07/2020, 19:48 [GMT+7]
In bài này
.

Cũng giống nhiều địa phương khác, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được xã An Nhứt phát động từ nhiều năm qua. Với sự sáng tạo của chính quyền, sự đồng sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, phong trào đã làm thay đổi diện mạo đời sống văn hóa vùng quê.

Bộ mặt nông thôn An Nhứt ngày càng khởi sắc.
Bộ mặt nông thôn An Nhứt ngày càng khởi sắc.

Ông Nguyễn Tường Thành, Phó Chủ tịch UBND xã An Nhứt, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phong trào cho biết, để phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, tạo khí thế sôi nổi trong toàn dân, 25 thành viên của Ban chỉ đạo đã được phân công nhiệm vụ cụ thể, xây dựng kế hoạch, lồng ghép xây dựng đời sống văn hóa với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh. Địa phương đã huy động mọi nguồn lực của cả hệ thống chính trị, mọi tổ chức kinh tế - xã hội và các tầng lớp nhân dân toàn xã tham gia xây dựng đời sống văn hóa; góp phần tích cực để địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã NTM nâng cao.

Xác định gia đình văn hóa (GĐVH) có vai trò quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa, ngay từ đầu năm, Ban điều hành các ấp đã triển khai đăng ký danh hiệu Gia đình văn hóa, làm cơ sở cho việc theo dõi, bình xét vào cuối năm. Đến nay, xã An Nhứt có 1.109/1.151 hộ dân đạt GĐVH, chiếm tỷ lệ hơn 96%; 4 ấp An Hòa, An Trung, An Đồng và An Lạc giữ vững danh hiệu Ấp văn hóa nhiều năm liền. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt hơn 90%; 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có 91,7% hộ sử dụng nước máy; gần 97% người trong độ tuổi lao động có việc làm ổn định. 

Các mô hình: “Vận động nhân dân tham gia mua BHYT” tại cộng đồng khu dân cư An Hòa, An Trung, An Đồng được nhân rộng, với việc huy động nguồn lực để hỗ trợ 34 thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã; mô hình “Đường sáng ngõ sạch” tại khu dân cư An Lạc, đã kéo hơn 550m dây điện, lắp đặt 21 trụ sắt và 21 bóng đèn led; mô hình “Phụ nữ thu gom phế liệu làm sạch môi trường” tại ấp An Hòa… đã và đang được thực hiện hiệu quả. 

Trong đó, mô hình “Tuyến đường xanh, sạch, đẹp” (khoảng 1km từ cầu An Nhứt đến Bến Lội, thuộc địa bàn ấp An Hòa) đã trở thành điểm nhấn của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” và đang được địa phương khuyến khích nhân rộng. Đến nơi đây, nhiều người không khỏi thích thú khi đi trên những con đường rực sắc hoa tươi thắm, bức tranh làng quê trở nên thanh bình, yên vui hơn. 

Ông Phan Văn Hạnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã An Nhứt cho biết, mô hình trồng hoa chuông vàng hai bên đường ở địa phương đã được triển khai thực hiện từ mấy năm qua. Năm 2020, xã tiếp tục vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân triển khai mô hình tuyến đường xanh, sạch, đẹp trên địa bàn ấp An Hòa. Từ khi có mô hình này, nhiều gia đình sống ở hai bên đường cũng hào hứng cùng trồng hoa, cây xanh. Hộ nào cũng dành thời gian để chăm cho “vườn hoa” trước nhà mình thật đẹp, tạo cảnh quan cho làng quê thêm sinh động, tươi mới. 

Các khu dân cư đều thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường tại cộng đồng, có đội thu gom rác thải. 100% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa bằng nguồn lực chủ yếu do nhân dân đóng góp. 

Cùng với các phong trào “Xây dựng khu dân cư văn hóa”, “Gia đình văn hóa”, “Dân vận khéo”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan” do Hội LHPN xã phát động; “Tuổi trẻ lao động sáng tạo, lập thân, lập nghiệp” của ĐTN xã… đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của cán bộ và nhân dân toàn xã. Với những nỗ lực của cả hệ thống chính quyền, nhân dân tại địa phương, năm 2019, An Nhứt đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Ông Nguyễn Tường Thành, Phó Chủ tịch UBND xã An Nhứt nhấn mạnh, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở An Nhứt đã tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phát huy dân chủ ở cơ sở, bảo đảm ổn định chính trị, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng trừ các tệ nạn xã hội. Các yếu tố văn hóa và nhân tố văn hóa con người được khai thác, phát huy, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế xã nhà phát triển, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt cả vật chất và tinh thần, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, khởi sắc.

Bài, ảnh: HỮU THUẬN 

;
.