HOÀN THÀNH MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN 2015-2020

Kỳ 2: Đa chiều, nhiều cách giảm nghèo bền vững

Thứ Hai, 06/07/2020, 21:32 [GMT+7]
In bài này
.

Để công tác giảm nghèo đạt được hiệu quả cao và bền vững, bên cạnh sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của chính những hộ nghèo, cách thức tiếp cận hộ nghèo và việc đề ra những kế hoạch cụ thể để giúp người dân thoát nghèo đóng vai trò quan trọng. Một trong những kết quả nổi bật của 5 năm qua là công tác giảm nghèo được tiếp cận theo hướng đa chiều. 

Người dân làm thủ tục vay vốn tại NHCSXH tỉnh.
Người dân làm thủ tục vay vốn tại NHCSXH tỉnh.

CHĂM LO TOÀN DIỆN

Tại huyện Châu Đức, các nhóm chính sách hỗ trợ nhằm tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho người nghèo như: hỗ trợ vay vốn tín dụng để phát triển sản xuất; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động thuộc diện hộ nghèo; hỗ trợ giải quyết việc làm; hỗ trợ tiếp cận y tế; hỗ trợ về giáo dục, nhà ở, điện, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường; trợ giúp pháp lý cho người nghèo... Nhiều hộ nghèo đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động vay vốn, tiếp cận khoa học kỹ thuật, tham gia các mô hình phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Ông Nguyễn Tấn Bản, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho hay, sau 5 năm triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, đến nay tỷ lệ hộ nghèo chuẩn tỉnh trên địa bàn huyện chỉ còn 1,81%; không còn hộ nghèo chuẩn Quốc gia.

Còn tại huyện Long Điền, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Long Điền lần thứ XI đặt mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo chuẩn tỉnh trên địa bàn giảm xuống dưới 1% và cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia. Để thực hiện được mục tiêu này, huyện Long Điền đã tập trung mọi nguồn lực giảm nghèo, thu hẹp dần khoảng cách ở mọi phương diện đời sống giữa các địa bàn. Từ năm 2016 đến nay, công tác giảm nghèo huyện Long Điền đã có bước chuyển quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo từ 10,65%, giảm còn 1,5% vào cuối năm 2019, đạt gần 90% so với Nghị quyết đề ra. Thành tựu đáng ghi nhận hơn cả là sự thay đổi trong nhận thức của các hộ nghèo, không chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhà nước, cộng đồng xã hội, mà đã tích cực chủ động vượt khó và vươn lên.

Để giảm nghèo và giảm nghèo bền vững, điều đầu tiên được huyện Long Điền chú trọng là giúp hộ nghèo phát triển kinh tế theo phương châm “trao cần câu, thay vì trao con cá”. Nhiều hộ nghèo được tạo điều kiện học nghề, giới thiệu việc làm; còn đối với những hộ vay vốn thì được hướng dẫn sử dụng đồng vốn thiết thực, hiệu quả. Điển hình như gia đình chị Trần Thị Hường (khu phố Hải Bình, thị trấn Long Hải). Chồng mất sớm, một mình chị phải nuôi 2 con nhỏ nên nhiều năm liền gia đình vẫn thuộc diện hộ nghèo. Năm 2016 đến nay, chị Hường được vay vốn từ Ngân hàng CSXH 3 lần với 60 triệu đồng. Có vốn, chị Hường mở tiệm tạp hóa tại nhà, kết hợp với nhận vá lưới, mỗi tháng chị thu nhập ổn định từ 6-7 triệu đồng. Kinh tế dần ổn định, cuối năm 2017, chị Hường chủ động làm đơn ra khỏi danh sách hộ nghèo.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG NGƯỜI DÂN

Không chỉ thực hiện mục tiêu giảm nghèo, mà một trong những nhiệm vụ quan trọng mà các địa phương tập trung thực hiện trong 5 năm qua là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân với các chương trình, đề án cụ thể.

Tại TP. Bà Rịa, chương trình “Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân” với các giải pháp đồng bộ như: hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn ưu đãi… được triển khai hiệu quả đã giúp hàng ngàn hộ dân có việc làm ổn định, cải thiện thu nhập.

Trước đây, gia đình chị Vũ Thị Yến (khu phố 4, phường Phước Hưng, TP. Bà Rịa) là hộ nghèo chuẩn quốc gia. Năm 2012, gia đình chị được địa phương hỗ trợ xây dựng căn nhà “Đại đoàn kết”. Một năm sau, thông qua Hội Nông dân TP. Bà Rịa, gia đình chị được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH tỉnh làm vốn chăn nuôi bò. Chị còn được giới thiệu tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Tận dụng thời gian nhàn rỗi, chị Yến nhận thêm hàng gia công về nhà may. Nhờ chịu khó làm ăn, lại biết tiết kiệm nên kinh tế gia đình chị khá dần lên. Đến năm 2016, chị đã hoàn trả cả vốn lẫn lãi cho ngân hàng và từ năm 2017, gia đình chị không chỉ thoát nghèo mà còn có thu nhập ổn định.

Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, TP. Bà Rịa đã dành gần 4 tỷ đồng để hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo về các chính sách y tế và giáo dục. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo của TP. Bà Rịa từ 9,43% năm 2016, giảm xuống còn 0,22% so với tổng số dân trên địa bàn thành phố vào cuối năm 2019, về đích trước 1 năm và vượt 2% so với mục tiêu Nghị quyết đề ra. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn dần được nâng lên, hiện nay đạt 51 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, phong trào xây dựng nông thôn mới cũng làm thay đổi diện mạo nông thôn. Ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch UBND TP. Bà Rịa cho biết, để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, TP. Bà Rịa đã đầu tư đồng bộ hạ tầng như giao thông, thủy lợi, điện, trạm y tế, trường học, chợ...  Đến nay, trên địa bàn các xã có 6 HTX nông nghiệp, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực bảo đảm bền vững.

Tương tự, TX. Phú Mỹ cũng đã có 4/5 xã nông thôn được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người tại các xã nông thôn mới ở thị xã Phú Mỹ trung bình đạt 56,85 triệu đồng/người năm, đời sống người dân không ngừng được nâng cao.

Trong giai đoạn 2016-2020, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã tích cực triển khai chương trình tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, kết quả: Xét duyệt cho 40.400 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo vay vốn với số tiền 1.112 tỷ đồng; 11.000 lượt HS-SV được vay vốn để đi học với số tiền 149 tỷ đồng. 348 người nghèo tham gia học nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp; bố trí hơn 351 tỷ đồng để thực hiện các hạng mục, cụ thể: đầu tư 73 công trình đường giao thông dài 190,55km từ xã đến thôn, ấp, liên thôn ấp; 20 công trình điện hạ thế dài 21,4km, 4 trạm biến áp; đầu tư 3 công trình thủy lợi; hỗ trợ cây, con giống cho 1.341 hộ...

Ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND TX. Phú Mỹ cho biết, các xã, phường trên địa bàn TX. Phú Mỹ đã quyết liệt triển khai 12 nội dung cải thiện chất lượng cuộc sống gồm: chăm sóc y tế, giáo dục, nâng cao dân trí, cải thiện môi trường vệ sinh, chăm lo an toàn, nhà ở cho người nghèo, quan tâm đời sống tinh thần, thu nhập, tạo việc làm bền vững, tăng thu nhập, tích lũy cho người dân.... Theo đó, trong những năm qua, đã có hàng trăm công trình được xây dựng. Mạng lưới thương mại, chợ đã được phủ kín hầu hết ở các xã, phường, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân địa phương và các vùng lân cận. Hệ thống trường học phát triển rộng khắp. Mạng lưới y tế cũng được đầu tư đồng bộ nhằm bảo đảm nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, đặc biệt là vùng sâu vùng xa. Trong giai đoạn 2016-2020, TX.Phú Mỹ đã giảm 1.848 hộ nghèo. Dự kiến đến cuối năm 2020, toàn thị xã chỉ còn 361 hộ nghèo.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

;
.